Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ nợ đặc biệt của Quốc Cường Gia Lai

Kể từ khi bị BIDV chấm dứt quan hệ tín dụng năm 2016, một loạt cổ đông và lãnh đạo công ty đã trở thành chủ nợ lớn nhất của QCG số dư cho vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Trong nhiều năm, bà Nguyễn Thị Như Loan cùng những người thân trong gia đình cho Quốc Cường Gia Lai vay hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Việt Đức.

Theo báo cáo tài chính mới nhất CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) công bố, đến cuối tháng 3 năm nay, công ty có tổng tài sản đạt trên 9.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Trong đó, phần lớn tài sản đang nằm ở danh mục hàng tồn kho với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm gần 75% tổng tài sản. Đây là giá trị các dự án bất động sản do QCG triển khai dở dang, thành phẩm bất động sản đã hoàn thành và một phần nhỏ là giá trị nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm từ mảng kinh doanh thủy điện và cao su.

Từ "biến cố" năm 2016

Cùng thời điểm, tổng nợ vay tài chính của "đại gia" phố núi này vào khoảng 570 tỷ đồng, chiếm 11% nợ phải trả và tương đương 6% tổng tài sản.

Là một trong những nhà phát triển bất động sản quy mô lớn ở khu vực phía Nam với nhiều dự án nghìn tỷ, tuy nhiên nhiều năm qua, Quốc Cường Gia Lai chỉ duy trì số dư nợ vay tài chính ở mức dưới 10% tổng tài sản.

Ngược lại, giá trị khoản phải trả khác của công ty lại thường xuyên ở mức 4.000-5.000 tỷ đồng, tương đương gần một nửa tổng tài tài sản. Khoản mục này chủ yếu bao gồm tiền đã nhận từ đối tác để chuyển nhượng dự án, cũng như tiền phải trả bên thứ ba, người có liên quan thông qua các giao dịch kinh doanh và cho vay.

Thực tế, trước năm 2016, bảng cân đối kế toán của Quốc Cường Gia Lai vẫn ghi nhận số dư nợ vay tài chính ở mức cao. Cuối năm 2016, tổng nợ vay tài chính của công ty vào khoảng 1.900 tỷ đồng, tương đương gần một nửa nợ phải trả. Trong đó, lớn nhất là khoản vay hơn 1.000 tỷ đồng tại BIDV.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn Quốc Cường Gia Lai gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay nghìn tỷ đến hạn này. Để có tiền trả nợ, đầu năm 2017, công ty đã nhận đặt cọc gần 2.900 tỷ đồng từ đối tác Sunny để chuyển nhượng dự án Phước Kiển (TP.HCM).

Đáng nói, Phước Kiển chính là dự án có quy mô lớn nhất mà "đại gia" phố núi này từng triển khai, cũng là dự án mà bà Nguyễn Thị Như Loan và ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai theo đuổi từ lâu.

Created with Highcharts 8.2.2Tỷ đồngTHAY ĐỔI CƠ CẤU NỢ VAY CỦA QUỐC CƯỜNG GIA LAI NHỮNG NĂM QUASố liệu tính theo số dư đến cuối hàng năm. Nguồn: BCTC DN.Nợ vay tài chínhNợ vay các bên liên quan và cá nhân201520162017201820192020202120222023050010001500200025003000
THAY ĐỔI CƠ CẤU NỢ VAY CỦA QUỐC CƯỜNG GIA LAI NHỮNG NĂM QUA
Số liệu tính theo số dư đến cuối hàng năm. Nguồn: BCTC DN.
Nhãn201520162017201820192020202120222023
Nợ vay tài chính Tỷ đồng 19481869486593490505455595582
Nợ vay các bên liên quan và cá nhân
1515002416138014621396738667638

Trong cuộc phỏng vấn với Tri Thức - Znews năm 2017, ông Nguyễn Quốc Cường, khi đó là Phó tổng giám đốc công ty, cho biết giai đoạn vướng vào khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng với BIDV là "thời điểm căng thẳng nhất" của doanh nghiệp. Sau khi tất toán khoản nợ này, công ty đã bị BIDV chấm dứt quan hệ tín dụng.

Kể từ đó, số dư nợ vay tài chính hàng năm của Quốc Cường Gia Lai thường xuyên ở mức thấp, dao động trong khoảng 500-600 tỷ đồng.

Để bù đắp dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, Quốc Cường Gia Lai đã đẩy mạnh việc vay nợ các bên và cá nhân liên quan. Cũng từ đây, một loạt chủ nợ đặc biệt của công ty đã xuất hiện.

Ông chủ kiêm chủ nợ

Cuối năm 2017, trong khi tổng nợ vay tài chính của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh về gần 490 tỷ đồng (từ gần 1.900 tỷ cuối năm 2016), giá trị khoản phải trả ngắn hạn khác trên bảng cân đối kế toán công ty lại tăng vọt lên gần 5.800 tỷ đồng (từ hơn 750 tỷ).

Trong số khoản phải trả tăng thêm này, gần 2.900 tỷ đồng là tiền nhận trước từ đối tác Sunny để chuyển nhượng dự án Phước Kiển. Tuy nhiên, còn hơn 2.400 tỷ đồng trong số còn lại là tiền Quốc Cường Gia Lai vay từ các bên liên quan, tăng gần 5 lần so với cuối năm 2016.

Theo thuyết minh của công ty, trong số dư nợ vay bên liên quan đến cuối năm 2017 kể trên, có tới 2.140 tỷ là vay không lãi suất.

Chi tiết hơn, Quốc Cường Gia Lai cho biết năm 2016, tổng số tiền vay không lãi suất công ty nhận được từ các bên liên quan và cổ đông là hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2017, số tiền này đã tăng lên hơn 3.900 tỷ (tổng số tiền vay trong năm, không phải số dư cuối năm).

Trong số này, ngoài hơn 440 tỷ vay từ công ty liên quan, một loạt cổ đông và lãnh đạo công ty đã cho Quốc Cường Gia Lai vay không lãi suất với giá trị hàng nghìn tỷ.

Trong đó, riêng bà Lại Thị Hoàng Yến - con gái ông Lại Thế Hà (khi đó là Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc) - đã cho công ty vay 1.128 tỷ đồng, tăng mạnh so với chỉ 38 tỷ đồng năm liền trước.

Created with Highcharts 8.2.2Tỷ đồngSỐ TIỀN CÁC LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP CHO QUỐC CƯỜNG GIA LAI VAY HÀNGNĂMToàn bộ khoản cho vay này mang kỳ hạn ngắn và không lãi suất. Nguồn: BCTC DN.Bà Nguyễn Thị Như Loan và cá nhân, công ty liên quanÔng Lại Thế Hà và cá nhân, công ty liên quan20162017201820192020202120222023I/20240250500750100012501500
SỐ TIỀN CÁC LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP CHO QUỐC CƯỜNG GIA LAI VAY HÀNG NĂM
Toàn bộ khoản cho vay này mang kỳ hạn ngắn và không lãi suất. Nguồn: BCTC DN.
Nhãn20162017201820192020202120222023I/2024
Bà Nguyễn Thị Như Loan và cá nhân, công ty liên quan Tỷ đồng 781107971971219613713892422
Ông Lại Thế Hà và cá nhân, công ty liên quan
28311948002632561158468180

Tương tự, một cổ đông cá nhân của Quốc Cường Gia Lai là bà Huỳnh Thị Bích Thu năm đó cũng cho công ty vay hơn 879 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ cho vay gần 27 tỷ.

Trong danh sách các cá nhân cho QCG vay tiền năm 2017 còn có ông Lại Thế Hà cho vay hơn 66 tỷ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Như Loan (khi đó là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) cũng cho công ty vay 264 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều người thân trong gia đình bà Loan cũng cho QCG vay hàng trăm tỷ đồng năm này, như bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái) cho vay 144 tỷ; ông Lầu Đức Duy (con rể) cho vay gần 82 tỷ; bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái) cho vay 447 tỷ; ông Hồ Viết Mạnh (em rể) cho vay 48 tỷ; bà Hồ Diệu Thảo (con gái bà Nguyệt, cháu bà Loan) cho vay gần 94 tỷ đồng.

Tổng cộng, riêng năm 2017, bà Loan và những người thân trong gia đình đã cho Quốc Cường Gia Lai vay tổng cộng gần 1.100 tỷ đồng. Trong khi, ông Lại Thế Hà cùng con gái cũng cho công ty vay khoảng 1.200 tỷ. Và tất cả khoản vay này đều không tính lãi suất.

Kể từ đó, bà Nguyễn Thị Như Loan và ông Lại Thế Hà cùng những người thân trong gia đình thường xuyên đóng vai trò là chủ nợ lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai, số dư các cá nhân này cho công ty vay hàng năm lên tới vài trăm cho tới vài nghìn tỷ đồng.

Không chỉ là chủ nợ trực tiếp, bà Loan và nhiều người thân trong gia đình còn dùng tài sản cá nhân là bất động sản, sổ tiết kiệm để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của Quốc Cường Gia Lại tại một số ngân hàng.

Vài năm gần đây, dù hoạt động kinh doanh đã thu hẹp đáng kể, bà Loan và ông Hà cùng các cá nhân liên quan vẫn là những chủ nợ chính của Quốc Cường Gia Lai. Ngay như quý I năm nay, các cá nhân này vẫn tiếp tục cho công ty vay hàng trăm tỷ đồng ngắn hạn để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.

Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng. Vì vậy, sách trở thành phương thức hiệu quả để người đọc tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú này.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - là những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình.

Bài liên quan

Chân dung ông Nguyễn Quốc Cường

Chân dung ông Nguyễn Quốc Cường

Trước khi được đề cử trở làm CEO thay mẹ (bà Nguyễn Thị Như Loan) điều hành Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Cường cũng từng có 14 năm làm việc tại doanh nghiệp phố núi này.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm