Trao đổi với Zing, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở tại CBRE Việt Nam - cho biết nhiều chủ đầu tư hoãn kế hoạch ra hàng sang năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa có ý định mở bán.
"Những yếu tố từ thị trường bất động sản hiện chưa phải tốt và rõ ràng. Bên cạnh đó, bài toán liên quan đến vốn vẫn chưa giải quyết được. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đợi tín hiệu từ thị trường", ông lý giải.
Nỗi lo bán không ai mua
Theo ghi nhận của Zing, hai dự án ở Đồng Nai của một ông lớn bất động sản phía Nam dự kiến chào bán vào đầu năm hiện đã lùi lại lịch và chưa có kế hoạch mở bán cụ thể. Một dự án khác ở Cần Thơ của chủ đầu tư này cũng đã tạm hoãn ra hàng.
Tương tự, một dự án hơn 1.000 căn hộ tại quận Bình Tân (TP.HCM) cũng cho biết sẽ lùi lại lịch mở bán. Tuy nhiên, thời gian bán hàng cụ thể chưa được xác định do thị trường chưa có tín hiệu lạc quan.
Đại diện công ty này cho hay đang bán một dự án ở TP Thủ Đức nhưng giao dịch nhỏ giọt, thậm chí có tháng không bán được căn nào. "Đối với những dự án mới, nếu mở bán không thành công sau này triển khai bán lại sẽ rất khó", người này nói.
Thực tế, kể cả những công ty môi giới bất động sản cũng đang rất dè dặt. "Người có tiền chỉ đứng quan sát thị trường, còn người không có tiền khó mà vay được để mua nhà. Nếu như mở bán những sản phẩm mới công ty sẽ tốn thêm chi phí lớn nữa mà cũng không bán được hàng", ông Nguyễn Văn Hậu - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holdings chia sẻ với Zing.
Một số dự án vẫn chưa hoàn thiện pháp lý sau nhiều năm, do đó nguồn cung trong năm nay sẽ tiếp tục hạn chế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thậm chí, bà Dương Thùy Dung - Trưởng bộ phận Định giá nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển tại CBRE Việt Nam cho hay một số chủ đầu tư sau nhiều năm vẫn bị vướng pháp lý, chưa thể xây dự án.
"Dù đã 10 năm nhưng một vị khách của tôi vẫn chưa thể hoàn chỉnh bộ hồ sơ để phát triển một dự án nhà ở bình dân tại quận 12 (TP.HCM). Cho đến bây giờ anh ấy chỉ mới hoàn thành được 70% quãng đường", bà dẫn chứng.
Những yếu tố tác động thị trường trong năm nay
Trong năm nay, CBRE dự kiến thị trường chỉ chào đón 9.000 căn hộ mới từ 20 dự án. Phần lớn nguồn cung mới đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo của những dự án trước đây, chỉ có 6 dự án mới được chào bán lần đầu. Điều đáng nói là phân khúc cao cấp vẫn tiếp tục là tâm điểm với 75% tổng nguồn cung.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Colliers ước tính khoảng dưới 20.000 căn hộ sẽ được mở bán mới trong năm nay. "Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư có hoạt động kinh doanh chưa minh bạch, pháp lý dự án chưa rõ ràng đang bị xử lý trong thời gian qua khiến cho niềm tin trên thị trường bị suy giảm, lượng tiêu thụ có thể chỉ rơi vào khoảng trên dưới 20%", đơn vị này dự báo.
Phân tích chi tiết, bà Dương Thùy Dung chỉ ra 4 yếu tố chính sẽ tác động đến thị trường bất động sản năm nay, bao gồm chính sách tín dụng, khung pháp lý, Luật Đất đai sửa đổi và thuế bất động sản.
Cụ thể, chính sách tín dụng trên thị trường bất động sản đang rơi vào thế hai gọng kìm. Những ai đã tiếp cận được tín dụng của ngân hàng thì gặp phải lãi suất tăng cao, trong khi những người có nhu cầu cũng rất khó để vay.
Chính sách tín dụng, khung pháp lý, Luật Đất đai sửa đổi và khung pháp lý là 4 yếu tố quan trọng tác động lên thị trường bất động sản năm nay
Bà Dương Thùy Dung - Trưởng bộ phận Định giá Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển tại CBRE Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang chịu sự chi phối của 9 luật và 20 thủ tục hành chính khác nhau.
"Vấn đề ở chỗ 9 luật này chồng chéo nhau về quy định và các bộ ban ngành không biết làm như thế nào để đưa ra phê duyệt", bà nhấn mạnh.
Do vậy, đại diện CBRE cho rằng một khi Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng thì thị trường sẽ được điều tiết tốt.
"Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải đáp 3 vấn đề chính là thu hồi đất, hạn chế nạn đầu cơ đất và định giá đất sao cho phù hợp, tuy nhiên không biết đến bao giờ được áp dụng", bà Dung bổ sung.
Chung quan điểm này, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cũng khẳng định vướng mắc pháp lý là một yếu tố lớn tạo áp lực lên thị trường. Do đó, cả người mua và nhà đầu tư đều đang có xu hướng chờ xem chính sách mới của năm 2023 trước khi đưa ra quyết định.
Dù vậy, giới phân tích đều nhìn nhận thị trường căn hộ vẫn có điểm sáng tích cực, đặc biệt là nhu cầu nhà ở còn khá cao. Điều này đồng thời giúp cho các đơn vị phát triển bất động sản nghiên cứu và thiết kế sản phẩm phù hợp.
Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và nỗ lực từ doanh nghiệp, các chuyên gia tại Colliers hy vọng thị trường sẽ có những khởi sắc và hồi phục từ giữa năm nay, khi các biện pháp đã được thực hiện và niềm tin của người mua và các nhà đầu tư được củng cố.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.