Dù bị chê bẩn, chê hôi, hay ăn vụng, phá hoại, thì con chuột vẫn được đứng ngang hàng với các loài vật khác trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, trong lời ăn tiếng nói của người Việt. Không nằm trong “lục súc”, tức sáu loài gia súc được con người nuôi trong nhà từ thời cổ xưa gồm ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn, nhưng ở đâu có người, ở đó có chuột, nên từ thành thị đến nông thôn, từ tấm bé, ai cũng đã thấy chuột rồi.
"Con mèo mà trèo cây cau..." |
Thế nên hầu như ai cũng từng được mẹ ru hoặc nghe câu hát ru:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đằng xa
Mua mắm, mua muối, giỗ cha chú mèo.
Lúc còn thơ bé, nghe mẹ ru em, tôi chỉ cảm thấy thích thú khi hình dung “hoạt cảnh” đối thoại giữa chuột và mèo trong câu ca dao.
Lớn lên, ở trường, ở lớp, được cô giáo giảng giải, tôi mới hiểu rằng câu ca dao là lời mô tả về mối quan hệ ở làng thôn xưa, giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, là lời khuyên răn cách cư xử để tránh bị áp bức, dồn ép.
Mà các cụ xưa dù sống trong cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan và hài hước, thế nên đã sáng tác ra những bài ca dao “nói ngược” độc đáo.
Khi lên 5-6 tuổi, tôi vẫn thường đòi mẹ ru em bằng bài nói ngược có đầy đủ con trâu, con mèo, con chuột và rất nhiều cảnh vật xung quanh:
Bước sang tháng Sáu giá chân
Tháng Chạp nằm trần bức đổ mồ hôi,
Con chuột kéo cày lồi lồi,
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong,
Vườn rộng thì thả rau rong,
Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa…
Bài này tôi nghe mẹ ru em đến mãi mấy năm sau, cho đến khi em lớn không còn cần hát ru nữa. Vừa nghe, tôi vừa đòi mẹ giải thích từng câu, “nói xuôi” là thế nào, thế nào là nói ngược, để rồi vừa hình dung hình cảnh con chuột kéo cày, con trâu ngồi trong cái cong (dụng cụ đựng thóc gạo, có nắp), mà cười rúc rích mãi.
Lại một bài ca dao nói ngược khác mẹ hay ru, cũng có con chuột, con trâu đổi chỗ cho nhau mà tôi nhớ mãi:
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô,
Thóc giống cắn chuột trong bồ,
Một trăm lá mạ đi vồ con trâu.
Chim chích cắn cổ diều hâu,
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm.
Đến khi có con, phải dỗ con ngủ, nhẩm lại những bài mẹ ru để nghêu ngao đọc mong con nhanh ngủ, tôi lại cười và thầm nghĩ, đến khi con lớn là đã phải giải thích cho con cái cóng, cái trúm, cái bồ trong câu hát là gì…
Nhớ lại hồi bé, khi bà ngoại từ quê ra bế em, thỉnh thoảng bà cũng hát những câu hát ru có con chuột khác, đơn giản như câu dạy trẻ về các loài vật xung quanh:
Con mèo con chuột có lông,
Ống tre có mắt, nồi đồng có quai.
Hay một câu mô tả ước mơ của người dân ngày xưa có một căn nhà gỗ khang trang, với:
Bốn cửa anh chạm bốn mèo,
Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
Bà hát: “Chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê nhà dột ra nằm bụi tre”, rồi giảng giải: “Đấy là các cụ xưa khuyên người ta đừng đứng núi này trông núi nọ, để rồi mất cả chì lẫn chài".
Những câu hát ru của bà cũng khiến tôi cười như nắc nẻ, khi nghe:
Chuột chù chê kỷ rằng hôi.
Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm!
Hoặc lúc bà cất lời hát tả về một người con gái xấu, vô duyên:
Nách thơm như ổ chuột chù,
Mắt thì gián nhấm, lại gù lưng tôm.
Phải đến tuổi thanh niên, bà mới cho tôi biết câu ca dao:
Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.
Để giảng giải cho các cháu chuyện thời “ông bà anh” sống chung trong cảnh nhà chật hẹp, ra đụng vào chạm phải ý tứ thế nào.
Lớn lên, đi học, đi làm, xa dần lời ru của bà, của mẹ, cũng ít gặp lại “chú chuột” trong câu ca dao thuở nhỏ. Những năm 2000, thích thú gặp lại chú trong bài nhạc rock Đám cưới chuột của ban nhạc Gạt tàn đầy: “Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác, ai mang cá đến cho con mèo hoang say mèm. Lang thang dưới gốc cây có một anh chuột nhắt, lang thang chốn bãi hoang có một cô chuột đồng...”.
Đến khi có con, mỗi khi bế con để hát ru, một cách vô thức, lời ru năm xưa của bà, của mẹ lại tự động bật ra: “Con mèo mà trèo cây cau…”.
Lúc này thì bà đã đi xa mãi rồi. Đọc đến câu “Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo” mà nhớ bà đến rơi nước mắt.