Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chọn góc nhìn gần nhất khi viết về chiến tranh cách mạng

Để viết về chiến tranh cách mạng, Phùng Thị Hương Ly đã chắt lọc, tìm kiếm tư liệu từ phim ảnh, những người từng trải và nhiều nguồn khác để có cảm xúc tươi nguyên cho sáng tạo.

chien tranh cach mang anh 1

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly (thứ hai, trái sang) nhận giải Nhì - cuộc thi Thơ năm 2021-2022 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh: Vũ Duy.

Cảm xúc dẫn dắt tôi chạm đến những điều sâu thẳm nhất

- Chúc mừng chị đạt giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2021-2022. Với chị, giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi rất vui, cảm thấy vinh dự, tự hào. Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa để tôi nỗ lực nhiều hơn, trân trọng hơn những cảm xúc về mỗi vùng đất, con người, nhất là khi viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay. Sự đánh giá, ghi nhận của Tạp chí cũng như Hội đồng giám khảo chính là nguồn khích lệ to lớn trong hành trình cầm bút của tôi.

- Là một người viết thơ thuộc thế hệ 9X, chị gặp khó khăn gì trong quá trình viết về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng khi thực tế lịch sử ấy đã lùi xa?

- Dù không phải chứng kiến những đau thương, mất mát của chiến tranh nhưng tôi thường cố gắng xem phim tài liệu, đọc sách báo để có thêm hiểu biết. Lời kể của những người cao tuổi về sự khốc liệt của bom đạn, gây ra nhiều bi kịch, góp phần làm hình thành nhiều thân phận trong cuộc sống cả trong và sau chiến tranh cũng khiến tôi thật sự xúc động, ám ảnh.

Ở ngôi làng Khuổi Nhầu, huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) quê tôi, giờ đây vẫn còn một chiếc vỏ bom được treo ở gốc cổ thụ giữa làng, dùng làm kẻng cộng đồng. Mỗi khi trong làng có việc cần sự góp mặt tham gia của mọi người, bác trưởng thôn lại gõ kẻng báo hiệu. Âm thanh từ chiếc vỏ bom rỗng như chứa đựng biết bao điều, trút mãi không hết. Nhờ các anh bộ đội công binh, khối thuốc nổ trong quả bom ấy đã được gỡ ra, bảo đảm an toàn cho dân làng.

Tôi viết về chiến tranh cách mạng là viết về những điều tôi thấy, nghĩ về những gì sót lại sau chiến tranh, với nhiều cảm xúc đan xen từ nỗi ám ảnh, tự hào, niềm lạc quan, tin tưởng và hy vọng. Là người trẻ, tôi đã lựa chọn một góc nhìn "gần nhất" để bắt đầu suy tư cho việc viết: Những câu chuyện, nhân vật mà tôi đọc trong sách sử, được chứng kiến hoặc nghe kể. Qua đó, trong sáng tác của mình, tôi mong có thể khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh, cả những nỗi đau tận cùng mà thế hệ cha ông đã phải trải qua.

Điều khiến tôi trăn trở là làm thế nào để người đọc không cảm thấy sự quen thuộc hay sáo mòn khi tiếp xúc với sáng tác của tôi. Tôi luôn cố gắng tìm cho mình lối viết mới, giữ cảm xúc và sự rung động trước các câu chuyện mà mình được nghe và trải nghiệm, tránh trùng lặp với các tác giả khác. Nói thì dễ vậy nhưng có những khi ngồi rất lâu trước trang giấy trắng mà chẳng thể viết được gì, mặc dù ý tưởng đã xuất hiện trước đó. Cảm giác mình viết thế nào cũng thiếu, cũng chưa tới. Tuy nhiên, cảm xúc luôn là thứ dẫn dắt tôi chạm đến những gì sâu thẳm nhất để tác phẩm được hoàn thành.

- Thực tế cuộc sống ở vùng núi cao dù thế nào cũng có những khoảng cách nhất định trong việc tiếp cận cộng đồng văn chương, cập nhật tư tưởng, lý thuyết mới trong sáng tạo vốn hay tụ lại ở các trung tâm thành phố. Chị có cho rằng đây cũng là một khó khăn với những người viết trẻ sinh sống ở các khu vực này?

- Điều kiện địa lý hạn chế việc tôi có thể đến dự các buổi ra mắt sách, cuộc gặp mặt giữa các nhà văn, nhà thơ, các tác giả trẻ, một buổi tọa đàm văn chương thú vị, cũng thật khó để thực hiện những chuyến đi thực tế… Nhưng bù lại, giờ công nghệ thông tin phát triển, mọi tin tức, sự kiện được cập nhật nhanh chóng. Việc trao đổi với các tác giả khác dễ dàng hơn. Thêm nữa, những bộn bề, lo toan của cuộc sống chi phối phần nào đến công việc sáng tác.

Tuy nhiên, khi đã đam mê thì người viết sẽ khắc phục khó khăn. Tôi cố gắng giữ tinh thần sáng tạo, học hỏi, trải nghiệm và lòng nhiệt huyết với thơ, với chữ.

Từ bé tôi đã được sống trong không gian bao la của núi rừng với nếp sống và phong tục tập quán của dân tộc mình. Từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, giao tiếp văn hóa trong cuộc sống của người Tày thể hiện nét độc đáo, ấn tượng, điều đó có thể thấy trong thơ, trong những làn điệu dân ca then, hát sli, lượn, thơ lẩu. Nét đẹp của con người, văn hóa và thiên nhiên hài hòa đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu văn chương.

Ðể thêm trân trọng cuộc sống

- Không ít nhà phê bình văn học nêu quan điểm, người viết trẻ cần quan tâm đến lịch sử, quá khứ, như là trách nhiệm công dân và tôn bồi những giá trị của tiền nhân. Còn chị nghĩ sao?

- Theo tôi, không chỉ người viết trẻ mà bất cứ ai được sống trong nền hòa bình, độc lập đều cần quan tâm đến lịch sử, quá khứ. Quan tâm để yêu hơn, trân trọng hơn cuộc sống yên bình, hạnh phúc, không tiếng súng đạn. Đó là ý thức dân tộc của mỗi công dân, dù ở đâu hay thời điểm nào cũng không quên cội nguồn quê hương, tổ tiên và lịch sử nước nhà.

Đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng vô cùng rộng lớn, tạo ra thử thách không nhỏ đối với người viết, đặc biệt là người viết trẻ. Có thể đó là một trong những lý do những người trẻ chưa tự tin dấn thân vì lo sợ rằng, vốn sống, trải nghiệm, cảm xúc chưa đủ dày dặn để có tác phẩm sâu sắc và thuyết phục bạn đọc.

Nếu như theo lối dã sử, người viết có thể thỏa sức sáng tạo dựa trên những câu chuyện, nhân vật lịch sử thì đề tài chiến tranh cách mạng lại viết trong khuôn khổ từ những câu chuyện thực, chi tiết thực.

Tôi nghĩ, người viết từng tham gia cuộc chiến hoặc sống trong thời kỳ chiến tranh sẽ phát huy được vốn sống và trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, theo tôi, người viết trẻ vẫn có thể thể hiện sự quan tâm và dấn thân với đề tài này bằng góc nhìn của người sống trong thời bình, thông qua việc đọc, qua hồi ức của người đi trước.

- Dự định tiếp theo của chị trong việc viết về đề tài chiến tranh cách mạng?

- Tôi đã có những phác thảo cho một trường ca về đề tài này. Tuy nhiên, tôi cần thời gian để đầu tư vào tác phẩm nhiều hơn.

- Theo chị, các cấp hội, đoàn thể cần làm gì để khuyến khích người trẻ ở các địa phương sáng tác, dấn thân cho lĩnh vực văn học?

- Vẫn biết sáng tác là việc của cá nhân mỗi người nhưng nếu được các hội chuyên ngành của trung ương và địa phương quan tâm, cấp thêm kinh phí cho những chuyến đi thực tế, quan sát, lấy tư liệu, tham gia trại sáng tác, lớp bồi dưỡng sáng tác... sẽ giúp người viết trẻ phát huy hiệu quả, đầu tư nghiêm túc hơn cho hoạt động sáng tác.

Theo tôi, các hội chuyên ngành, báo, tạp chí nên tổ chức đều đặn những cuộc thi viết nhằm tìm ra nhân tố mới, chọn các tác phẩm có chất lượng để giới thiệu, góp phần phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Phùng Thị Hương Ly có tập thơ đầu tay được xuất bản năm 2013, khi chị 22 tuổi, nhan đề Ði qua tôi thật chậm (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Chị đã đạt một số giải thưởng, như: Giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tác thơ, truyện ngắn, ca khúc Bắc Kạn năm 2006 2008, Giải Ba cuộc thi Tùy bút Báo Tuổi Trẻ năm 2012, Giải B cuộc thi sáng tác văn học đề tài Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới (2011-2014), Giải Bài viết được yêu thích nhất trong cuộc thi Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2021, Giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2021-2022)…

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://nhandan.vn/chon-goc-nhin-gan-nhat-khi-viet-ve-chien-tranh-cach-mang-post750061.html

Văn Học/Nhân Dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm