Gần một tuần qua, người dân và giới kinh doanh ăn uống tại Phú Quốc (Kiên Giang) đặc biệt quan tâm đến tình hình dịch bệnh tại đảo ngọc khi nhiều F0 xuất hiện trong cộng đồng.
Nhiều nhà hàng lớn vẫn tiếp tục đóng cửa chờ chính quyền hoàn tất tiêm vaccine mũi 2 để tạo miễn dịch cộng đồng cho toàn dân thành phố đảo. Đa phần hàng quán đang hoạt động cầm cự thuộc diện quy mô nhỏ, hộ gia đình.
Vẫn lo dù tiêm đủ 2 liều vaccine
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Minh Hải, chủ nhà hàng ở số 107 Trần Hưng Đạo, phường Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết giữa tháng 6/2019, ông đầu tư quán phở Hồng Anh với chi phí gần 5 tỷ đồng. Lúc cao điểm vào cuối năm 2019, phở Hồng Anh mang về doanh thu cho ông Hải 70-100 triệu đồng/ngày.
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, phở Hồng Anh vắng khách dần và ngừng hoạt động nửa năm nay. Trong lúc địa phương lên kế hoạch đón khách du lịch quốc tế bằng hộ chiếu vaccine vào cuối năm nay, ông Hải vẫn chưa nghĩ đến việc mở cửa lại.
“Nhà hàng của tôi đầu tư lớn, bây giờ mà mở bán thì một ngày bán cho khách địa phương tối đa cũng chỉ 150-200 người. Tuy nhiên, khách địa phương chia ra nhiều nơi, ai tiện đâu ăn đó. Với lượng khách này, nhà hàng mở ra bán dưới 15 triệu đồng là lỗ. Hiện nay khách du lịch chưa có, nếu có phải dồi dào, đạt 50-70% công suất của năm vừa rồi thì mới có thể khai thác. Có thể hết năm nay hoặc đầu năm sau mới mở cửa lại nhà hàng”, ông Hải chia sẻ.
Lúc cao điểm, nhà hàng phở Hồng Anh đón hơn 1.000 khách mỗi ngày. Ảnh: Hoàng Minh. |
Theo chủ nhà hàng Hồng Anh, vợ chồng ông và nhân viên đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Song, việc mở cửa kinh doanh phải cần thêm thời gian cho kinh tế phục hồi ổn định, người dân đi du lịch trở lại. Đầu năm 2022, nếu dịch bệnh ổn định, ông Hải hy vọng mở cửa hoạt động cầm chừng để từng bước khôi phục kinh doanh.
“Đầu năm tới nếu có khách khoảng 200 người mỗi ngày thì phở Hồng Anh có thể hoạt động cầm chừng nhưng phải cắt giảm nhân sự nhiều để giảm lỗ. Những quán mở sớm hiện nay là người dân có sẵn, tự làm 3-5 người, thu lãi vài trăm nghìn mỗi ngày”, ông Hải đánh giá.
Tương tự, chủ nhà hàng Hạnh Nhung có chuỗi kinh doanh tại phường Dương Đông và xã Hàm Ninh vẫn chưa mở phục vụ khách vì sợ dịch bệnh. Theo chủ nhà hàng, gia đình ông và nhân viên đã tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19 nhưng sợ lúc kinh doanh vướng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến các con.
“Tôi thấy có người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nhiễm bệnh. Vì vậy, chừng nào dịch bệnh ổn mới mở cửa nhà hàng. Lúc này, công nhân từ TP.HCM và Bình Dương về nhiều. Đảo Phú Quốc đã ghi nhận thêm vài trăm F0 vài ngày qua”, chủ nhà hàng Hạnh Dung tâm tư.
Chủ nhà hàng phở Hồng Anh chưa nghĩ để việc sửa chữa cơ sở vật chất để kinh doanh trở lại sau nhiều tháng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Minh. |
Tại khu phố 7, phường Dương Đông, chủ Free Beach Phú Quốc Resort Phạm Văn Sỹ nhận định khách du lịch đến đảo ngọc chưa nhiều vào cuối năm nay nên ông chưa sửa lại nhà hàng ven biển để kinh doanh. Theo ông Sỹ, đó là chưa kể đến cơ sở lưu trú của ông không nằm trong danh sách 14 địa điểm đủ điều kiện đón khách quốc tế.
“Khoảng tháng 12 mới có khách quốc tế nhưng đã có 14 khách sạn phục vụ. Resort của tôi không nằm trong danh sách thí điểm đón khách quốc tế nên mở cửa nhà hàng là lỗ. Nếu chủ thuê 2 nhân viên cũng không đủ tiền trả. Đang còn dịch ở Phú Quốc thì đâu ai dám qua”, ông Sỹ khẳng định.
Mở cửa để nuôi nhân viên
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Phú Quốc, hơn một tháng qua ghi nhận 682 F0. Trong đó, 80 F0 mới phát hiện có 56 là trong cộng đồng.
Hiện, đã có gần 100% người dân từ 18 tuổi trở lên ở Phú Quốc được tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 đạt khoảng 90%. Trong 2 ngày 28-29/10, Trung tâm Y tế Phú Quốc tiêm dứt điểm mũi 2 cho 22.000 người còn lại.
Nói với Zing, anh Nguyễn Hiệp, chủ nhà hàng Hoa Sứ ở phường Dương Đông, cho biết mỗi ngày anh phục vụ khách địa phương được doanh thu khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trả tiền nhân viên 43 người, lỗ tiền thuê mặt bằng.
“F0 xuất hiện trong cộng đồng nên khách đến không nhiều. Trước khi có dịch, mỗi ngày doanh thu khoảng 40 triệu đồng. Tôi trang bị máy khử khuẩn nano bạc để phục vụ khách và nhân viên của mình. Dù khá khăn nhưng chúng tôi chưa nhận hỗ trợ theo quy định. Nhân viên của tôi cũng đã đăng ký mấy tháng mà vẫn chưa được hỗ trợ tiền”, anh Hiệp nói.
Đường phố ở Phú Quốc vắng người. Ảnh: Hoàng Minh. |
Cùng ngày, UBND TP Phú Quốc ban hành kế hoạch xét nghiệm sàng lọc nCoV cộng đồng phường Dương Đông, An Thới và 2 xã Gành Dầu, Cửa Dương. Việc sàng lọc này căn cứ vào kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và khi phường Dương Đông phát hiện 24 người có test nhanh kháng nguyên dương tính vào 23/10. Một nhân viên y tế tại khu phố 6 của phường này cũng có kết quả dương tính qua test nhanh.
“Các ca F0 và F1 đã được bóc tách ra khỏi cộng đồng và đưa đi cách ly. Tuy nhiên, do vấn đề di chuyển và tiếp xúc của các đối tượng này phức tạp. Để chủ động ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cộng đồng trên địa bàn phường Dương Đông, phường An Thới, xã Gành Dầu, xã Cửa Dương”, kế hoạch do Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng ký đã nêu.
Việc phát hiện nhiều ca nhiễm nCoV trong cộng đồng xuất phát từ một cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa ở phường Dương Đông. Khi đó, chủ cơ sở xét nghiệm định kỳ (tự tổ chức test nhanh) cho 7 người, phát hiện 4 trường hợp dương tính nCoV.
Theo Bí thư Thành ủy Phú Quốc Tống Phước Trường, có nhiều F1 liên quan đến cơ sở vận tải này đã trở thành F0. Nguồn lây được xác định từ lực lượng tài xế chở hàng hóa đến từ TP.HCM.