Ông H., chủ một chuỗi nhà hàng lớn ở TP.HCM cho biết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì quy định không được bán đồ uống có cồn. Theo ông, việc cho nhà hàng, quán ăn ở quận 7 và TP Thủ Đức thí điểm bán là chưa hợp lý.
"Tại sao các quận, huyện khác không được thí điểm mà lại thí điểm ở quận 7 và TP Thủ Đức. Trong khi Gò Vấp, Tân Bình, quận 1... đều là vùng xanh", ông thắc mắc.
Chủ chuỗi nhà hàng này cho rằng quy định này cũng bất công cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không nằm trong 2 địa phương được thí điểm vì khi mở cửa trở lại, họ cũng phải chịu các chi phí vận hành rất lớn, đặc biệt là chi phí mặt bằng. Còn nếu tiếp tục đóng cửa hay chỉ bán mang về thì thu không đủ bù chi.
Thực tế hiện nay, sau khi TP cho phép hàng quán mở bán tại chỗ, nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn chưa mở bán tại chỗ hoặc mở cửa cầm chừng lo mất khách vì quy định cấm bán đồ uống có cồn.
Quán nhậu ở TP Thủ Đức đông khách sau khi mở bán tại chỗ trở lại. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lo khách đổ xô đến quận 7 và TP Thủ Đức
"Hiện TP.HCM đã bỏ các rào chắn trên đường, do đó người dân từ các quận sẽ đổ xô đến 2 địa phương cho phép để ăn, uống làm tăng nguy cơ lây nhiễm hơn cho các vùng này. Lúc này, việc phòng, chống dịch bệnh không thể dựa trên địa giới hành chính, khoanh vùng", ông H. nói.
Trong khi đó, chủ chuỗi nhà hàng này cho biết người lao động đã quay lại TP, sẵn sàng làm việc nhưng vẫn phải chờ vì quán chưa thể mở lại. "Hiện nhà hàng mới chỉ mở lại đón khách ở chi nhánh quận 7 còn các quận khác đang cân nhắc bởi chủ trương không bán bia, rượu nhưng khách hàng mang đến đơn vị cũng sẽ bị phạt", ông lo ngại.
Tương tự, anh Thanh Tú - quản lý nhà hàng Gordon (quận 1) - cho biết đơn vị đã mở đón khách từ ngày 28/10. "Nhà hàng có 16 phòng riêng, sảnh, sân thượng chỗ ngồi riêng biệt đảm bảo giãn cách giữa các nhóm khách an toàn phòng, chống dịch Covid-19", anh nói.
Anh Tú cho biết dù rất vui mừng khi được mở bán tại chỗ trở lại sau gần 5 tháng tạm đóng cửa, tuy nhiên việc không được phép kinh doanh đồ uống có cồn khiến nhà hàng gặp không ít khó khăn. "Nhiều khách hàng không hài lòng khi không được sử dụng rượu, bia, một số khác nhận được thông tin nhà hàng không phục vụ rượu bia cũng lắc đầu quay xe", anh nói.
Do đó, đại diện nhà hàng này cũng mong thành phố cho phép các nhà hàng, quán ăn được sớm bán lại bia rượu để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sau dịch.
Nhiều người lo ngại người từ các quận khác đến quận 7 và TP Thủ Đức tụ tập ăn uống sẽ tăng nguy cơ lây lan (nếu có). Ảnh: Duy Hiệu. |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc thí điểm bán đồ uống có cồn tại 2 địa bàn này có 2 vấn đề.
Nếu TP.HCM đã cấm hàng quán sử dụng đồ uống có cồn thì nên cấm toàn thành phố hoặc ngược lại.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Thứ nhất, bản thân người dân tại quận 7, TP Thủ Đức vốn đã có nhu cầu "nhậu", nếu thêm người từ nơi khác dồn đến sẽ có nguy cơ làm tăng mật độ các hàng quán, tăng nguy cơ tụ tập.
Thứ hai, việc tăng tiếp xúc của người dân giữa các vùng nguy cơ sẽ làm sự lây lan (nếu có) phức tạp hơn. Cụ thể, nếu người ở vùng cấp độ 3 (quận Bình Tân) tới vùng cấp độ 1 để ăn uống thì sẽ làm tăng nguy cơ cho nơi cấp độ 1. Càng trộn lẫn các khu vực nguy cơ thì khả năng lây lan càng nhiều.
"Về nguyên tắc, khi đã chấp nhận phân tầng nguy cơ thì các biện pháp cũng phải phân tầng", ông Dũng nói và cho rằng nếu TP.HCM đã cấm hàng quán sử dụng đồ uống có cồn thì nên cấm toàn thành phố hoặc ngược lại.
Đã tiêm đủ vaccine thì cần mạnh dạn mở cửa
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Trưởng phòng kinh tế TP Thủ Đức - cho biết hiện nay TP Thủ Đức thí điểm dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn tại 9 phường gồm: Thảo Điền, An Khánh, An Lợi Đông, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Long Phước, Bình Thọ, Linh Chiểu, Linh Tây.
Trong ngày đầu triển khai, bà Trâm cho biết TP đã có đoàn kiểm tra nhắc nhở một số cơ sở kinh doanh bán đồ uống có cồn không thuộc 9 phường thí điểm. "Hiện nay tình hình dịch còn nhiều phức tạp nên cũng cần phải thận trọng, sau ngày 15/11 nếu kết quả thí điểm ổn định, TP sẽ cho mở bán đồ uống có cồn ở các địa phương khác", bà nói.
Các nhà hàng, quán ăn mở cửa trở lại trên địa bàn đều phải đáp ứng các quy định theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM.
Trong khi đó, bà Phan Trang Hương - Trưởng phòng kinh tế quận 7 - cho biết hiện tại quận chưa thí điểm hàng quán bán đồ uống có cồn. "Quận mới có kế hoạch, khi nào tình hình ổn định mới cho phép thí điểm ở phường cụ thể", bà nói.
Hiện TP Thủ Đức thí điểm hàng quán bán đồ uống có cồn ở 9 phường, quận 7 vẫn chưa cho phép thí điểm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc quy định hàng quán không được bán bia, rượu chưa hợp lý.
Hàng quán, dịch vụ là một yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động chứ không chỉ sản xuất. Khi tỷ lệ chích ngừa 2 mũi vaccine cao, phải mở cửa tối đa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Điều quan trọng khi đi ăn, uống tại hàng quán là giữ khoảng cách và không tiếp xúc với nhóm người ở bàn khác. "Trong trường hợp cần tiếp xúc thì đeo khẩu trang sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm", ông nói.
Ông cho rằng hàng quán, dịch vụ là một yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động chứ không chỉ sản xuất. Do đó khi tỷ lệ chích ngừa 2 mũi vaccine cao phải mở cửa tối đa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi. "Đợt mở cửa lần này của thành phố rất bình thường, thậm chí là chậm trễ", bác sĩ Khanh nhìn nhận.