Sáng 28/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Báo cáo được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Báo cáo được nghiên cứu dựa trên khảo sát hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố. Trong số này có 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Quảng Ninh tiếp tục có năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 70,36 điểm trên thang điểm 100. Tuy nhiên, số điểm năm nay của tỉnh dẫn đầu thấp hơn năm trước, khi năm 2017 số điểm là 70,69.
Năm ngoái, tỉnh xếp thứ 2 là Đà Nẵng thì năm nay đã tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 5 với 67,65 điểm. Năm 2017, chỉ số PCI của Đà Nẵng cũng đạt tới 70,11 điểm, nghĩa là chỉ sau 1 năm đã xuống gần 3 điểm theo thang 100.
Đà Nẵng đã bị mất điểm so với chính mình những năm ngoái trên bảng xếp hạng PCI. Ảnh: Minh Hoàng. |
Như vậy, có thể thấy Đà Nẵng đã “tụt dốc mạnh” trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh. Việc tụt dốc này không hoàn toàn đến từ việc các tỉnh khác tích cực cải cách, mà Đà Nẵng đang mất điểm so với chính mình. Trước đó, suốt 5 năm từ 2012-2016, Đà Nẵng liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước.
Theo báo cáo của VCCI, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở, ngành, huyện thị có sự gia tăng.
Lấy đi vị trí thứ 2 của Đà Nẵng là Đồng Tháp với 70,19 điểm, xếp thứ ba là Long An đạt 68,09 điểm. Trong khi đó, Hà Nội đứng thứ 9 với 65,4 điểm. Năm nay Hà Nội đã cải thiện 4 bậc so với năm ngoái. TP.HCM xếp ngay sau Hà Nội với vị trí thứ 10 với 65,34 điểm.
Chỉ số PCI thấp nhất năm 2018 là tỉnh Đắk Nông khi chỉ đạt 58,16 điểm. Xếp áp chót là Lai Châu.
Theo VCCI, điều tra PCI cho thấy năm 2018 một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực so với năm 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.
Kết quả điều tra cũng chỉ rõ lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà gồm nhóm thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng.
Chỉ số PCI được xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, TP tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.