“Tôi không có sân sau và thực tế chứng minh tôi chả bao giờ tham gia một dự án nào cả. Đó là điều tối kỵ” - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng.
Bên lề hội nghị về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 khu vực ĐBSCL vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã có cuộc trao đổi khá thẳng thắn với báo chí.
Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao Bến Tre được xếp hạng khá cao trong PCI 2018 nhưng chuyện chi phí không chính thức cho bộ máy vẫn là một thực tế, ông Trọng nói: “Chắc chắn chuyện đó có diễn ra!”.
“Tôi thấy chuyện phong bì... kỳ kỳ!”
- Vì sao lại như vậy, thưa ông?
- Buồn cười lắm. Nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) đến với tôi có người thì rủ đi nhậu nhưng nhiều người lại không vậy! Vào đây cứ đăng ký gặp mình rồi họ đưa cho mình cái phong bì trong khi tôi đâu có đòi hỏi gì.
Có thể họ nghĩ tiếp cận lãnh đạo tỉnh là phải tốn chi phí và mình cũng đâu dễ từ chối. Ví dụ, có ông bỏ phong bì vào cuốn sổ, tôi không biết. Đến lúc tôi lật ra thấy, gọi trả lại không được thì biết làm sao!.
- Vậy ông xử lý mấy khoản chi phí không chính thức này như thế nào?
- Mấy khoản này thì cuối năm tôi cho nhân viên hay khi đi dự Quốc hội ngoài Hà Nội, tôi tranh thủ đi thăm mấy em học sinh, sinh viên đang học ngoài đó rồi cho mỗi em có hoàn cảnh khó khăn một ít. Nhiều người hỏi lương ông chỉ có vậy thôi, nguồn tiền đâu ông có mà cho. Tôi nói đó là từ cái khoản DN cho mà tôi không thể trả lại được.
- Nhưng vì sao DN cứ phải có cái phong bì?
- Giờ không khéo cái khoản phong bì khi gặp mặt lại thành thông lệ cũng giống như đi đám cưới, đám ma… phải có cái phong bì. Không có cái gì đưa hình như mọi người thấy thiếu thiếu. Tôi không hiểu! Tôi không bao giờ cần đâu nhưng nhiều người làm vậy. Tôi nói thiệt tôi thấy nó (chuyện chi phí không chính thức, phong bì - PV) kỳ kỳ trong xã hội!
- Ở các buổi cà phê doanh nhân tại Bến Tre, sao ông không nói về vấn đề này?
- Nói chớ! Tôi có nói với DN trong tỉnh và thực tế DN trong tỉnh chẳng bao giờ cho tôi đồng bạc nào. Chỉ có mấy ông bà nơi khác...
|
Ông Cao Văn Trọng nói phải sòng phẳng, nếu chính quyền thua thì phải bồi thường. Ảnh: Chân Luận. |
Không có nhu cầu “sân sau”
- Ông nói năm vừa rồi ông có tới 39 cuộc tiếp công dân, gấp nhiều lần so với luật định. Nhưng các cuộc tiếp này là tiếp dân hay DN? Các nhà kinh doanh có phản ánh những bức xúc, khó khăn với ông không?
- Tôi rất thoải mái. Mỗi tháng tôi có chương trình cà phê doanh nhân vào cuối tháng, cố định rồi. Ngoài ra, chúng tôi có thêm chương trình gặp gỡ với công đoàn, công nhân trong DN, rồi hoạt động khởi nghiệp trong tỉnh...
Còn 39 cuộc tiếp xúc mà tôi đề cập là số lượt tiếp công dân. Một tháng tôi dành ra hai ngày 5 và 20 tiếp công dân.
- Việc tiếp DN thường được tiến hành thế nào, thưa ông?
- Tiếp DN có mấy chuyện. Tiếp nhà đầu tư nước ngoài thì qua Trung tâm Xúc tiến thương mại đăng ký và tôi làm việc khi DN có yêu cầu. Với chương trình cà phê doanh nhân, khi ngồi với nhau thì đăng ký nay ông này trả tiền cà phê, hủ tíu… Sau khi kết thúc chương trình sẽ bàn chủ đề tháng sau là gì. Ngoài chủ đề chính ra cũng có thể có ông rất bức xúc. Tỷ dụ như ổng bị kiểm tra, thanh tra… nhiều quá cũng có thể phản ánh..
- DN chân chính thường lo lãnh đạo có sân sau. Ông có công ty sân sau không?
- Tôi không có sân sau. Vợ chồng tôi có một thằng con trai thôi, nó là sĩ quan biên phòng nên cũng không có nhu cầu sân sau.
Nhiều người từng đặt vấn đề kiểu như khi có dự án ra đời, tôi có một phần trong đó. Nhưng tôi từng trải qua rất nhiều vị trí rồi, từng đi nhiều huyện, làm cả chủ tịch, bí thư… và thực tế chứng minh tôi chả bao giờ tham gia một dự án nào cả. Đó là điều tối kỵ nên tôi nói gì cũng rất thẳng.
Nay tôi đang đứng ở vị trí này (chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - PV) nhưng tôi lớn lên từ môi trường DN. Trước đây tôi làm ở một công ty dừa, là dân DN. Tôi từng buôn bán Bắc-Nam, đi tàu lửa, nhiều mánh mung cuộc sống tôi đều biết hết.
Hầu tòa liên tục
- Một số địa phương tổ chức chương trình cà phê doanh nhân nhưng có nơi không còn nhiệt tình nữa. Có nhà kinh doanh bảo nhiều khi đi cà phê chỉ để làm hình ảnh cho địa phương, chứ đề nghị mãi mà chả giải quyết được gì…
- À, ở Bến Tre có cái khác. Định kỳ hàng tháng tỉnh đều tổ chức cà phê doanh nhân, bàn tròn khởi nghiệp… Tại đây tôi gợi ý: Trong tháng qua ông nào có bức xúc gì không, cứ nói và tôi trực tiếp trả lời. Qua đó để tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ khó khăn với DN, nhà đầu tư.
Ngoài lĩnh vực của tôi còn có giám đốc sở tham gia chương trình, nếu vắng tôi trực tiếp điện thoại lên luôn, kể cả các huyện. Liên quan đến ông nào là tôi gọi điện thoại ngay đến giải quyết hoặc hẹn tuần sau phối hợp trả lời… Qua đó nhiều khó khăn, vướng mắc của DN được tháo gỡ, xử lý nhanh.
- Ông có bị DN hay người dân kiện ra tòa vì ra quyết định sai hay chưa?
- Có chứ! Tôi hầu tòa liên tục. Đây là chuyện bình thường.
- Ông trực tiếp ra hầu tòa?
- Có vụ tôi ủy quyền, vụ nào căng thẳng quá thì tôi mới đi.
- Ông thua nhiều hay thắng?
- Tôi thua không nhiều. Năm ngoái tôi thua khoảng ba vụ trên tổng số hơn 60 vụ. Tôi thua vụ đau nhất là do mấy lính mình lập biên bản, tham mưu không sát. Người ta có chứng lý phù hợp hơn. Đương nhiên thua thì phải bồi thường sòng phẳng. Thế thôi!
- Nhiều nơi nói lãnh đạo không có thời gian đi hầu tòa?
Với tôi không thành vấn đề. Tôi đi hầu tòa là chuyện bình thường vì đó là quyết định của mình. Mình phải đi để khẳng định quyết định của mình là đúng.
Dĩ nhiên cũng không tham gia hết được nên tôi dùng cơ chế ủy quyền và nhất là không để công việc của tòa bị ngưng trệ. Cụ thể, tôi dùng cơ chế ủy quyền cho người đại diện, ví dụ như lĩnh vực tài nguyên, ai đang xử lý vụ đó thì nhờ làm đại diện. Người đó tham dự phiên tòa, nếu người đó cãi không thắng thì… tôi thua.