Ngoài các phương thức truyền thống, các doanh nghiệp cần tiếp cận khách hàng đa dạng hơn. Ảnh: HNM. |
Việc hai bộ óc xuất chúng đưa ra những kết luận khác nhau một trời một vực về tăng trưởng càng tô đậm thêm thực tế đó là một vấn đề gây đau đầu đến mức nào. Trong tất cả những thứ các nhà kinh tế đã cố gắng dự đoán (và hầu hết đều thất bại), tăng trưởng là lĩnh vực mà chúng tôi có thành tích đặc biệt thảm hại.
Một ví dụ, vào năm 1938, ngay khi nền kinh tế Mỹ đang trở lại chế độ tăng trưởng cao sau cuộc Đại Suy thoái, Alvin Hansen (không phải một gã ất ơ nào đó, mà đường đường là người đồng phát minh ra mô hình IS-LM [1] mà đa phần các sinh viên kinh tế sẽ nhớ ra ngay vì họ đã được học ở lớp kinh tế vĩ mô đầu tiên, đồng thời là một giáo sư ở Harvard) đã đặt ra thuật ngữ "đình trệ kéo dài" để mô tả tình trạng của nền kinh tế thời bấy giờ.
Quan điểm của ông là nền kinh tế Mỹ sẽ không bao giờ tăng trưởng trở lại vì mọi nguyên liệu của tăng trưởng đều đã được phát huy hết. Nhất là tiến bộ công nghệ và tăng trưởng dân số đã chấm dứt, theo suy nghĩ của ông.
Hầu hết chúng tôi ngày nay, những người sinh trưởng ở phương Tây, đều lớn lên trong bối cảnh tăng trưởng nhanh hoặc có cha mẹ đã quen với tăng trưởng nhanh. Robert Gordon đã nhắc chúng tôi nhớ đến lịch sử lâu dài hơn của mình. Đó là 150 năm hiếm có kéo dài từ 1820 đến 1970, chứ không phải giai đoạn tăng trưởng thấp hơn liền sau đó. Phương Tây hầu như không biết đến khái niệm tăng trưởng bền vững cho đến những năm 1820.
Trong giai đoạn từ năm 1500 đến năm 1820, GDP bình quân đầu người hàng năm ở phương Tây đã tăng từ 780 USD lên 1.240 USD (tính theo giá USD đã điều chỉnh lạm phát), tương ứng với tốc độ tăng trưởng hàng năm èo uột là 0,14%.
Từ năm 1820 đến năm 1900, tăng trưởng là 1,24%, gấp 9 lần so với 300 năm trước đó, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 2% mà nó sẽ đạt được sau năm 1900. Nếu Gordon dự đoán đúng và mức tăng trưởng sẽ tụt xuống 0,8%, như thế ta sẽ chỉ đơn giản quay về với tốc độ tăng trưởng trung bình trong một thời gian rất dài (1700-2012). Đây không phải là bình thường mới; mà chỉ là bình thường thôi.
Tăng trưởng bền vững trong thời gian dài, kiểu tăng trưởng mà chúng ta đã chứng kiến trong hầu hết thế kỉ 20, là điều chưa từng có, nhưng dĩ nhiên như thế không có nghĩa là nó không thể xảy ra một lần nữa.
Thế giới ngày nay giàu có và được giáo dục tốt hơn bao giờ hết, khích lệ dành cho đổi mới đang ở mức cao nhất mọi thời đại, và danh sách các quốc gia có thể dẫn dắt một cuộc bùng nổ đổi mới đang dài ra.
Rất có thể, như niềm tin của nhiều người đam mê công nghệ, tăng trưởng phi mã rồi sẽ trở lại trong vài năm tới, được tiếp lửa bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có lẽ là nhờ sức mạnh của những cỗ máy thông minh có khả năng tự dạy mình viết những bản tóm tắt pháp lý tốt hơn và pha trò hài hước hơn con người.
Nhưng cũng có thể, như quan điểm của gordon, điện và động cơ đốt trong đã mang lại cuộc dịch chuyển có một không hai trong mức độ sản xuất và tiêu dùng mà ta có thể đạt được. Phải mất kha khá thời gian chúng ta mới đạt đến trạng thái ổn định mới này và trong quá trình đó đã có những đợt tăng trưởng nhanh chóng, nhưng ta chẳng có lý do cụ thể nào để kì vọng giai đoạn này sẽ lặp lại.
Và, chúng tôi xin nói thêm, ta cũng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy chuyện đó sẽ không xảy ra. Về cơ bản, điều rõ ràng là chúng ta không biết và chẳng có cách nào để tìm ra câu trả lời ngoài việc chờ đợi.
[1] Mô hình IS-LM do nhà kinh tế học người Mỹ Alvin Hansen và nhà kinh tế học người Anh John Hicks đưa ra và phát triển. Mô hình này được sử dụng để mô tả các hoạt động kết hợp của thị trường tài chính - tiền tệ và thị trường hàng hóa - dịch vụ. IS là viết tắt của Investment/Saving (đầu tư/tiết kiệm), LM là viết tắt của Liquidity preference/Money supply (nhu cầu thanh khoản/cung tiền).
Bình luận