Tại trung tâm thương mại Grandview ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, chú gấu Bắc cực tên Pizza bị nhốt trong chiếc lồng kính, phía sau là hình ảnh những núi băng trôi. Pizza đi qua đi lại dưới ánh sáng đèn màu, rồi lại ngồi gần lỗ thông khí.
Khi câu chuyện đến tai những nhà hoạt động bảo vệ động vật tại Trung Quốc, họ đã lên tiếng phản đối bằng việc gửi thư chủ tịch tỉnh Quảng Đông, yêu cầu đưa chú gấu đến nơi thích hợp hơn. Trong thư họ viết Pizza là "chú gấu Bắc cực buồn nhất thế giới".
Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Quảng Đông sẽ cho đóng cửa công viên mang tên "Thế giới Đại dương Bắc cực" tại trung tâm thương mại này.
Chú gấu Bắc cực Pizza tại trung tâm thương mại Grandview. Ảnh: Reuters. |
'Chú gấu Bắc cực buồn nhất thế giới'
Công viên nói trên là nơi hàng trăm con vật đang bị nhốt trong những chiếc lồng nhỏ ở nhiều tầng khác nhau, bao gồm sói Bắc cực và cá voi trắng. Chúng nằm lọt giữa khu vui chơi cho trẻ em, rạp chiếu phim 3D, siêu thị và những cửa hàng mỹ phẩm, thời trang tên tuổi.
Khi được hỏi về vấn đề, Grandview cho rằng họ không làm gì sai dù làn sóng chỉ trích đã lan rộng ngoài phạm vi Trung Quốc. Mới đây, sở thú Yorkshire ở Anh đã đề nghị đưa Pizza về chỗ họ nhưng Grandview được cho đã tức giận bác bỏ đề nghị.
"Pizza rất khỏe mạnh", thông cáo của Grandview viết. Họ cho biết các nhân sự của khu công viên nơi Pizza sống đã tham gia chương trình đào tạo, nghiên cứu về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. "Bạn không thể hoàn toàn tách biệt quyền của động vật và lợi ích của xã hội".
Ảnh chụp chú gấu Pizza từ video có tên "Chú gấu thảm thương chịu đựng trò chụp ảnh selfie" do tổ chức Animal Asia đăng tải trên YouTube. |
Thông cáo cũng khẳng định công viên của Grandview không khác gì những nơi khác tại Trung Quốc hay trên thế giới. Họ có 130 chuyên viên để chăm sóc cho hàng trăm con vật. Grandview phủ nhận thông tin nói Pizza sống trong điều kiện tồi tệ, cho rằng báo chí đã bóp méo sự thật. Họ đe dọa khởi kiện những tờ báo này.
Theo truyền thông Trung Quốc, Pizza rất được yêu thích. Vào ngày cao điểm, hàng nghìn người đến trung tâm thương mại Grandview để chụp ảnh "tự sướng" với chú gấu hoặc chỉ để gõ tay lên lồng kính.
Wendy Higgins, người phát ngôn của tổ chức Xã hội Nhân đạo Quốc tế, cho biết những loài động vật hoang dã như gấu Bắc cực phải sống trong không gian rộng lớn ngoài tự nhiên mới có thể đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
"Môi trường sống của chúng vô cùng đặc thù. Chúng là những loài vật di chuyển trong phạm vi rất rộng. Chúng sẽ xuống sức rất nhanh nếu bị nuôi nhốt", bà Higgins trả lời New York Times qua điện thoại.
"Pizza hiện không có nơi nào để nghỉ ngơi. Mỗi ngày nó đều phải chường mặt ra để người ta chụp ảnh hay gõ gõ lên lồng kính".
Trào lưu 'động vật quảng cáo'
Theo nhóm hoạt động gửi bức thư nói trên, cảnh ngộ của Pizza là một điển hình của trào lưu "đáng lo ngại" đang phổ biến tại Trung Quốc: dùng động vật hoang dã để thu hút khách hàng đến các trung tâm thương mại khi càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm online.
Tại một cuộc họp báo diễn ra tại Bắc Kinh hôm 25/10, đại diện của 4 nhóm bảo vệ động vật cho phóng viên xem những bức ảnh chụp một con voi được sử dụng "để bán điện thoại di động" bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh.
Ở một địa điểm khác, 4 con sư tử biển được đem ra để giao lưu với các khách hàng có hóa đơn hơn 500 tệ (75 USD). Ngoài ra, một "trung tâm mua sắm kết hợp sở thú" tương tự như Grandview Quảng Đông ở tỉnh Hà Bắc cũng khiến nhiều người quan ngại.
"Các con vật xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn việc bị nhốt trong lồng kính chật hẹp để thu hút khách hàng đến mua sắm", Hu Chunmei đại diện nhóm Endangered Species Fund, nói với New York Times. "Việc đó cho thấy người ta hoàn toàn không đếm xỉa gì đến quyền của động vật".
Khu công viên "Thế giới Đại dương Bắc cực" tại trung tâm thương mại Grandview, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: imgur.com. |
Hiện tại, một số trung tâm thương mại ở Bắc Kinh sử dụng sóc, vẹt, lạc đà, dê cũng như những con vật quen thuộc như chó hay mèo nhằm chiêu dụ khách hàng. Vào giờ ăn trưa, nhiều đám đông người vây quanh các con vật, một vài người tỏ vẻ thương xót.
Trước phản biện của Grandview cho rằng các nhóm bảo vệ động vật "chạy theo phương Tây, lo chuyện bao đồng". Qin Xiaona, giám đốc Hội Bảo vệ Động vật Thủ đô, nhận xét đây là một sự xúc phạm đến dân tộc và văn hóa Trung Hoa.
"Họ nói 'bạn dùng quan điểm của phương Tây để phản đối chúng tôi' nhưng chúng ta không thể quên rằng người Trung Quốc có truyền thống kính trọng trời đất, yêu thương muôn loài", bà Qin nói.
Bà cho rằng vì cạnh tranh trong làm ăn mà các công ty như Grandview đã đi ngược lại tiến bộ xã hội, khiến vấn nạn bạo hành động vật, cũng như con người, lan rộng trong những thập kỷ qua. "Chúng ta phải khôi phục lại truyền thống của mình", bà nói.
Trung Quốc hiện không có luật bảo vệ quyền lợi của động vật. Luật Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã có hiệu lực từ năm 1989 cho phép việc bắt nhốt và nuôi dưỡng động vật hoang dã cho mục đích thương mại, cũng như cho phép sử dụng động vật trong các chương trình biểu diễn công cộng.