Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung ông Nguyễn Quốc Cường

Trước khi được đề cử trở làm CEO thay mẹ (bà Nguyễn Thị Như Loan) điều hành Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Cường cũng từng có 14 năm làm việc tại doanh nghiệp phố núi này.

Sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 19/7, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã có nghị quyết đề nghị miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với vị lãnh đạo này tại cuộc họp cổ đông dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan, được đề xuất bầu bổ sung làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Đồng thời, ông Cường cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật thay mẹ, đánh dấu sự trở lại công ty sau 6 năm xây dựng sự nghiệp riêng của vị thiếu gia phố núi.

Thiếu gia phố núi

Thực tế, vai trò lãnh đạo cấp cao tại Quốc Cường Gia Lai không hề lạ lẫm với vị doanh nhân sinh năm 1982, từng có biệt danh là Cường Đô La.

Cụ thể, từ những năm 2004-2006, ông Cường đã là Phó giám đốc Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường (tiền thân của Quốc Cường Gia Lai).

Năm 2006, khi mới 24 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc công ty và có mặt trong HĐQT 2 năm sau đó. Nhiều năm sau, ông Cường tiếp tục giữ vai trò này cùng bà Nguyễn Thị Như Loan điều hành doanh nghiệp.

Tuy vậy, trong giai đoạn này, tên tuổi ông Cường được chú ý nhiều liên quan vấn đề đời tư hơn là sự nghiệp kinh doanh. Theo đó, những thông tin về dàn siêu xe của "thiếu gia Cường Đô La", hay tình trường toàn những mỹ nhân đình đám Vbiz được công chúng chú ý hơn cả. Có giai đoạn, ông Cường được nhắc đến như một nhân vật giải trí dù không hoạt động nghệ thuật.

Trong cuộc trao đổi với Tri Thức - Znews năm 2017, ông Cường chia sẻ mua xe chỉ vì đam mê và không có mục đích gì khác.

"Còn các cô gái thì tôi không biết chia sẻ thế nào. Có thể vợ cũ của tôi là người hoạt động trong giới giải trí nên họ chú ý hơn thôi. Tôi nghĩ điều đó là tự nhiên. Bản thân tôi là doanh nhân chỉ biết làm chứ không biết diễn", ông nói.

Về sự nghiệp kinh doanh, trong giai đoạn ông Cường ngồi ghế Phó tổng giám đốc, hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai khá trồi sụt.

Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai bắt đầu chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần năm 2007. Thời điểm đó, quy mô doanh thu của công ty chỉ khoảng vài chục tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận có được đến từ hoạt động tài chính.

KẾT QUẢ KINH DOANH TRỒI SỤT CỦA QUỐC CƯỜNG GIA LAI
Nguồn: BCTC DN.
Nhãn200720082009201020112012201320142015201620172018
Doanh thu thuần tỷ đồng 13723287173982249735243861588857732
Lợi nhuận sau thuế
1296123283-4476322245407101

Đến năm 2009, doanh nghiệp lần đầu ghi nhận doanh thu trăm tỷ. Đây cũng là giai đoạn công ty đẩy mạnh đầu tư, tham gia nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau như bất động sản, cao su, thủy điện bên cạnh lĩnh vực thế mạnh là chế biến gỗ xuất khẩu.

Các năm sau đó, Quốc Cường Gia Lai dần khẳng định vị thế "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản và cao su nhờ sở hữu quỹ đất lớn tại các quận trung tâm TP.HCM hay Đà Nẵng. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan hoạt động giao dịch đất đai của doanh nghiệp, đặc biệt là lùm xùm gom "đất vàng" giá rẻ tại dự án Phước Kiển, cũng nổi lên.

Đây cũng là giai đoạn Quốc Cường Gia Lai vướng vào khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng với BIDV, thời điểm mà ông Cường cho rằng là "căng thẳng nhất". Doanh nghiệp sau đó đã phải nhận đặt cọc 50 triệu USD từ một đối tác trong thỏa thuận bán đứt dự án Phước Kiển để có tiền trả nợ. Sau khi tất toán khoản nợ với BIDV, công ty đã bị chấm dứt mọi quan hệ tín dụng với nhà băng này.

"Đây là đòn đau đối với một doanh nghiệp đang hoạt động", ông Cường nói năm 2017.

Tại Quốc Cường Gia Lai, dù giữ vai trò Phó tổng giám đốc, tên doanh nghiệp được đặt theo tên mình, nhưng ông Nguyễn Quốc Cường sở hữu rất ít cổ phần công ty. Suốt nhiều năm, vị thiếu gia phố núi chỉ nắm trong tay hơn nửa triệu cổ phiếu, số lượng rất nhỏ so với hơn 39 triệu cổ phiếu QCG do em gái ông Cường - bà Nguyễn Thị Ngọc My - nắm giữ, hay gần 102 triệu cổ phiếu QCG mà bà Nguyễn Thị Như Loan sở hữu.

Theo báo cáo quản trị doanh nghiệp, đến đầu năm nay, ông Cường cũng chỉ sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG, tương đương 0,2% vốn công ty. Trong khi tổng lượng cổ phiếu do bà Nguyễn Thị Như Loan cùng người có liên quan nắm giữ lên tới gần 165,7 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 60% vốn.

Rời Quốc Cường Gia Lai xây cơ ngơi riêng

Giữa lúc được kỳ vọng sớm thay mẹ điều hành chính hoạt động của doanh nghiệp, tháng 11/2018, ông Cường bất ngờ từ nhiệm mọi vai trò quản lý tại Quốc Cường Gia Lai với lý do cá nhân.

Sau khi rút lui khỏi doanh nghiệp, ông Cường tìm hướng đi riêng và xuất hiện với vai trò lãnh đạo CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường, cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Chánh Nghĩa Quốc Cường được thành lập ngày 25/9/2018, trước đó do bà Nguyễn Thị Như Loan là Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch và Tổng giám đốc. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 1.169 tỷ đồng nhưng sau đó giảm xuống còn 428 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Quốc Cường Gia Lai và 2 cá nhân là Vương Kim Soa và Lý Kim Hoa.

Đầu năm 2019, bà Loan chuyển quyền đại diện theo pháp luật cho con trai. Ông Nguyễn Quốc Cường đồng thời đảm nhậm chức danh Tổng giám đốc.

Chánh Nghĩa Quốc Cường sau đó tăng vốn điều lệ từ 428 tỷ lên 708 tỷ đồng, bao gồm 576 tỷ đồng góp bằng giá trị quyền sử dụng đất, tương ứng 81,4%. Thời điểm này, tỷ lệ sở hữu của Quốc Cường Gia Lai giảm về 18,6%.

cuong do la thay me,  ong nguyen quoc cuong,  tieu su cuong dola anh 1

Ông Nguyễn Quốc Cường tham gia lễ cất nóc dự án The Masion do Chánh Nghĩa Quốc Cường làm chủ đầu tư. Ảnh: StockBiz.

Đầu năm 2020, Quốc Cường Gia Lai tuyên bố chuyển nhượng toàn bộ 18,6% vốn tại Chánh Nghĩa Quốc Cường với giá 132 tỷ đồng. Bà Loan và Quốc Cường Gia Lai chính thức không còn liên quan tới doanh nghiệp này.

Vài tháng sau, Chánh Nghĩa Quốc Cường đổi tên thành CTCP C - Holdings, đồng thời nâng vốn từ 708 tỷ lên 850 tỷ đồng. Trong đó, 3 thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT; bà Đàm Thu Trang (vợ ông Cường) và ông Hứa Hà Phương (một đại gia chơi siêu xe có tiếng ở TP.HCM).

Trong 6 năm hoạt động, công ty có 2 dự án bất động sản gồm C - Sky View với quy mô 1.100 căn hộ trên diện tích gần 8.600 m2 và C - River View (nay là The Masion) quy mô 632 căn hộ trên diện tích gần 5.500 m2, cùng tại TP Thủ Dầu Một.

Ngoài đầu tư bất động sản, ông Cường còn kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực Hong Kong mang tên C-TAO. Sau khi khai trương nhà hàng đầu tiên vào tháng 2/2018 tại TP.HCM, C-TAO liên tục mở thêm các chi nhánh khác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chứng khoán bị bán tháo, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn 'nằm sàn'

Nhà đầu tư xả cổ phiếu ồ ạt trong ngày thị trường thiếu vắng dòng tiền lẫn nhóm ngành nâng đỡ. VN-Index qua đó thiệt hại gần 23 điểm.

Ông Nguyễn Quốc Cường sẽ thay mẹ làm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai

Sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố, Quốc Cường Gia Lai đề nghị bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Cường làm Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Cổ phiếu vẫn 'lau sàn', Quốc Cường Gia Lai lên tiếng về vụ bà Như Loan

Trong ngày giảm sàn trắng bên mua, thanh khoản cả phiên của cổ phiếu QCG chỉ đạt nửa tỷ đồng, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm