Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thăm hỏi, động viên các lực lượng tham gia cứu hộ trong đêm 17/1. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp. |
Sáng 9/2, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã gửi thư cảm ơn các lực lượng cứu nạn, cứu hộ tham gia tại công trình cầu Rọc Sen (huyện Thanh Bình).
Thay mặt địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học và những người tâm huyết đã giúp hiến kế. Đồng thời, ông Phạm Thiện Nghĩa cảm ơn các cơ quan truyền thông, báo chí đã đưa tin kịp thời việc cứu nạn cứu hộ tại công trình cầu Rọc Sen.
Theo ông Nghĩa, tai nạn tại công trình cầu Rọc Sen là một sự việc hy hữu và chưa từng có tiền lệ.
Sau khi xảy ra sự cố, được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành và sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, cơ quan truyền thông, nhà thầu thi công... đã huy động được sức mạnh để cùng tham gia triển khai công tác cứu hộ.
Có mặt trực tiếp tại hiện trường, ông Nghĩa chia sẻ với sự khó khăn, nguy hiểm mà lực lượng tham gia phải đối mặt, chạy đua với thời gian để hy vọng cứu sống cháu bé.
Trong suốt 21 ngày diễn ra công tác cứu hộ, đơn vị nhiều lần thay đổi phương án do tình hình thực tế tại hiện trường gặp nhiều khó khăn và điều kiện địa chất phức tạp phải sử dụng thiết bị chuyên dụng. Ngoài ra, khu vực công trình bất lợi về giao thông đường thủy và đường bộ nên việc vận chuyển thiết bị, máy móc gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.
Trước đó, trưa 31/12/2022, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn hàng xóm vào công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống ống cọc bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu 35 m.
Chiều 4/1/2023, nhà chức trách xác định bé Nam đã tử vong nhưng hơn nửa tháng sau đó, thi thể bé trai mới được đưa ra khỏi ống cọc bê tông. Qua giám định pháp y tại hiện trường, lực lượng chức năng kết luận bé Nam tử vong do đa chấn thương khi va chạm thành vách cứng, rơi vào môi trường nước.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.