Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỗ dựa của tổng thống Kazakhstan trong khủng hoảng

Để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã tìm đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng không nhớ nổi tên ông Tokayev.

Chỗ dựa quyền lực mới của ông Tokayev là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Putin đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu giúp đỡ từ ông Tokayev bằng cách gửi lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu trong khuôn khổ của Tổ chức Hiệp định An ninh Tập thể (CSTO) đến Kazakhstan để ổn định tình hình.

New York Times dẫn lời các chuyên gia về khu vực Trung Á cho rằng khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, ông Tokayev - 68 tuổi - vừa không có đủ quyền, vừa không có đủ sự độc lập để tự mình giải quyết. Việc ông Tokayev nhanh chóng ngả về phía Moscow là một sự lựa chọn an toàn cho bản thân, đồng thời chỉ dấu cho những thay đổi địa - chính trị sắp đến tại khu vực vốn đang chứng kiến ​​sự tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Nga, Trung Quốc và cả Mỹ.

Hiện còn quá sớm để nói việc can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan có phải là chiến thắng của tổng thống Nga hay không. Nhiều ý kiến lo ngại lực lượng được Nga cử đến sẽ không chịu rời đi sau đó, đặc biệt là trong bối cảnh ông Putin đang có ý định duy trì vùng ảnh hưởng của Nga bao trùm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Tong thong Kazakhstan nho Nga giup giai quyet khung hoang. anh 1

Một biển quảng cáo tranh cử tổng thống của ông Tokayev hồi năm 2019 ở thành phố Almaty. Ảnh: Reuters.

Bảo vệ số phận chính trị của bản thân

Tổng thống Kazakhstan đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev được sinh ra trong một gia đình trí thức, với cha là cựu binh trong Thế chiến II đồng thời là một nhà văn nổi tiếng, còn mẹ ông từng công tác tại Học viện Ngoại ngữ Alma-Ata (tên trước đây của thành phố Almaty).

Trong thập niên 1970, ông theo học tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), cơ sở giáo dục hàng đầu dành cho các nhà ngoại giao ở Liên Xô, và sau đó làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh. Ông từng phục vụ với vai trò cố vấn chính dưới thời cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev gần ba thập niên trước khi chính thức đắc cử tổng thống hồi năm 2019.

Ông Nazarbayev đã bàn giao chính quyền cho ông Tokayev, tuy nhiên vẫn duy trì ảnh hưởng lớn phía sau hậu trường.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra, ông Tokayev ngoài trấn áp không khoan nhượng đối với những người dân bất bình mà ông gọi là những "kẻ khủng bố" còn tiếp quản vị trí quyền lực chủ tịch Hội đồng An ninh từ cựu tổng thống, cũng như sa thải một số quan chức an ninh hàng đầu là thân tín của cựu tổng thống.

Những diễn biến mới làm dấy lên đồn đoán rằng các cuộc biểu tình trên đường phố thực chất là những đấu đá chính trị giữa phe của cựu tổng thống với tổng thống đương nhiệm.

Akezhan Kazhegeldin, cựu Thủ tướng Kazakhstan giai đoạn 1994-1997 nhưng đã từ chức vì lo ngại về vấn đề tham nhũng, nhận định có thể ông Tokayev cho rằng bản thân đã “mất quyền kiểm soát đối với quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật” nên mới loại bỏ ông Nazarbayev và giải tán chính phủ.

Tong thong Kazakhstan nho Nga giup giai quyet khung hoang. anh 2

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Mark Schiefelbein/New York Times.

Trong nhiều thập niên, ông Tokayev đã xây dựng danh tiếng là một nhà hoạch định lão luyện trong việc giúp ông Nazarbayev cân bằng chính sách đối ngoại của Kazakhstan đối với các đối tác lớn là Nga, Trung Quốc và Mỹ. Và trong 28 năm, ông Tokayev cũng đã học được nhiều điều từ cựu Tổng thống Nazarbayev.

Các nhà phân tích nhận định kể từ khi nhậm chức, ông Tokayev chưa từng phải đối mặt với các những cạnh tranh chính trị thực sự. Nhưng giờ đây, tổng thống đương nhiệm đang đối mặt với các đối thủ đáng gờm từ ngay bên trong giới lãnh đạo cao nhất của chính phủ, trong đó có một số người là thân tín của ông Nazarbayev.

Trong tình thế đó, ông Tokayev đã chọn Nga để đảm bảo số phận chính trị của chính mình.

Theo tiến sĩ Anceschi từ Đại học Glasgow (Scotland), người duy nhất có lựa chọn đúng đắn trong tình thế hiện nay là Tổng thống Putin - người đã quyết định ủng hộ ông Tokayev thay vì ông Nazarbayev và ông Masimov. Đối với ông Tokayev, việc hướng về Điện Kremlin là một lựa chọn sống còn. Ngài tổng thống "không chọn Nga, ông ấy chọn bản thân mình", ông Anceschi nói.

Tong thong Kazakhstan nho Nga giup giai quyet khung hoang. anh 3

Lính dù Nga chuẩn bị đến Kazakhstan để giúp trấn áp các cuộc biểu tình. Ảnh: Philipp Böll/DW.

Hy sinh quyền tự quyết

Erica Marat, giáo sư tại trường quân sự National Defense University ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ) chỉ trích tổng thống Kazakhstan “đã đánh đổi chủ quyền quốc gia cho Nga”.

Động thái này “thực sự sẽ biến Kazakhstan trở thành một đối tác phục tùng hơn, trung thành hơn”, bà nói thêm, đồng thời cho biết Kazakhstan sẽ “phải liên kết nhiều hơn với Nga nhằm chống lại phương Tây trong các vấn đề địa chính trị và toàn cầu”.

Trong một bài phát biểu hôm 7/1, bên cạnh việc cảnh báo lực lượng an ninh của chính phủ có thể bắn chết người biểu tình để trấn áp tình hình, ông Tokayev còn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới nhà lãnh đạo Nga vì đã hỗ trợ “rất kịp thời" trong tình hữu nghị. Ông một lần nữa bày tỏ "lòng biết ơn đặc biệt" đối với Nga trong cuộc điện đàm với ông Putin hôm 8/1, theo Điện Kremlin.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo mất cân xứng nghiêm trọng. Tại một cuộc họp báo vào tháng trước ở Moscow, ông Putin dường như không thể nhớ tên ông Tokayev.

Tong thong Kazakhstan nho Nga giup giai quyet khung hoang. anh 4

Tổng thống Nga Vladimir V. Putin hội kiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev vào tháng 8/2021 tại Moscow. Ảnh: Mikhael Klimentyev/New York Times.

Về mặt đối nội, quyết định của ông Tokayev khi chào đón binh lính, xe tăng và máy bay từ nước ngoài có thể làm xói mòn hơn nữa lòng tin của công chúng đối với tổng thống.

Nhiều người dân lao động Kazakhstan từ lâu đã bất bình trước tình trạng tham nhũng tràn lan của đất nước, khiến tài sản bị tập trung vào trong tay một số ít người ở thượng tầng.

New York Times nhận định khi người dân nhìn thấy một nhà lãnh đạo ủng hộ và hưởng lợi từ hệ thống bất công đó, giờ đây lại chọn được Moscow nâng đỡ thay vì lắng nghe tiếng nói của dân chúng, điều đó sẽ khiến ngay cả những người Kazakhstan bình thường cũng phải phẫn nộ, bà Marat cho biết.

“Người dân không xuống đường để yêu cầu Nga can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của họ", bà nói thêm. Đối với ông Putin, việc điều động lực lượng đến Kazakhstan thể hiện “là một sự can thiệp có chi phí thấp nhưng thu về lợi nhuận cao”.

Vài ngày sau khi các cuộc biểu tình nổ ra do lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao, ông Tokayev cho biết sẽ hủy bỏ việc nâng giá nhiên liệu. Nhưng những người biểu tình yêu cầu nhiều hơn thế, họ mong muốn cải tổ hệ thống chính trị tham nhũng chỉ góp phần làm giàu cho những cá nhân quyền lực mà ông Nazarbayev đã xây dựng từ khi Kazakhstan tách khỏi Liên Xô năm 1991.

Ông Kazhegeldin, hiện sống lưu vong, cho biết ông vẫn nuôi hy vọng rằng Tổng thống Tokayev có thể xoay chuyển tình thế.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng sẽ là sai lầm nếu tổng thống đương nhiệm tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga, quốc gia chia sẻ đường biên giới trên đất liền dài hơn 7.600 km với Kazakhstan.

Kazakhstan đang duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga và là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), liên minh hình thành năm 2015 giữa một số nước từng thuộc Liên Xô cũ do Nga dẫn dắt. Nhưng đối với một số người Kazakhstan, sự mở rộng ảnh hưởng của Nga ở nước này giống như sự bành trướng trong lịch sử.

"Chúng tôi có thể sử dụng nguồn lực của chính quốc gia mình", ông Kazhegeldin nói. “Chúng tôi không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ Nga hoặc Belarus để giải quyết tình hình chỉ tại một thành phố là Almaty".

Nguyễn Thanh Hải

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm