Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống ngập ở TP HCM: '1 người làm 3 người phá'

"Đơn vị chống ngập cứ lao vào làm. Còn bên giao thông, các đơn vị phát triển nhà, chung cư càng lúc càng tạo ra nhiều mặt phủ bêtông hóa", tiến sĩ Hồ Long Phi trả lời Zing.vn.

- Liên tiếp trong hai ngày 15 và 16/9, mưa to đã khiến nhiều điểm tại TP HCM ngập úng, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Vì sao, trong thời gian gần đây ngập lụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thưa tiến sĩ? 

- Nếu so với những 2007-2008 thì trận lụt hai ngày qua chưa hẳn là đỉnh điểm của tình trạng ngập tại TP HCM - với 100 điểm ngập mưa và 50 điểm ngập triều. Nhưng trong 3 năm gần đây, trận mưa này đã gây ngập nặng nhất.

Điều đáng nói là trước kia chúng ta tính toán trong vòng 5 năm TP HCM mới có mưa lớn như vậy (trên 100 mm chỉ trong vòng 1-2 tiếng), nhưng hai ba năm gần đây, sự thay đổi thấy rất rõ, lượng mưa rất bất thường.

Riêng mùa mưa năm nay, ít nhất chúng ta có 50 trận mưa vượt mức chịu đựng của hạ tầng thành phố. Hơn nữa, trong 5 năm vừa qua, đỉnh triều luôn vượt báo động 3 (1,5 mét).

Quy hoạch tổng thể về nâng cấp hệ thống thoát nước để chống ngập của TP HCM mới tính mức ngập cấp 2 là 95 mm trong trường hợp mưa lớn liên tiếp với tần suất 3 năm một lần. Nhưng nay mưa đã lớn hơn, cường độ cao hơn, hạ tầng chống ngập cũng bị quá tải.

Vì vậy, thời gian gần đây, ngập lụt ngày càng trở nên nghiêm trọng.

 PGS.TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu ĐHQG TP HCM  Ảnh: SGGP.

- Có người nói hiện tượng ngập lụt ở TP HCM là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Quan điểm của ông thế nào?

- Ngập lụt hiện nay là hệ quả do cả xã hội để lại chứ không phải riêng ai, cũng không chỉ của tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao.

Từ 1975 tới khoảng những năm 2000, trong quá trình phát triển đô thị TP HCM chúng ta không có công trình nào đầu tư để phát triển hạ tầng chống ngập. Khi bắt đầu xuất hiện ngập vào những năm 1998-2000, TP HCM mới quan tâm tới chống ngập. Giống như chúng ta vay nợ nhiều lần và dồn cục lại để trả nợ một lần.

Đô thị hóa phát triển cực kỳ nhanh nhưng hạ tầng chống ngập không đi theo. Việc đầu tư hạ tầng chống ngập chỉ từ 2004, và mới thực hiện được một phần rất nhỏ, chỉ đạt 1/5 so với yêu cầu.

Nói như vậy không phải để phủ nhận nỗ lực của cơ quan chống ngập. Vì từ hàng trăm điểm ngập rải rác các quận nay đã chỉ còn 1/3 con số đó. Nhưng khi khắc phục được vùng cũ thì những vùng chưa được đầu tư chống ngập lại ngập. Tình trạng ngập ở nội thành sẽ tương đối ổn định trong vài năm tới nhưng ở ngoại thành sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Về tâm lý, người dân chúng ta giờ coi chuyện lụt là chuyện của người khác, của xã hội, của nhà nước nhưng không ai nghĩ rằng mình có vai trò trong việc đó. Chúng ta oán trách người khác, oán trách và coi việc đó như là việc của nhà nước trong khi chúng ta xây nhà, bêtông hoá nền là đã góp phần giảm khả năng hấp thụ nước của nền. Chúng ta xả rác tràn lan nên các cống thoát nước chúng ta giờ chỉ hoạt động được một nửa.

Bơi phao, bắt cá trên đường Sài Gòn trong đêm

Trận mưa chiều 15/9 khiến nhiều nơi ở TP HCM ngập đến sáng hôm sau. Nhiều thanh niên đã ra đường bắt cá và dùng phao bơi giữa đêm khuya.

Chiều tối 15/9, trận mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm tuyến đường tại TP HCM ngập sâu trong nước, gây nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Hàng nghìn xe chết máy, nhiều nhà dân ngập úng không kịp di dời tài sản.
Chiều tối 15/9, trận mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm tuyến đường tại TP HCM ngập sâu trong nước, gây nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Hàng nghìn xe chết máy, nhiều nhà dân ngập úng không kịp di dời tài sản.

- Ngập lụt đã gây tới nhiều hệ lụy, khiến giao thông ùn tắc, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Theo tiến sĩ, nguyên do nào khiến hiện trạng trên ngày càng tồi tệ?

- TP HCM đang phát triển kinh tế, dân số nhanh hơn hạ sự phát triển của hạ tầng giao thông và thoát nước.

Hệ thống giao thông và thoát nước đều đang bị quá tải. Vì vậy khi có mưa, cả hai yếu tố này sẽ cộng hưởng vừa tạo nên ngập lụt và ách tắc. Ùn tắc trong chiều 15 và 16/9 là ví dụ điển hình.

Tôi biết chúng ta có nhiều phương án, kế hoạch ứng phó với ngập nụt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao.. nhưng đáng tiếc mọi thứ vẫn nằm trên giấy tờ.

Cách ứng phó của chúng ta với bị động, chủ yếu dồn cho các đơn vị chống ngập. Nhưng các đơn vị khác như quy hoạch kiến trúc, phát triển hạ tầng chưa quan tâm đúng mức tới chống ngập.

Hiện, ao hồ sông ngòi bị san lấp phục vụ cho phát triển hạ tầng, diện tích bêtông hóa ngày càng tăng lên để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Còn hậu quả về ứng phó với ngập lụt chỉ phó mặc cho 1, 2 đơn vị.

Đang có tình trạng "1 người làm mà 3 người phá". Đơn vị chống ngập cứ lao vào chống ngập. Còn bên giao thông vận tải, các đơn vị phát triển nhà cửa, chung cư cao ấp càng lúc càng tạo ra nhiều mặt phủ bêtông hóa.

Ở góc góc độ khác, ngân sách đầu tư cho chống ngập còn quá thấp so với yêu cầu. Nhiều người kêu ca làm sao đầu tư hàng ngàn tỷ cho chống ngập mà vẫn hết ngập.

Thực ra, hàng ngàn tỷ đồng chưa thấm vào đâu so với yêu cầu. Theo tính toán của các nhà khoa học, để hoàn thiện chống ngập TP HCM cần hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hiện, mỗi năm chúng ta bỏ ra 1.000 tỷ thì phải 100 năm nữa chúng ta mới hết ngập.

Ngoài ra, TP hiện đang đi các bước mâu thuẫn nhau. Các giải pháp chống biến đổi khí hậu của ta mới dừng ở các bước giải pháp công trình.

Trong khi đó, quy hoạch về xây dựng chưa tính hay có quy định liên quan tới biển đổi khí hậu. TP HCM có phối  hợp với TP Rotterdam (Hà Lan) về quy hoạch hướng ra biển (về phía Nam). Kết luận của TP Rotterdam là không nên phát triển về biển vì như vậy quá nguy hiểm – vùng quá thấp. Nhưng hiện tại quy hoạch của chúng ta lại rất nặng về phía Nam thành phố.

Tại quận Bình Tân, người dân chèo bè xốp trên các con hẻm để di chuyển.  Ảnh: Trường Nguyên.
Tại quận Bình Tân, người dân chèo bè xốp trên các con hẻm để di chuyển. Ảnh: Trường Nguyên.

- Trước tình thế cấp bách hiện nay, theo ông giải pháp nào là hiệu quả?

- Với ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu và hiệu ứng đảo nhiệt, các nghiên cứu cho thấy rằng TP HCM nên thiết kế hệ thống cống có khả năng tiêu thoát cho các cơn mưa có vũ lượng khoảng 140-150 mm trong 3 giờ trong tầm nhìn đến năm 2050.

Giải pháp chống ngập bằng công trình tuy phát huy tác dụng nhanh nhưng không bao giờ bền vững trước các diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu trong tương lai. Do đó ngay từ bây giờ, việc đầu tư cho các giải pháp thích ứng như hồ điều tiết Bàu Cát, Gò Dưa là cần thiết, nhất là đối với các khu vực mới phát triển ở ngoại thành.

Ngoài các giải pháp tập trung xây dựng các công trình chống ngập, thành phố nên triển khai thêm nhiều giải pháp mềm như hạn chế phát triển dân cư trên các vùng đất có nguy cơ ngập và hạ thấp mức độ thiệt hại tại chỗ nếu xảy ra ngập.

Các giải pháp chống ngập nên được xã hội hóa để giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách. Chẳng hạn như các dự án phát triển nhà ở và khu công nghiệp phải có trách nhiệm điều tiết dòng chảy tràn phát sinh thêm. Các khu dự án nhà ở có hệ thống thoát nước tự xây dựng không nên vì lợi nhuận trước mắt mà tiết giảm chi phí đầu tư cho hệ thống thoát nước. 

Hẻm, vỉa hè và đường giao thông nội bộ tải trọng thấp cần quy định sử dụng bêtông thấm nước thay cho bêtông thường hay gạch con sâu. Các công trình nhà ở xây dựng mới phải được thiết kế bao gồm cả bể điều tiết nước mưa quy mô hộ gia đình.

Kinh phí chống ngập nên được chia làm hai phần: Một phần dành cho các chương trình chống ngập của thành phố; một phần để hỗ trợ người dân trong việc thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại do ngập.

Bơi phao, bắt cá trên đường Sài Gòn trong đêm

Trận mưa chiều 15/9 khiến nhiều nơi ở TP HCM ngập đến sáng hôm sau. Nhiều thanh niên đã ra đường bắt cá và dùng phao bơi giữa đêm khuya.



Công Khanh - Thanh Tuấn thực hiện

Bạn có thể quan tâm