67 hộ dân người Ơ Đu hay còn gọi là Tày Hạt, một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, sống ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, vừa được đầu tư xây dựng 67 chuồng trại nuôi gia súc với kinh phí 12,6 tỷ đồng theo đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025. |
Trong đó có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 với giá trị xây dựng hơn 7,24 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 10 chuồng loại 2 với kinh phí 2,36 tỷ đồng (mỗi chuồng bò đầu tư khoảng 236 triệu đồng). |
Mỗi chuồng bò loại 2 có diện tích hơn 30 m2, chiều cao tường 2,7 m. |
Trước và sau có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền bê tông; phía trên lợp mái tôn; phía sau có máng để phân; máng đựng thức ăn... |
Người dân cho rằng việc đầu tư hàng trăm triệu đồng cho xây dựng chuồng bò theo đề án trong khi cuộc sống người dân Ơ Đu còn khó khăn là chưa phù hợp. |
Ngoài chính sách hỗ trợ xây chuồng bò trong đề án phát triển kinh tế của tỉnh, những hộ dân người Ơ Đu ở xã Nga My cũng được hỗ trợ vốn để mua gia súc. |
Trái với hình ảnh những chuồng bò khang trang được xây dựng hàng trăm triệu thì 2 năm nay, vợ chồng anh Lo Văn Bạch (xã Nga My, huyện Tương Dương) vẫn sống trong ngôi nhà tranh. Việc được đầu tư xây chuồng bò khang trang với máy cắt cỏ cũng khiến anh bất ngờ. “Chuồng thì xây đẹp, to nhưng nhà cửa còn khó khăn quá. Cỏ được cấp cho trồng trên đất mới nên không thể phát triển được, muốn dùng máy nghiền cỏ cũng chịu”, anh Bạch nói. |
Nhiều người thuộc diện hỗ trợ mong có căn nhà ở kiên cố để yên tâm phát triển kinh tế hơn là căn nhà xuống cấp nằm cạnh chuồng bò hàng trăm triệu, khang trang. |
Hình ảnh đối lập giữa những căn nhà tre nứa xuống cấp của một số hộ dân ở bản Văng Môn, xã Nga My, với chuồng bò hàng trăm triệu, lợp kín mái tôn. |
Phía trên chuồng bò còn có gác lửng làm bằng lưới sắt B40 để làm nơi cất thức ăn. |
Ông Đặng Xuân Quyền, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An), khẳng định việc thẩm định giá của hạng mục xây chuồng gia súc theo đề án là đúng quy định và theo đơn giá của Nhà nước. |
Anh Lo Văn Chung (28 tuổi, trú bản Văng Môn) cho biết chuồng bò của gia đình được xây với kinh phí hơn 230 triệu đồng. Ngoài chuồng và bò, người dân nơi đây cũng được hỗ trợ tiền và mua giống cỏ về trồng làm thức ăn cho gia súc. |
Liên quan đến đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cũng thừa nhận thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình phê duyệt dẫn đến việc triển khai đề án từng “đưa nhầm” 213 nhân khẩu vào diện hỗ trợ. Ngoài ra, Công an Nghệ An đã bắt 2 cán bộ thuộc Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An vì có liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện đề án này. |
Xã Nga My ở huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An, chấm xanh). Ảnh: Google Maps. |
Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025 được Chính phủ phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương là 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương.
Tháng 7/2019, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định về việc phân kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế cho người Ơ Đu. Theo đề án, ngoài các hạng mục thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đề án còn hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài cho 67 hộ dân ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng.