Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản FLC từ nhiệm

Ngoài vai trò chủ tịch HĐQT tại Công ty Quản lý tài sản FLC, ông Nguyễn Đức Công còn đang là chủ tịch tại một loạt doanh nghiệp liên quan Tập đoàn FLC.

Công ty CP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB) vừa có thông báo về việc đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT và xin thôi giữ chức thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đức Công.

Nếu được phê duyệt, ông Công sẽ không còn giữ bất kỳ vai trò quản lý nào tại công ty này. Được biết, ông Công chính thức giữ vai trò chủ tịch HĐQT GAB từ tháng 5/2021. Như vậy, sau hơn 1 năm tại vị, cá nhân này đã có mong muốn rời ghế chủ tịch công ty.

Với việc ông Nguyễn Đức Công rời đi, HĐQT GAB sẽ chỉ còn 2 thành viên gồm bà Phùng Thị Thu Thảo và bà Vũ Thị Minh Huệ.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Đức Công sinh năm 1981 và là một trong những nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái FLC.

Ngoài vai trò chủ tịch HĐQT tại GAB, ông Công cũng đang là chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và Công ty CP Nông Dược HAI (HAI). Đồng thời, ông còn là thành viên HĐQT tại Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF).

cong ty flc,  tap doan flc anh 1

Ông Nguyễn Đức Công đã có đơn từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT GAB và xin thôi giữ chức thành viên HĐQT. Ảnh: GAB.

Trước đó, trong giai đoạn tháng 2/2020 đến tháng 5/2021, ông Công cũng giữ vai trò là tổng giám đốc GAB.

Việc ông Nguyễn Đức Công có đơn từ nhiệm vị trí cao nhất ban quản trị GAB diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty này đang bị ảnh hưởng lớn từ vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, bị khởi tố và bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Hiện tại, cổ phiếu các doanh nghiệp nơi ông Công giữ vai trò chủ tịch như GAB, AMD, KLF đều bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân chính đến từ việc các doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá thời gian quy định.

Trong văn bản giải trình việc cổ phiếu GAB bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 22/9, ông Nguyễn Đức Công với vai trò chủ tịch HĐQT cho biết GAB đã và đang nỗ lực tìm kiếm và thuyết phục các đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên 2022.

Tuy nhiên, các đơn vị kiểm toán vẫn e dè và từ chối hợp tác với GAB dù công ty khẳng định và cam kết cổ đông Trịnh Văn Quyết không tham gia điều hành, chỉ đạo hoạt động quản trị của công ty. Bên cạnh đó, GAB cũng không tham gia kinh doanh, đầu tư chứng khoán mà hiện cơ quan chức năng đang điều tra.

Về hướng khắc phục, ông Công cho biết trên cơ sở đảm bảo tuân thủ về lựa chọn đơn vị kiểm toán, GAB sẽ nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Nếu phát hành được báo cáo, công ty sẽ thực hiện các công tác quản trị và báo cáo trong năm 2022, khắc phục triệt để tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GAB có mức giá 196.400 đồng/đơn vị, là cổ phiếu có thị giá cao nhất nhóm FLC Group. Đồng thời, GAB cũng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, cổ phiếu này thường xuyên rơi vào tình trạng không có thanh khoản. Suốt từ đầu tháng 4 đến nay, chưa có bất kỳ cổ phiếu GAB nào được các nhà đầu tư mua bán sang tay.

FLC lại đổi đơn vị kiểm toán

Do Công ty Kiểm toán An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự thực hiện dịch vụ kiểm toán, Tập đoàn FLC đã chuyển sang ký kết hợp đồng với Công ty Kiểm toán UHY.

Quảng Ngãi thu hồi 9 dự án tổng vốn hơn 18.000 tỷ đồng của FLC

Công ty CP Tập đoàn FLC đồng ý làm thủ tục bàn giao cho Quảng Ngãi thu hồi toàn bộ 9 dự án đã được cấp với tổng vốn hơn 18.000 tỷ đồng.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm