Mới đây, kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã tiếp tục ghi nhận Đồng Tháp ở vị trí thứ 3 trên 63 tỉnh thành. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Đồng Tháp nằm ở top 5 tỉnh dẫn đầu chỉ số PCI. 8/10 chỉ số của tỉnh giữ vững hoặc tăng so với năm trước đó.
"Lãnh đạo tỉnh kém nhanh nhạy hơn nhiều"
Đồng Tháp vốn nổi tiếng với mô hình “cà phê doanh nhân”, nơi các doanh nghiệp có thể đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Mô hình này đã nổi tiếng trên cả nước và được nhiều tỉnh thành khác học tập.
Chia sẻ sau khi bảng xếp hạng PCI năm 2017 được công bố, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết mô hình cà phê doanh nhân là một thành công lớn của tỉnh này trong việc lắng nghe và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Ảnh: Hiếu Công. |
“Nhiều người chỉ nghĩ đơn thuần cà phê doanh nhân là nơi doanh nghiệp gặp khó khăn, đến đó để gặp lãnh đạo tỉnh, nhưng không chỉ như vậy, chúng tôi tạo nơi đó để chia sẻ, tương tác. Thậm chí không khó khăn họ cũng đến, để chia sẻ, nói lên những ý tưởng để tham mưu cho chính quyền. Chính quyền cũng có những chính sách mới, tiên liệu điều gì cũng sẽ nói với doanh nghiệp. Điều này kéo thị trường gần với nhà lãnh đạo”, ông Hoan chia sẻ.
Ông nhấn mạnh vai trò của cà phê doanh nhân. Chính thành công của mô hình này khiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. Sự nhanh nhạy của cộng đồng doanh nhân đã hỗ trợ rất nhiều trong việc điều hành của lãnh đạo tỉnh.
“Không ai nhanh nhạy với thị trường bằng doanh nghiệp được. Người ta ví sự nhanh nhạy đó như con tôm con cá nhạy cảm với nước mặt hơn nước ngọt, như con côn trùng nhạy cảm với trời nắng trời mưa. Lãnh đạo tỉnh kém nhanh nhạy hơn rất nhiều”, ông Hoan nói.
Ông Lê Minh Hoan cũng cho biết không chỉ mô hình cà phê doanh nhân, mô hình “hội quán nông dân” của tỉnh này cũng đang rất phát triển, hiệu quả và được Chính phủ đánh giá cao.
Tại Đồng Tháp, hiện đã thành lập được trên 40 hội quán. Đó là nơi quy tụ, tập hợp những người nông dân một cách tự nguyện của nhiều ngành hàng, ví như cùng trồng xoài, cùng trồng nhãn, cùng nuôi tôm…
Đồng Tháp đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI năm 2017. |
“Làm hội quán, họ có thể làm tại mái đình, dưới hiên nhà, trong một trường học… Giống như chúng ta bàn chuyện làng, chuyện nước, miễn đó là nơi có thể sinh hoạt động đồng. Cộng đồng có thể gồm 50-70 hộ cùng trồng xoài, trồng nhãn… họ quây quần với nhau vào cuối tuần”, ông Hoan nói.
Thông qua hội quán, người nông dân phát huy vai trò tự lực, tự quản tại địa phương. Hội quán cũng giúp thay đổi nhận thức của người dân, để tự người dân suy nghĩ, tự tìm hướng đi cho các mặt hàng mình sản xuất. Nhà nước chỉ cung cấp thông tin, không quyết định thay cho người nông dân.
“Nhiều doanh nghiệp cũng vào, cùng ngồi bàn bạc với người nông dân sản xuất như thế nào. Họ thông tin thị trường, giá cả, cách sản xuất. Hội quán là nơi có thể phát huy năng lực của cả cộng đồng. Chúng ta không thể chỉ huy cộng đồng được, phải để chính cộng đồng đó giải quyết vấn đề của mình, mặt khác cũng không để họ trông chờ, ỷ lại”, ông Hoan chia sẻ.
Hội quán và người nông dân 4.0
Theo Bí thư Lê Minh Hoan, dư địa cải cách tại Đồng Tháp còn rất nhiều. Mặt khác, đất nước đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nên có thể tận dụng các mặt mạnh vào việc cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh tại mỗi địa phương, bằng những kết nối, tương tác nhanh giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, nông dân.
Thủ tướng tới thăm một hội quán nông dân tại Đồng Tháp cuối năm 2017. Ảnh: VGP. |
Ông Hoan cũng cho biết tỉnh đã kết nối hạ tầng viễn thông đến tất cả các hội quán. “Cứ cuối giờ chiều, sau khi kết thúc việc làm đồng, bí thư, chủ tịch tỉnh, chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp…. chỉ cần ngồi trên tỉnh có thể nói chuyện hết với nông dân. Thường bà con chỉ có buổi tối họ mới rảnh rỗi, còn mình cứ mời người ta đi ban ngày không à”, ông Hoan kể.
Lãnh đạo Đồng Tháp cho biết cũng sẽ đưa nông dân tại các hội quán lên TP.HCM để khảo sát thị trường, để họ thấy thị trường là như thế nào. Ngoài ra cũng mời chuyên gia trong nước, ngoài nước tập huấn những kỹ năng cho nông dân, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng nhóm.
"Mục đích là làm thế nào để người dân lo chuyện người dân, chính quyền ở phía sau, chứ chính quyền không chỉ huy người dân nữa, đó là triết lý của hội quán", Bí thư Đồng Tháp nói.
Ông cho biết các ông chủ nhiệm hội quán được tặng điện thoại thông minh để họ hiểu là thế giới.
"Thị trường, công nghệ nằm trong này nè. Họ chỉ cần bấm máy là ra. Cuối tuần chúng tôi có chiếu phim ảnh về nông nghiệp của Việt Nam, thế giới thông qua các màn chiếu tại các hội quán. Bà con vừa uống nước trà, vừa coi vừa bình luận xem thực tế ra sao”, ông Hoan nói.
Bước tiếp theo, khi bà con đã thấy mô hình, họ bàn nhau bắt đầu tư đâu. Khi đó, chuyên gia sẽ dạy cách lập kế hoạch, cách đầu tư. Cùng với đó, đại diện các sở, ban ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, rồi cả chuyên gia cùng xuống bàn bạc, thảo luận với bà con.
Bí thư Đồng Tháp cho rằng dư địa cải cách của tỉnh này còn rất lớn, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Tùng Tin. |
Thậm chí, tỉnh còn tiến hành dạy nghề trực tuyến luôn thông qua kết nối hạ tầng. Người nông dân cần gì thì tỉnh sẽ mời chuyên gia dạy trực tuyến, theo đó sẽ hiệu quả hơn vì không bắt bà con bỏ làm đồng ruộng để đi học như trước kia.
Ông Lê Minh Hoan bảo mô hình hội quán nông dân là điều mà Đồng Tháp rất tâm đắc, thậm chí tâm đắc hơn cả cà phê doanh nhân bởi nó liên quan đến hàng triệu người. Ông nhấn mạnh không được bỏ quên nông dân, không cho họ sống trong những ốc đảo nữa, do đó phải kết nối, kích hoạt cho người nông dân.
Bí thư Đồng Tháp cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 còn nhiều dư địa để làm được nhiều thứ. Công nghiệp giúp mọi việc trở nên nhanh hơn, thiết thực hơn, bỏ đi tầng nấc.
“Không còn mất thời gian từ trung ương xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã uống ấp… nữa. Đồng Tháp sẽ hỗ trợ nông dân kiến thức chứ không phải đồng vốn. Hỗ trợ đầu ra chứ không hỗ trợ đầu vào, giúp bà con sản xuất tốt hơn. Hỗ trợ họ kiến thức để biết bảo quản, chế biến, sự khắc nghiệt của thị trường…”, ông Hoan chia sẻ.