Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico - HNR) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 32 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhờ giảm giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của Halico được nâng lên hơn 10 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, do doanh thu không đủ bù đắp các loại chi phí, công ty vẫn báo lỗ sau thuế 4,2 tỷ đồng, tiếp tục nối dài mạch thua lỗ lên con số 27 quý kể từ quý II/2017. Đến nay, Halico đã lỗ luỹ kế 457 tỷ đồng.
Cả năm 2023, chủ thương hiệu Vodka Hà Nội ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 100 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Song, số lỗ của Halico trong giai đoạn này chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận khoản lỗ trên 12,4 tỷ.
Khoản lỗ giảm xuống chủ yếu nhờ giá vốn hàng bán trong năm tài chính 2023 giảm gần 10 tỷ đồng so với năm trước, về còn 72,6 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên đến gần 232 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận khoản lỗ khác 748 triệu đồng.
HALICO KINH DOANH THUA LỖ TRIỀN MIÊN | |||||||||||||||||
Nguồn: BCTC | |||||||||||||||||
Nhãn | Quý I/2020 | II | III | IV | Quý I/2021 | II | III | IV | Quý I/2022 | II | III | IV | Quý I/2023 | II | III | IV | |
Doanh thu thuần | Tỷ đồng | 27 | 26 | 23 | 28 | 36 | 17 | 14 | 35 | 29 | 32 | 20 | 31 | 26 | 19 | 21 | 32 |
Lỗ sau thuế | -9 | -6 | -6 | -10 | -1 | -12 | -4 | -6 | -4 | -2 | -1 | -8 | -1 | -2 | -2 | -4 |
Năm 2023, Halico lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 215,4 tỷ đồng, dự kiến lỗ 13,4 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước gần 94 tỷ đồng. Như vậy, Halico đã không hoàn thành được kế hoạch doanh thu cho cả năm, trong khi khoản lỗ sau thuế tốt hơn đôi chút so với chỉ tiêu đề ra.
Tính tới ngày 31/12, tổng tài sản của Halico đạt gần 376 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho tăng hơn 35% so với cùng kỳ, lên mức 98,5 tỷ đồng, chiếm hơn 26% tổng tài sản. Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 19 tỷ đồng.
Halico đang có khoản nợ khoảng 20 tỷ đồng, giảm 10% so với năm tài chính trước đó. Các khoản nợ này đều là nợ ngắn hạn, chủ yếu là thuế và các khoản nộp Nhà nước, dự phòng phải trả.
Công ty Rượu Hà Nội tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội xây dựng từ năm 1898, là nhà máy sản xuất cồn rượu đầu tiên tại Việt Nam.
Ở thời hoàng kim, nhà máy này chiếm đa số thị phần rượu phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Hãng thậm chí từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất thị trường, với mức tăng bình quân 25%/năm.
Tuy nhiên, bước ngoặt kinh doanh của công ty đến sau khi hoạt động buôn lậu rượu bị phanh phui với chuyến hàng rỗng xuất khẩu sang Lào ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Kết quả là hàng loạt lãnh đạo công ty bị khởi tố hình sự và hoạt động kinh doanh lao dốc.
Ban lãnh đạo công ty cũng từng thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục là do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, bao bì.
Trong khi đó, hãng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất rượu trong và ngoài nước. Đặc biệt, các nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm giả của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.