Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" thêm 3 ngày. Thời gian thực hiện từ 8h ngày 23/8 đến 8h ngày 26/8.
Trả lời phỏng vấn Zing, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh việc kéo dài quy định "ai ở đâu thì ở đó" là cần thiết để ngành y tế khoanh vùng tìm F0, đưa vào các cơ sở y tế điều trị. Đây là cuộc chiến lớn và cũng là giải pháp kiên quyết nhằm truy tìm F0, sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho người dân
- Thưa ông, vì sao Đà Nẵng lại tiếp tục yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó" thêm 3 ngày?
- Ngày 16/8, Đà Nẵng ban hành quyết định Quyết định 2788, yêu cầu "ai ở đâu thì ở đó". Chỉ những người thực hiện nhiệm vụ quan trọng mới được phép ra đường.
Sau nhiều ngày thực hiện, quy định này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bước đầu, ngành chức năng đã đánh giá được tình hình dịch bệnh trên toàn địa bàn, đặc biệt đã kịp phát hiện nhiều F0.
Cụ thể, qua 2 đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, ngành y tế đã phát hiện 969 trường hợp mắc Covid-19 tại 54 phường, xã.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Cơ quan chức năng thành phố đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là công tác đảm bảo an sinh cho người dân.
Trước tình hình đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận thấy cần phải gia hạn thêm thời gian thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" để tiếp tục triển khai các biện pháp dập dịch.
Những ngày tới, chúng tôi tiếp tục đánh giá nguy cơ, các chuỗi lây lan và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho người dân.
- Ông có thể cho biết vì sao từ ngày 16/8, thành phố lại đưa ra quyết định cứng rắn như vậy?
- Ngay từ lúc Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng, chúng tôi đã xác định đây là đại dịch rất nguy hiểm nên yêu cầu cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc.
Chủ trương “ai ở đâu thì ở yên đó” là một quyết định lịch sử chưa có tiền lệ ở Đà Nẵng.
Ông Lê Trung Chinh
Qua tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại mạnh hơn. Chủng Delta được xác định có cường độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn. Lúc đó, ngành y tế đã ghi nhận 1.779 ca dương tính với 14 người tử vong.
Mặc dù ngành y tế Đà Nẵng đã có kinh nghiệm vì trải qua nhiều đợt chống dịch nhưng với cường độ lây lan nhanh của chủng mới, nếu ca bệnh tiếp tục tăng lên thì sẽ khiến hệ thống y tế quá tải.
Chính quyền Đà Nẵng yêu cầu người dân hạn chế ra đường nếu không có việc thật sự cần thiết. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Khi điều này xảy ra thì chúng ta sẽ có nguy cơ trả giá rất đắt bằng mạng sống của người dân. Rút kinh nghiệm từ các địa phương khác và sau khi bàn bạc với lãnh đạo các cấp, tham khảo ý kiến của chuyên gia, dư luận, chúng tôi quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch “cứng rắn” hơn.
Trước khi đưa ra quyết định này, chúng tôi cũng đã cân nhắc rất cẩn thận, với mục tiêu cao nhất là không để thành phố rơi vào tình trạng mất kiểm soát dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết vào lúc này.
- Thưa ông, việc triển khai quyết định “ai ở đâu ở yên đó” được thực hiện như thế nào?
- Ngày 15/8, tất cả lãnh đạo TP Đà Nẵng tiếp tục có một cuộc họp kéo dài nhiều giờ để rà soát lại trước khi ban hành quy định “ai ở đâu thì ở yên đó”.
Tại cuộc họp này, những vấn đề, tình huống có thể phát sinh cũng được lãnh đạo các cấp đưa ra bàn bạc, dự tính phương án ứng phó. Cùng với đó, phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân trong 7 ngày tới cũng được đưa ra thảo luận. Ngày hôm đó, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2788.
Ngày 16/8, chủ trương “ai ở đâu thì ở yên đó” có hiệu lực, tất cả người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, nơi cư trú, nơi làm việc trong thời gian nhất định. Chỉ những người thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; nhân viên vệ sinh môi trường đô thị; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông… mới được ra đường làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, những người thực hiện các hoạt động sau được ra ngoài gồm: Thực hiện vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính Nhà nước.
Người dân ủng hộ chủ trương "ai ở đâu ở đó" để ngành y tế sớm khoanh vùng tìm F0. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nhóm hoạt động đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng Covid-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé. Riêng hoạt động tang lễ tuân thủ các quy định của Chỉ thị 05 của TP.
Yêu cầu những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và phải xác định những nơi này là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định "5K".
Đồng thời, thành phố đảm bảo cho người dân các nhu yếu phẩm thiết yếu; giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kết quả sau 7 ngày là căn cứ để ngành xác định đúng các vùng nguy cơ, trên cơ sở đó có các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Quyết định lịch sử
- Thưa ông, sau 7 ngày thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, thành phố đạt được những kết quả bước đầu như thế nào?
- Có thể nói, chủ trương “ai ở đâu thì ở yên đó” là một quyết định lịch sử chưa có tiền lệ ở Đà Nẵng. Điều đáng mừng là chủ trương này dù lần đầu tiên được thực hiện nhưng người dân, dư luận đồng tình ủng hộ.
Đại đa số người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành ở nhà phòng dịch. Những ngày qua, ngành y tế đã khoanh vùng, truy vết và phát hiện hơn 100 ca dương tính mỗi ngày.
Điều này thể hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đang đi đúng hướng. Việc phát hiện ra nhiều F0 cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ sớm loại ra những ca bệnh ra khỏi cộng đồng dân cư, đưa người bệnh vào các cơ sở y tế để điều trị.
Ngành y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để truy tìm F0. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Người dân biết số lượng ca mắc mới tăng cao do mở rộng xét nghiệm toàn dân nên họ bình tĩnh, không lo lắng như các đợt dịch trước. Một thành công nữa đó là Đà Nẵng đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” nhưng không có người dân nào bị thiếu đói.
Dư luận đánh giá cao vai trò của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở, lực lượng tuyến đầu chống dịch, không để tình trạng thiếu ăn, thuốc men và các mặt hàng nhu yếu phẩm. Các chế độ, chính sách hỗ trợ đã đến tay người dân, tạo dư luận tích cực trong xã hội.
Tuy nhiên, nhìn lại 7 ngày thực hiện quy định “ai ở đâu thì ở yên đó”, chúng tôi cũng thấy có những khó khăn, bất cập. Vẫn còn tình trạng người dân lơ là, chủ quan trong nhiều khu dân cư, tình trạng khai báo không trung thực, thậm chí có nhiều người trốn đi xét nghiệm làm ảnh hưởng quá trình truy vết. Một số hộ nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Việc sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ...
- Trong thời gian thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, thành phố lo vấn đề an sinh, đặc biệt chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người gặp khó khăn trong đợt này ra sao?
- Lãnh đạo thành phố xác định quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh nhưng cũng cương quyết không để bất cứ người nào bị thiếu đói. Thực tế, thời gian qua, thành phố đã có nhiều quyết sách hỗ trợ người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, những trường hợp sống trong khu phong tỏa...
Đà Nẵng đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” nhưng không có người nào bị thiếu đói
Ông Lê Trung Chinh
Cụ thể, thành phố đã chi hơn 63 tỷ đồng để hỗ trợ trên 241.000 hộ dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Sáng 20/8, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2828 về việc hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho hộ dân gặp khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo quyết định này, mỗi hộ dân được hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu với trị giá 500.000 đồng. Theo danh sách có 50.651 hộ dân được hỗ trợ lần này.
Ngoài ra, một tập đoàn đã hỗ trợ 30.000 suất quà (trị giá 500.000 đồng/suất) cho 30.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với mức hỗ trợ trên, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố. Hàng trăm tấn rau, củ quả của các nhà tài trợ đã được trao tận tay người dân.
- Song song việc giãn cách, vaccine được cho là giải pháp quan trọng. Thành phố Đà Nẵng đang triển khai tiêm vaccine cho người dân như thế nào?
- Để triển khai chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, thành phố thiết lập 10 điểm tiêm với 100 đội tiêm. Đến ngày 21/8/2021, thành phố đã tiếp nhận 169.140 liều; đã tiêm 122.960 liều, trong đó 110.492 người tiêm mũi 1 và 12.468 người tiêm mũi 2.
Nếu lượng vaccine được cung ứng đủ, kịp thời, cộng với việc triển khai khoa học, bài bản, chi tiết như hiện nay, đến cuối năm 2021 có thể tiêm hết cho người dân trên 18 tuổi trong địa bàn thành phố. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nguồn vaccine do Bộ Y tế phân bổ cho thành phố.
Chiều 22/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết ghi nhận 183 ca dương tính với nCoV trong ngày. Trong đó có 82 ca cách ly tập trung, 54 người cách ly tạm thời tại nhà, 3 trường hợp trong khu vực phong tỏa và 44 ca cộng đồng. Cộng dồn 10/7 đến 14h ngày 22/8, Đà Nẵng ghi nhận 2.844 ca mắc Covid-19.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.