Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dấu hiệu tranh chấp quyền lực đằng sau cuộc khủng hoảng Kazakhstan

Nguyên nhân đằng sau cuộc khủng hoảng đẫm máu tại Kazakhstan còn chưa rõ ràng, nhưng các chuyên gia nhận định đây có thể là dấu hiệu của tranh chấp quyền lực nội bộ.

bao loan Kazakhstan anh 1

Không nhiều người quá ngạc nhiên khi biểu tình bùng nổ tại một thị trấn dầu mỏ xập xệ ở miền Tây Kazakhstan vào ngày 2/1. 10 năm trước, cũng tại đây, hơn một chục người lao động đã mất mạng trong lúc đình công phản đối điều kiện làm việc tồi tàn và mức lương thấp.

Nhưng nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình ôn hòa tại thành phố Zhanaozen bất ngờ lan ra hàng nghìn dặm dọc theo Kazakhstan trong tuần qua vẫn còn là một bí ẩn, theo New York Times.

Tình trạng bạo lực diễn ra trong tuần này tại Almaty, thủ đô cũ kiêm trung tâm văn hóa - kinh doanh của Kazakhstan, là cú sốc đối với gần như mọi bên, từ Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tới những nhân vật thường xuyên chỉ trích chính phủ.

Cuộc khủng hoảng của Kazakhstan xảy ra cùng thời điểm có tranh đấu trong nội bộ chính quyền. Điều này làm thổi bùng phỏng đoán rằng những người chiến đấu trên đường phố là đại diện các nhóm đang mâu thuẫn trong giới tinh hoa chính trị.

Washington Post cũng cho rằng có một số dấu hiệu thể hiện sự chia rẽ giữa hai nhân vật quyền lực nhất tại Kazakhstan, Tổng thống Tokayev đương nhiệm và cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev.

bao loan Kazakhstan anh 2
Vị trí của Kazakhstan trên bản đồ. Đồ họa: New York Times.

Người đương nhiệm chưa từng nắm thực quyền

Trong hàng thập kỷ, cựu Tổng thống Nazarbayev luôn mạnh tay đánh bại những hành động thách thức quyền lực của mình.

Khi rời vị trí tổng thống vào năm 2019, ông Nazarbayev chọn một đồng minh thân cận làm người kế nhiệm và vẫn tiếp tục nắm quyền từ hậu trường, Wall Street Journal dẫn ý kiến từ các nhà ngoại giao. Thủ đô cũng được đổi tên thành Nur-Sultan, theo tên họ vị cựu tổng thống.

Nhưng sự vắng mặt của ông Nazarbayev trong nhiều ngày sau khi đụng độ đẫm máu xảy ra tại Kazakhstan đã bị đặt dấu hỏi.

Phải tới ngày 8/1, phát ngôn viên của nhà cựu lãnh đạo mới cho biết ông Nazarbayev, 81 tuổi, vẫn ở thủ đô. Vị cựu tổng thống đang nhận các cuộc gọi từ đồng minh và kêu gọi người dân ủng hộ người kế nhiệm mình.

Trong lúc đó, Tổng thống Tokayev, 68 tuổi, cố gắng ổn định tình hình bằng cách cho phép binh sĩ nổ súng không cần cảnh báo và đề nghị trợ giúp quân sự từ Nga. Nhưng đồng thời, ông Tokayev cũng có động thái kiềm chế quyền lực của người tiền nhiệm.

Ngày 5/1, Tổng thống Tokayev gạch tên ông Nazarbayev khỏi ghế chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia, vị trí chính thức cao nhất của vị cựu tổng thống. Chức vụ này hiện do chính ông Tokayev nắm giữ.

Tổng thống Tokayev cũng loại bỏ các đồng minh quan trọng của ông Nazarbayev ra khỏi chính quyền, bao gồm Karim Massimov, giám đốc cơ quan an ninh nội địa (KNB) kiêm cựu thủ tướng dưới thời ông Nazarbayev. Ông Massimov sau đó bị bắt giam vì tình nghi phản quốc.

bao loan Kazakhstan anh 3

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev (phải) và cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev tại thủ đô mới Nur-Sultan vào năm 2019. Ảnh: AP.

Cùng ngày 5/1, ông Tokayev bãi nhiệm toàn bộ nội các từng do chính tay ông Nazarbayev chọn lựa vì cho rằng họ có trách nhiệm trong vụ bất ổn.

Theo Wall Street Journal, Tổng thống Tokayev đang cố gắng tạo khoảng cách giữa mình với ông Nazarbayev, người đang ngày càng mất lòng dân. Khi các đám đông tụ tập vào đầu tuần này, người biểu tình đồng thanh hét lên “Cút đi, lão già”, tức chỉ vị cựu tổng thống.

Trong nhiều thập kỷ, ông Nazarbayev đã định hình hệ thống chính trị của Kazakhstan, tập trung quyền lực vào tay số ít nhân vật tinh hoa giàu có, theo các nhà ngoại giao đương thời hoặc nghỉ hưu.

“Ông Tokayev phải chấm dứt tình trạng tồn tại hai trung tâm quyền lực tại Kazakhstan”, theo Arkday Dubnov, một chuyên gia về Trung Á thuộc Trung tâm Carnegie Moscow. “Ông ấy chưa bao giờ trở thành một vị tổng thống được trao đủ quyền lực vì tay ông bị trói”.

Khủng hoảng manh nha từ sớm

Ngày 7/1 trên Twitter, ông Tokayev khẳng định khoảng 20.000 người tham gia bạo loạn và những người này thực hiện “ít nhất 6 lượt tấn công khủng bố” tại Almaty. Những bài đăng này dường như đã bị xóa, theo Washington Post.

Tuyên bố của vị tổng thống đương nhiệm khiến nhiều chuyên gia Trung Á không khỏi ngạc nhiên.

“Đang có rất nhiều điều không hợp lý”, Jennifer Murtazashvili, chuyên gia về chính trị các nước Liên Xô cũ thuộc Đại học Pittsburg (Mỹ), nói. “Trước kia chẳng ai hay biết về những phần tử khủng bố này, nhưng hiện có tới 20.000 người tham gia tấn công với khả năng phối hợp nhịp nhàng? Thật sự là không khả thi”.

bao loan Kazakhstan anh 4

Người biểu tình trên đường phố Almaty, Kazakhstan vào ngày 5/1. Ảnh: AFP.

Theo Wall Street Journal, giới ngoại giao nhận định những người đi theo Tổng thống Tokayev đang cạnh tranh với nhóm ủng hộ cựu Tổng thống Nazarbayev.

“Một cuộc khủng hoảng chính trị xung quanh quá trình chuyển giao quyền lực từ sớm đã được cho là sẽ xảy ra”, ông Vasily Kashin, chuyên gia về các nước Xô Viết cũ thuộc Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, nói.

Trong khi đó, Danil Kislov, chuyên gia người Nga về Trung Á, phỏng đoán sự hỗn loạn là kết quả của “cuộc tranh giành quyền lực tuyệt vọng” giữa các gia tộc chính trị, cụ thể là người trung thành với Tổng thống Tokayev và người đi theo ông Nazarbayev.

Theo ông Kislov, bạo loạn ở Almaty dường như là nỗ lực của các thành viên theo phe ông Nazarbayev nhằm đảo ngược sự suy thoái của mình.

“Mọi chuyện đều có sự sắp xếp của những người thật sự nắm quyền lực trong tay”, ông Kislov nói, bổ sung rằng cháu trai của ông Nazarbayev, ông Samat Abish, có vẻ đã có vai trò lớn trong việc tạo ra tình trạng bất ổn.

Ông Abish từng là phó giám đốc KNB trước khi bị ông Tokayev đuổi việc cùng với một số người khác thân cận với cựu tổng thống. Đài truyền hình nhà nước cũng phát sóng các cáo buộc cho biết bộ máy lãnh đạo cũ của KNB đã cấu kết để đào tạo “cướp”.

Galym Ageleulov, một nhà hoạt động ở Almaty từng tham gia biểu tình ôn hòa ngày 5/1, cho biết nhóm cảnh sát đang giám sát biểu tình đã chợt biến mất vào giờ ăn trưa.

bao loan Kazakhstan anh 5
Một chiếc xe bị đốt cháy bên ngoài trụ sở tòa nhà chính quyền tại Almaty, Kazakhstan vào ngày 7/1. Ảnh: Reuters.

Sau đó, một “đám đông xuất hiện”, ông Ageleulov nói. Những người này nhìn giống côn đồ hơn những sinh viên, mọt sách và người thuộc tầng lớp trung lưu thường xuất hiện ở các cuộc biểu tình.

Đám đông ấy “rõ ràng được tổ chức bởi các nhóm tội phạm”. Họ đi theo các con phố chính hướng về tòa thị chính Almaty, châm lửa đốt xe và xông vào văn phòng chính quyền, theo ông Ageleulov.

Một trong những người kích động đám đông là Arman Dzhumageldiev, còn gọi là “Arman Cuồng loạn” - một trong những tay anh chị quyền lực nhất của Kazakhstan.

Đứng tại quảng trường trung tâm, nhân vật này kêu gọi người dân ép chính quyền nhượng bộ và chế nhạo Mukhtar Ablyazov, một tỷ phú lưu vong và cũng là địch thủ của ông Nazarbayev.

Ngày 7/1, Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết đã bắt giữ Dzhumageldiev cùng 5 đồng phạm. Dzhumageldiev là thủ lĩnh một băng đảng tội phạm có tổ chức, bộ này cho biết.

Vì sao liên quân Nga đưa lực lượng tới 'lò lửa' Kazakhstan

Tình trạng bất ổn ở Kazakhstan đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là Nga - vốn coi Kazakhstan là đồng minh và một phần trong phạm vi ảnh hưởng tại Trung Á.

Kazakhstan bắt giam cựu giám đốc tình báo vì nghi phản quốc

Nhà chức trách Kazakhstan đã bắt giữ Karim Massimov, cựu Giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia, vì tình nghi phản quốc. Ông Massimov vừa bị sa thải trong tuần này.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm