Tàu Thần Châu 11 đã lắp ghép thành công với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 hôm 19/10. Hai nhà du hành vũ trụ người Trung Quốc - Cảnh Hải Bằng và Trần Đông - sẽ ở trong không gian 33 ngày và làm các thí nghiệm về công nghệ lắp ghép trạm vũ trụ.
Đây là một trong những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi Trung Quốc phóng mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ nước này định xây dựng lên vũ trụ. Nếu mọi việc suôn sẻ, trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ thành hình vào năm 2022.
Tàu Thần Châu-11 được phóng lên bằng tên lửa Trường Chinh 2F lúc 7h30 sáng 17/10. Ảnh: Reuters. |
Tham vọng 'anh cả'
Một đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 2011 đã yêu cầu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) không có hoạt động chung với phía Trung Quốc, điều này nghĩa là Trung Quốc cũng không được sử dụng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Tuy nhiên, ISS, đang do Mỹ dẫn đầu việc vận hành, dự kiến được cho "về hưu" vào năm 2024. Lúc đó, trạm vũ trụ của Trung Quốc có cơ hội "độc chiếm" không gian. Trạm của Trung Quốc sẽ là cơ sở duy nhất có người lưu trú dài hạn trên vũ trụ.
Dù vậy, Bắc Kinh cũng đã ký kết hiệp định với Liên Hợp Quốc để mở cửa trạm không gian của mình cho các nước cùng sử dụng.
Trung Quốc đã có hai phòng thí nghiệm trên không gian, Thiên Cung 1 và Thiên Cung 2, được xem là cơ sở ban đầu cho việc thiết lập trạm vũ trụ lâu dài. Hồi tháng 9, nước này xác nhận đã mất liên lạc với Thiên Cung 1, và trạm này sẽ rơi lại Trái đất vào năm tới.
Zhou Jianping, kỹ sư trưởng Chương trình vận hành không gian Trung Quốc, cho biết trạm vũ trụ của nước này dự kiến sẽ gồm 3 mô-đun cố định: 1 mô-đun trung tâm và 2 mô-đun để tiến hành thí nghiệm. Trạm này có thể mở rộng tới 6 mô-đun trong trường hợp các đối tác quốc tế muốn cho tàu của mình lắp ghép vào, theo Space News.
Trạm vũ trụ dự kiến sẽ hoạt động trong 10 năm hoặc hơn.
Ông cũng cho biết Trung Quốc dự định sẽ đưa một kính thiên văn lên quỹ đạo gần trạm vũ trụ và có thể lắp ghép vào với trạm.
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - Tổ hợp nghiên cứu không gian quốc tế ở quỹ đạo gần Trái đất. ISS là kết quả sự hợp tác của Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và các nước châu Âu. Ảnh: NASA. |
Giấc mơ không gian của người Trung Quốc
Trạm vũ trụ là một phần trong "giấc mơ không gian" của Trung Quốc, khái niệm mang cả ý nghĩa thực tiễn lẫn "thể diện" đối với Bắc Kinh.
Năm 2013, trong buổi nói chuyện với các phi hành gia, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết nối "giấc mơ Trung Quốc" với "giấc mơ không gian", kêu gọi "sự hồi sinh của nước Trung Hoa", theo Guardian. Chiếm ưu thế trong cuộc đua không gian sẽ đem lại niềm tự hào cho người Trung Quốc trước các cường quốc khác.
Các quan chức Trung Quốc không giấu giếm tham vọng khai thác tài nguyên vũ trụ. Đầu năm nay, trung tướng Zhang Yulin, quan chức Ủy ban Quân sự trung ương Trung Quốc, cho biết sau khi trạm vũ trụ được xây dựng xong, Bắc Kinh sẽ bắt đầu thăm dò khoảng không gian ở giữa Trái đất và Mặt trăng để tìm kiếm năng lượng mặt trời cùng các nguồn tài nguyên khác, theo Tân Hoa xã.
Ông Zhang nói rằng việc khai thác năng lượng mặt trời không gian là hiệu quả hơn nhiều so với tiến hành trên Trái đất. Trung Quốc cũng đã mơ về một nhà máy năng lượng mặt trời ở giữa không gian, dù với công nghệ hiện nay, việc này vẫn là bất khả thi.
Một nhà máy năng lượng mặt trời với quy mô công nghiệp sẽ nặng hơn 10.000 tấn, trong khi thực thể nặng nhất con người từng đưa vào vũ trụ là trạm ISS, chỉ nặng 400 tấn.