Chủ đầu tư một số dự án nhà ở được vay gói 30.000 tỷ cho hay đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để khách được hưởng ưu đãi trọn vẹn. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng mong ngân hàng hỗ trợ người dân vì với nhiều dự án, việc đẩy nhanh tiến độ không dễ.
Cam kết đẩy tiến độ
Đa số chủ đầu tư đang có dự án nhà ở xã hội chưa đến ngày bàn giao đều bày tỏ thiện chí đẩy nhanh tiến độ để khách hàng vẫn được hưởng ưu đãi.
Công ty Phúc Hà, chủ đầu tư dự án Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, khách hàng chấp nhận đóng tiền trước tiến độ sẽ được giảm giá 2% tổng giá trị căn hộ. Như vậy, khoảng 90-100% số tiền khách hàng vay sẽ chuyển trực tiếp đến chủ đầu tư, thay vì trả theo tiến độ từng đợt như hợp đồng ban đầu.
Chủ đầu tư dự án Gemek Tower cũng đã đưa ra lời cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án sớm ngày nào tốt ngày đó để khách hàng không chịu đợt giải ngân cuối cùng sau thời hạn 1/6. Dự kiến thời điểm bàn giao nhà của dự án là cuối tháng 6/2016.
Dự án nhà ở xã hội Đồng Mô (Hoàng Mai, Hà Nội) do Handico5 làm chủ đầu tư hiện cũng đã vượt tiến độ 6 tháng. Chủ đầu tư cũng cho hay đang nỗ lực thực hiện đẩy nhanh tiến độ để khách hàng có thể nhận nhà vào dịp cuối năm 2016, tránh trường hợp chịu lãi suất thương mại quá nhiều kỳ giải ngân.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, một chủ đầu tư xin giấu tên cho biết người có khả năng giải cứu cho khách hàng vào thời điểm này chỉ có thể là các ngân hàng thương mại.
Theo vị này, dù có đẩy nhanh tiến độ đến mấy, doanh nghiệp cũng không đủ tiềm lực để thúc dự án nhanh vượt trội trong vài tháng nữa. "Một tòa nhà vài chục tầng không thể rút ngắn thời gian thi công từ vài năm thành một năm được", lãnh đạo trên chia sẻ.
Nhiều dự án nhà ở xã hội đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ để hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Khách hàng cung cấp . |
Lý do thứ hai, với những dự án đã xây xong hoặc gần xong phần thô, dù có đẩy nhanh được tiến độ nhưng bản thân chủ đầu tư cũng bị ràng buộc vào nhiều yếu tố liên quan đến quy định của pháp luật.
Theo vị lãnh đạo này, về cơ bản, doanh nghiệp bất động sản rất muốn thu tiền từ phía khách hàng để đẩy nhanh tiến độ. Nhưng theo luật kinh doanh bất động sản thì các chủ đầu tư chỉ được thu tối đa 70%. Đến khi giao nhà mới, họ mới được thu lên tới 95% và giao giấy sở hữu nhà sẽ thu nốt 5% còn lại.
Những người mua nhà ở xã hội phần lớn là người thu nhập thấp. Vì thế, để tránh rủi ro cho họ khi phải chịu lãi suất cao, theo ông, ngân hàng thương mại nên kiểm tra, xem xét những dự án nào đang có tiến độ tốt thì bố trí giải ngân một lần cho khách hàng. Như vậy khách hàng sẽ tiếp tục được đóng tiền theo tiến độ, lãi suất thấp, trong khi chủ đầu tư không sai phạm bởi các quy định của pháp luật.
"Tôi cho rằng đây là phương án hợp lý nhất, tạo điều kiện nhất cho những người mua nhà ở xã hội và đang vay vốn gói 30.000 tỷ", chủ đầu tư nói trên đánh giá.
Có gì trong hợp đồng vay vốn?
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, một số ngân hàng tham gia gói 30.000 tỷ cho biết họ chưa tính đến phương án hỗ trợ lãi suất sau 1/6/2016 cho khách vay. Thậm chí, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần còn nói thẳng, hết thời hạn trên, đơn vị ông không được hưởng vốn giá rẻ từ Ngân hàng Nhà nước, nên không thể chịu lỗ để ưu đãi khách hàng.
Một mẫu hợp đồng vay vốn giữa BIDV và khách hàng mua nhà ở xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Còn phía khách hàng, bên cạnh những trường hợp được tư vấn đầy đủ, không ít người đến khi đọc thông tin về lãi suất thả nổi từ sau ngày 1/6/2016 mới xem lại hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng.
Chị Đặng Thu Thảo, đang vay vốn 30.000 tỷ tại Vietcombank cho biết, chị không nhận được sự tư vấn nào về việc sắp phải chịu lãi suất thương mại. "Hiện tại lãi suất đang ở mức 5%/năm, nếu đội lên 10-12% thì mấy trăm triệu còn lại sẽ là một gánh nặng to lớn đối với kinh tế gia đình chúng tôi", chị Thảo chia sẻ.
Chị Nguyễn Mai Ngọc, khách mua dự án nhà ở xã hội tại BIDV cho biết gia đình chị cùng với nhiều người khác cũng đang liên kết lại với nhau để tìm phương án giải quyết.
Chị Ngọc tâm sự: "Nhà ở xã hội là nhà dành cho người nghèo, gia đình chính sách, là chính sách nhà ở, an sinh xã hội của Chính phủ, nhưng nếu để thả nổi lãi suất và tính theo lãi thương mại thế này thì sẽ rất thiệt thòi cho người dân".
Khi được hỏi về các điều khoản liên quan đến lãi suất cho vay trong hợp đồng giữa chị và ngân hàng, chị Ngọc mới giở hợp đồng tín dụng ra.
Các điều khoản trong hợp đồng quy định, lãi suất cho vay trong hợp đồng được quy định là khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi 5% của chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở ở quy định tại Thông tư 11 của NHNN để bổ sung (nếu có) áp dụng cho các khoản giải ngân đến hết ngày 1/6/2016. Tuy nhiên, lãi suất các năm tiếp theo thực hiện theo thông báo cúa BIDV trên cơ sở quy định của ngân hàng nhà nước từng thời kỳ.