Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Foxconn từ chức, nối gót ông Trump vận động tranh cử

Từng gây dựng đế chế Foxconn, tỷ phú Terry Gou gây tranh cãi khi tuyên bố từ chức chủ tịch tập đoàn để ra tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan.

Vài tuần qua, người ta nhìn thấy một hình ảnh khác của ông chủ Foxconn, Chủ tịch Terry Gou. Ông chủ một thời của một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử lớn nhất thế giới xuất hiện với các trẻ nhỏ, đồ ăn và các hành động hào hiệp giúp đỡ nông dân nghèo.

Xu thế đại gia làm chính trị

Thực tế, ông Gou đang thực hiện vận động để tranh cử vị trí lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan vào năm 2020.

Khác với các ứng viên còn lại, Terry Gou là một trong các tỷ phú công nghệ. Ông còn nổi tiếng là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu Đài Loan theo bình chọn của tạp chí Havard Business Review, với khối tài sản cá nhân trị giá 7 tỷ USD.

ty phu foxconn anh 1
Tỷ phú Terry Gou bị bao vây bởi báo giới tại trụ sở Kuomintang tại Đài Bắc, Đài Loan hôm 13/5. Ảnh: AP.

Ngày 21/6, tỷ phú Gou đã bàn giao quyền điều hành đế chế sản xuất điện tử Foxconn, hay Hon Hai Precision Industry, cho một Ban điều hành mới. Reuters cũng dẫn thông báo của hãng Foxconn cho biết ông Liu Young-way, quản lý mảng chip hiện thời, sẽ thay thế Gou giữ ghế chủ tịch. 

Foxconn là “đứa con” đầy nỗ lực của Terry Gou. Nó góp phần kéo hai nước Trung Quốc và Mỹ gần nhau hơn. Trong nhiều năm qua, Foxconn đã lắp ráp phần lớn iPhone tại Trung Quốc, giúp gây dựng một Apple như ngày nay. Trong quá trình đó, Foxconn cũng góp phần giải quyết vấn đề công ăn việc làm và phát triển kinh tế tại các khu vực sản xuất ở đại lục.

Và nếu trở thành nhà lãnh đạo của Đài Loan, mục đích hướng tới của tỷ phú Terry Gou sẽ còn lớn hơn và khó khăn hơn: Tiếp tục duy trì sự cân bằng một cách “tinh tế” giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc đang thâm tím mình mẩy trong cuộc chiến tranh thương mại kéo dài cả năm qua.

Vị thế gây tranh cãi

Ông Gou từng cho rằng Đài Loan cần những bước đi cẩn trọng hơn, tránh “đạn lạc” từ cuộc giao tranh đang hồi căng thẳng giữa chính quyền Bắc Kinh và Washington. Đặc biệt, khi Mỹ ngày càng ủng hộ Đài Loan như một đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

ty phu foxconn anh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tỷ phú Terry Gou trong lễ động thổ tại Wisconsin (Mỹ) năm ngoái. Ông Trump đã chia sẻ với vị tỷ phú của Foxconn rằng vị trí tổng thống là một "công việc khó khăn".

Terry Gou từng đăng tải trên Facebook rằng: “Nếu chúng ta quá lạc quan, hay thiên vị về một trong hai bên, sẽ đẩy Đài Loan đến một mối nguy hiểm khó lường.”

Tuy nhiên, những mối quan hệ thân thiết với chính quyền Trung Quốc khi phát triển kinh doanh Foxconn lại là trở ngại trên con đường chính trị của Gou. Đài Loan vốn luôn cảnh giác với ảnh hưởng của Trung Quốc. Công việc kinh doanh của ông Gou phụ thuộc vào Trung Quốc. Terry Gou cũng nhiều lần hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhiều người nghi ngờ liệu ông có đặt được lợi ích của Đài Loan lên hàng đầu hay không.

Trước các lo ngại đó, Terry Gou đã có một loạt bước đi. Ngoài việc bàn giao vị trí quản lý Foxconn, ông còn gợi ý tập đoàn di dời một số dây chuyền sản xuất từ thành phố Thiên Tân và Thâm Quyến của Trung Quốc đến thành phố Cao Hùng ở miền Nam Đài Loan.

Tuy nhiên, Lauren Dickey, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Đài Loan tại CNA, một công ty nghiên cứu ở Arlington, Virginia (Mỹ), cho hay: “Ngay cả khi Foxconn di dời một phần từ Trung Quốc sang Đài Loan, thì nó cũng sẽ không hoàn toàn tách rời được thị trường Trung Quốc”.

Do đó, vẫn còn những nghi ngại quanh các mối liên kết với chính quyền Bắc Kinh của Terry Gou sẽ làm xáo trộn tư duy chính trị và trách nhiệm pháp lý của ông.

Trong khi đó, các cử tri đang tìm kiếm luồng gió mới cho sự phát triển kinh tế sẽ bị thu hút bởi một doanh nhân tỷ phú, người từng điều hành một công ty lớn có hàng trăm nghìn nhân viên, thu được nhiều lợi ích và trợ cấp đất đai từ các cuộc đàm phán với quan chức Trung Quốc.

Nói về lịch sử thành công của Terry Gou, đó là quá trình dài và nỗ lực. Xuất phát điểm với 7.500 USD vốn vay của gia đình, ông khai sinh ra Foxconn tại Đài Loan vào năm 1974 với hoạt động là sản xuất linh kiện cho tivi đen trắng và cần điều khiển Atari. Sau đó, Terry Gou mở cơ sở đầu tiên tại Trung Quốc đại lục vào năm 1988 ở một thành phố phía nam Thâm Quyến, và sau đó phát triển sang miền Trung và miền Bắc Trung Quốc.

ty phu foxconn anh 3
Foxconn đã vươn lên trở thành một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, và đứng hàng đầu thế giới về chế tạo theo hợp đồng.

Vấn đề là, về cơ bản Foxconn vẫn mang lại lợi ích việc làm cho cư dân đại lục nhiều hơn là cho Đài Loan.

Ngoài ra, Foxconn vẫn có những “vết đen” khi những năm qua liên tục bị kiện cáo và kiểm tra nghiêm ngặt về các hoạt động khai thác và sử dụng lao động. Năm 2010, làn sóng tự tử của nhân viên đã giáng đòn mạnh vào công ty. Năm 2012, công ty phải thừa nhận đã thuê công nhân ở tuổi 14.

Ngoài việc thể hiện như một con người nghiện công việc và là một doanh nhân sắc sảo, Terry Gou cũng không tránh khỏi những tai tiếng. Richard Kramer, người sáng lập công ty nghiên cứu công nghệ Arete, Anh, cho hay: “Terry Gou là người khai thác nhân công tàn nhẫn, có hành vi trốn thuế, và liên tục thu hút các nhà đầu tư của công ty mới để tăng thêm giá trị cổ phần”. Ngay cả giá trị các cố đông cũng không được chú trọng, khi giá cổ phiếu vẫn hoạt động kém hiệu quả trên thị trường.

Duy trì thế trung lập

Ông Gou hiện chạy đua để trở thành ứng viên tham gia tranh cử cho vị trí lãnh đạo Đài Loan, thuộc Đảng Kuomintang, di sản của Đảng Quốc gia Trung Quốc chuyển sang Đài Loan sau khi bị thất thế trước Đảng Cộng sản.

Nếu thành công, ông sẽ chạy đua với người lãnh đạo Đài Loan hiện tại, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), thuộc đảng Dân Dân chủ Tiến bộ (DPP). Bà Thái có dự định tái tranh cử vào năm 2020.

Kuomintang bao lâu nay vẫn lên tiếng khẳng định vị thế hợp pháp của chính quyền Đài Loan. Kế thừa quan điểm này, ông Gou còn muốn cải thiện mối quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh vốn đã xói mòn kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền.

Trước đó, bà Thái từng nhiều lần gây hấn với Bắc Kinh khi lên tiếng phản đối tuyên bố Đài Loan và Trung Quốc là một. Bắc Kinh đã sử dụng các biện pháp cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế để đe dọa, cô lập Đài Loan. Đáp lại, bà Thái từng cho biết đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Trump.

ty phu foxconn anh 4
Những chiếc F-16 của Mỹ tại một căn cứ ở miền Nam Đài Loan năm 2017. Quân đội nước này đang chờ được phê duyệt 2 đơn hàng vũ trang khủng từ Washington: 1 đơn hàng trị giá 13 tỷ USD với 66 máy bay phản lực F-16, và 1 đơn hàng trị giá 2 tỷ USD để mua xe tăng và các thiết bị khác.

Tuy nhiên, Terry Gou cho rằng dựa vào quan hệ với Washington để bảo vệ đảo này là chiến lược không đáng tin cậy. Chính quyền Trung Quốc lại đứng về phía Terry Gou trong quan điểm thận trọng với Mỹ.

Trước mắt, cựu chủ tịch Foxconn vẫn chạy đua để đạt được vị trí đại diện Đảng Kuomintang vào tháng 7 tới. Đối thủ cạnh tranh chính của ông trong đảng là người bạn học từ thời tiểu học là Han Kuo-yu, thị trưởng nổi tiếng của Cao Hùng và Eric Chu, cựu thị trưởng thành phố Taipei.

Bản thân vị cựu doanh nhân tỷ phú cũng có những ưu thế. Nét tương đồng với lãnh đạo Nhà Trắng về vị thế thành công trong sự nghiệp kinh doanh, phong cách mạnh mẽ, khó đoán cũng khiến Terry Gou được nhiều cử tri ủng hộ. Họ hy vọng ông có thể cầm cương và phát triển nền dân chủ cho Đài Loan. 

Sau cuộc gặp với ông Trump vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Gou đã cho đăng hình ảnh chiếc mũ bóng chày có hình ảnh lá cờ Mỹ và Đài Loan, lồng ghép với dòng slogan nổi tiếng của ông Trump: “Make America Great Again”.

 




 

An Chi

Bạn có thể quan tâm