Câu chuyện bảo tồn phố cổ giữa lòng thủ đô Bắc Kinh
Thứ bảy, 22/10/2016 10:58 (GMT+7)
10:58 22/10/2016
Lắp thêm bộ kết cấu rời vào những ngôi nhà cũ chỉ là một trong những giải pháp trước mắt cho việc bảo tồn khu phố cổ ở Bắc Kinh trước thực trạng thu hẹp và xuống cấp.
Khu phố cổ (hutong) từ lâu đã nổi tiếng với nét quyến rũ và cổ kính giữa lòng thủ đô Bắc Kinh hoa lệ. Du khách gần xa bị thu hút bởi những con đường hẹp, bao quanh là những bức tường cổ, gợi nhớ về triều đại nhà Nguyên thế kỷ 13, thời điểm mà phần lớn những con phố như thế này được hình thành.
Không gian phố cổ mang lại cảm giác trái ngược hoàn toàn với nhịp sống gấp gáp của một siêu đô thị ở Trung Quốc. Vào giữa thế kỷ 20, khoảng 3.000 phố cổ được cho là tồn tại ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa nhanh chóng khiến phần lớn trong số đó đã bị phá bỏ. Bắc Kinh hiện chỉ còn 500 phố cổ.
Người dân ở đây cùng nhau chơi những trò truyền thống.
Mặc dù chính phủ đã có biện pháp nhằm bảo tồn những phố cổ còn sót lại nhưng di sản này vẫn không tránh khỏi tình trạng suy thoái.
Người dân phố cổ sống trong tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống cách nhiệt yếu kém và hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo.
Trước thực trạng này, công ty kiến trúc PAO ở Bắc Kinh đã đưa giải pháp nâng cấp mà vẫn giữ nguyên nét truyền thống của phố cổ.
PAO đang tiến hành lắp đặt các kết cấu kiến trúc sẵn có từ thép và kính vào trong và xung quanh các ngôi nhà cổ. Kết cấu rời này bao gồm hệ thống cách nhiệt, hệ thống dây điện, cửa ra vào, cửa sổ được thiết kế một cách hợp lý nhằm tối đa hóa không gian sống.
Giá mỗi kết cấu lắp thêm là 500 USD/m2, bằng 1/10 so với giá mỗi mét vuông đất ở Bắc Kinh, và có thể lắp đặt trong một ngày.
James Shen, người đồng sáng lập của PAO, cho biết các kết cấu này có kích thước nhỏ. Vì thế, chúng có thể được vận chuyển dễ dàng vào những con ngõ và khoảng sân nhỏ. Như vậy, họ có thể cải tạo khu phố mà không làm tổn hại đến kiến trúc cổ.
Chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho một chương trình lắp đặt thử nghiệm mô hình này với 10 ngôi nhà cổ. PAO cũng chính thức tiến hành lắp kết cấu mới tại một ngôi nhà thuộc phố cổ Guangcai, gần khu Tử Cấm Thành, theo yêu cầu của chủ nhà.
"Khi tôi còn nhỏ, ở đây luôn luôn tối", ông Fan Ke, một người dân phố cổ, chia sẻ. "Sau khi (căn nhà) được lắp thêm cấu trúc này, tôi được tắm trong ánh mặt trời suốt cả ngày. Tôi không còn cảm thấy gò bó như ở trong một cái lồng nữa”.
Các kiến trúc sư cho hay giải pháp nói trên có thể thổi một làn gió mới, giúp trẻ hóa những khu phố cổ, trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở trung tâm Bắc Kinh ngày càng tăng. Những người trẻ cũng không cần phải chuyển đến những khu chung cư hiện đại nữa.
Nhiều phố cổ bị giải tỏa để xây dựng khu tổ hợp mua sắm và giải trí. Sáng kiến của PAO mang lại nhiều dấu hiệu khả quan nhưng vẫn chưa phải là giải pháp ngăn chặn sự suy thoái của phố cổ trong dài hạn.
Michael Meyer, tác giả của cuốn sách viết về phố cổ ở Bắc Kinh, nhận định người dân nên được trao nhiều quyền nhiều hơn. Ông cho rằng phố cổ ở tình trạng tốt nhất khi thuộc quyền tu sửa, mua bán của chủ nhân, những người có thể tự quyết định cải tạo chúng như thế nào.
Dân số toàn cầu gia tăng chóng mặt cùng với việc người dân đổ xô đến các thành phố lớn đã khiến không gian sống ở nhiều nơi trở nên hạn chế hơn bao giờ hết.
Kiến trúc sư Nhật Bản, Yasuhiro Yamashita, đã xây dựng được hơn 300 ngôi nhà với kiến trúc độc nhất vô nhị. Điểm chung duy nhất giữa chúng chính là diện tích đất ban đầu rất nhỏ.