Lực lượng chức năng của một số phường ở trung tâm Hà Nội vừa "ra quân" sau chỉ đạo của thành phố về việc thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông. Trong khi đó, tại những nơi công cộng như công viên Thống Nhất, người đi tập thể dục vẫn giữ thói quen dắt theo chó đi dạo cùng mà không có đủ biện pháp đảm bảo an toàn. |
Đội bắt chó thả rông của Hà Nội gồm 6-8 người, hoạt động khoảng 1-2 lần/tuần, không cố định ngày để tăng tính đột xuất nhằm phát hiện, xử lý vi phạm của chủ vật nuôi như: Không rọ mõm, không xích khi đưa chó ra nơi công cộng, để chó vệ sinh bừa bãi, cắn người... |
Các giống chó ở nơi công cộng đa dạng từ nhỏ đến to, ta lẫn tây. Trong ảnh, một chú chó Alsaka tự do đi lại trên đường chạy bộ, tập thể dục của người dân. |
Bãi đất trống ven hồ Tây là khu vực tập trung khá nhiều chó thả rông. Theo thống kê, tổng đàn chó, mèo của Hà Nội khoảng 460.000, đứng thứ hai cả nước sau Nghệ An. |
Biển thông báo cấm chó thả rông và yêu cầu đeo rọ mõm của UBND phường Quảng An đặt tại bãi đất song không có tác dụng. |
Những con chó được chủ đeo rọ mõm, buộc dây dắt đi dạo không nhiều. |
Mục tiêu của việc thành lập các đội bắt chó thả rông nhằm tuyên truyền đến chủ nuôi chó, mèo quy định của pháp luật; phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng, ngăn chặn chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng. |
Một chú chó trông khá dữ, chủ có cầm xích và rọ mõm theo nhưng tới đây lại tháo ra. Chó to và dữ cũng là khó khăn lớn cho các đội bắt chó thả rông vì chúng có thể gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ. |
Theo Nghị định 144 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng. Mức xử phạt này đã tăng cao hơn so với quy định tại Nghị định 167 trước đó (100.000-300.000 đồng). |
Hai chú chó đen đánh nhau, chủ đứng gần đó quan sát. Nhiều ý kiến lo ngại chó thả rông dù thuộc bất cứ chủng loại nào cũng có thể gây nguy hiểm cho mọi người. |
Chó là một trong những loại động vật được nhiều người yêu thích, lựa chọn nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nuôi chó phải đảm bảo thực hiện biện pháp an toàn, không được thả rông tùy ý, đặc biệt ở nơi công cộng. |
Thống kê ở Việt Nam cho thấy mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Riêng giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong. Vì vậy, Hà Nội đặt mục tiêu quản lý được trên 90% số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2030, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào 2030 và các năm tiếp theo. |
Bình luận