Sau hơn 10 tập thơ và 2 tập tiểu luận, mới đây, hãng thông tấn AP đưa tin Louise Glück - nhà thơ 79 tuổi người Mỹ - sẽ ra mắt bạn đọc cuốn sách có tựa đề Marigold and Rose: A Fiction, do công ty Farrar, Straus and Giroux xuất bản.
Đây là tác phẩm tự sự bằng văn xuôi đầu tiên của bà, đánh dấu sự đột phá trong phong cách sáng tác của nữ chủ nhân giải Nobel Văn học 2020.
Tác phẩm dài 64 trang, có giọng điệu giống một câu chuyện ngụ ngôn khi Glück thả trí tưởng tượng của mình vào suy nghĩ, hành động của 2 đứa cháu gái sinh đôi.
Mặc dù trước đó bà đã viết về đề tài trẻ em, những bài thơ ấy thường lấy cảm hứng từ thời thơ ấu và trải nghiệm khi làm mẹ. Còn lần này, Marigold and Rose: A Fiction lại bắt nguồn với cảm hứng rất hiện đại: Từ video của 2 cô cháu gái sinh đôi Emmy và Lizzy mà con trai đã gửi cho bà từ California (Mỹ) khi bà không thể đến thăm chúng do đại dịch kéo dài.
“Tôi nhớ đã nói với ai đó rằng việc nhìn thấy các cặp song sinh giống như đi sở thú. Có những hành vi của chúng mà bạn sẽ không thấy ở những đứa trẻ sơ sinh khác. Bởi vì cặp song sinh có mối liên hệ mật thiết với nhau trước khi chúng liên quan đến bất kỳ ai khác”, Glück nói.
Cuốn sách mới của Louise Glück lấy cảm hứng từ 2 đứa cháu sinh đôi. Ảnh: AP. |
Âm thanh và hình ảnh của 2 cháu Emmy và Lizzy trong video đó đã trở thành lời nói và đi vào tác phẩm của Glück một cách tự nhiên, đầy sáng tạo.
Ban đầu, bà đã soạn một chương ngắn và gửi qua email cho con trai mình. Anh nói rằng rất thích ý tưởng này, đến nỗi đã đọc to cho cả gia đình nghe, mặc dù 2 đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu. Sau đó, bà tiếp tục viết các chương còn lại và vài tuần sau, bà đã hoàn thành cuốn sách này.
Trong các chương như Sharing Bunnies và Rose and the Elephant, 2 nhân vật Marigold và Rose (hóa thân của 2 cháu Emmy và Lizzy) đã dành thời gian để chăm sóc khu vườn của mẹ. Nhân vật Marigold thậm chí còn viết sách. Cô bé đặt tiêu đề cho tác phẩm của mình là Thời thơ ấu của mẹ. Còn Rose trò chuyện với bố mẹ, bàn về việc mua nhà.
Trong khi đó, tác giả Glück đặt chính mình vào câu chuyện, nhưng với tư cách một người bà nội hoàn toàn khác, không quan tâm đến những điều mà 2 cháu của mình đang quan tâm.
Bật mí về tác phẩm này, nữ chủ nhân giải Nobel Văn học 2020 cho biết trang sách sẽ chứa nhiều chi tiết gây tức giận vì ở đó, nhân vật người mẹ và 2 con không hiểu nhau.
Biên tập viên của Glück tại công ty xuất bản Farrar, Straus and Giroux - Jonathan Galassi - đánh giá cuốn sách này “hoàn toàn gây ngạc nhiên, nhưng vẫn chứa đựng sự hài hước tinh túy của Glück khi cho nhân vật Marigold trở thành một nhà văn trước khi biết đọc”.
Bằng giọng văn lôi cuốn và hóm hỉnh, đan xen những câu chuyện về chủ đề rộng lớn hơn, bạn đọc sẽ thấy cuốn sách như một huyền thoại của sự sáng tạo, ngây thơ.
Louise Glück là nhà thơ nổi tiếng người Mỹ. Bà được trao giải Nobel Văn học năm 2020 vì “âm điệu đầy chất thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên phổ quát”.
Trước khi nhận giải thưởng danh giá này, bà đã được trao một số giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước như: Giải thưởng Pulitzer với cuốn The Wild Iris (tạm dịch: Diên vĩ dại), Sách quốc gia với tác phẩm Faithful and Virtuous Night (tạm dịch: Đêm thủy chung và đức hạnh). Năm 2015, Louise Glück được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia Mỹ. Ngoài ra, bà còn nhận giải Carlos Williams năm 1992, giải Văn chương Lannan cho thơ năm 1999…
Ngoài viết lách, bà còn là giáo sư dạy tiếng Anh tại nhiều trường danh tiếng như Đại học Yale, New Haven, Connecticut (Mỹ).
Các tác phẩm của Louise Glück thường kiệm lời và sắc sảo, có cường độ cảm xúc cao, nhưng chứa đựng cái nhìn sâu sắc về sự cô đơn, các mối quan hệ gia đình hoặc suy nghĩ về cái chết. Câu chữ của bà cũng chứa đựng nhiều suy ngẫm về kinh nghiệm cá nhân và cuộc sống hiện đại.