Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợ động vật khởi nguồn dịch bệnh ở Vũ Hán giờ ra sao?

Khu chợ hải sản được cho là nơi đầu tiên lây lan Covid-19 ở Vũ Hán giờ được niêm phong và quây bạt kín mít. Nhiều người thắc mắc về số phận của khu chợ này sau đại dịch.

Tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, khu chợ động vật được cho là điểm khởi đầu của đại dịch khiến thế giới chao đảo, hiện được quây lại bằng những tấm phông xanh và trắng cứng cáp.

cho hai san Huanan anh 1

Khu chợ được cho là nơi đầu tiên làm lây lan virus được quây lại cẩn thận bằng những tấm biển xanh. Ảnh: AFP.

Được khử trùng liên tục

Tuy nhiên, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy thứ gì đó độc hại từng nằm trong khu chợ hải sản Huanan.

Cảnh sát chăng dây ngăn người qua lại, hàng rào đỏ cao ngang ngực được dựng lên và nhiều nhân viên trong đồ bảo hộ màu trắng từ đầu đến chân đem thiết bị ra vào liên tục, theo AFP.

Quan chức kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc trước đây đã xác định động vật hoang dã được bán trong chợ là nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Đại dịch này đã lây nhiễm gần 900.000 người và cướp đi hơn 42.000 sinh mạng trên toàn thế giới.

Một bảng giá của cửa hàng được lan truyền trên mạng xã hội của Trung Quốc vào tháng 1 cho thấy cửa hàng này bán nhiều loài động vật hoang dã kỳ lạ như cầy hương, chuột, rắn, kỳ nhông khổng lồ và thậm chí cả chó sói con.

Người Trung Quốc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trong nhiều thế kỷ qua. Họ sử dụng động vật cho mọi thứ, từ y học cổ truyền Trung Quốc, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, lấy lông thú cho đến dùng làm thực phẩm.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Cục Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Nhà nước đã tịch thu 39.000 động vật hoang dã và đã dọn sạch hơn 350.000 địa điểm như nhà hàng và chợ buôn bán động vật, theo South China Morning Post.

cho hai san Huanan anh 2

Cảnh sát chăng dây ngăn người qua lại, hàng rào đỏ cao ngang ngực được dựng lên. Ảnh: AFP.

Biến mất sau bức tường bí ẩn

Các khu chợ như vậy là điểm dừng cuối cùng trong đường dây buôn bán động vật hoang dã tàn bạo mà sức tiêu thụ của người Trung Quốc đã thúc đẩy chúng hình thành, theo các nhà khoa học.

Khu chợ này đáp ứng nhu cầu động vật hoang dã dùng trong các thực đơn độc đáo hoặc sử dụng trong các loại thuốc gia truyền mà tác dụng của chúng không được khoa học công nhận.

Chợ hải sản tại Vũ Hán đã được niêm phong và khử trùng vào tháng 1 sau khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc.

Hiện tại, chỉ có những nhóm công nhân khử trùng mặc đồ bảo hộ ra vào khu chợ này. Trên các bức tường màu xanh được dựng tạm lên để quây khu chợ lại, nhiều biểu ngữ màu đỏ trải dài khuyến khích người đi đường tham gia vào cuộc chiến chống lại virus.

Trong khi virus bắt đầu lan rộng khắp thế giới và châm ngòi cho sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, khu vực được cho là khởi nguồn của bệnh dịch này lại biến mất sau những bức tường bí ẩn.

Những đoạn văn bản đề cập đến khu chợ trên đã biến mất khỏi diễn ngôn về dịch bệnh của chính phủ và các báo cáo truyền thông chính thức.

Một số quan chức Trung Quốc đưa ra luận điểm mới rằng virus Covid-19 có thể không có bắt nguồn tại khu chợ trên trong khi không đưa ra bằng chứng nào.

cho hai san Huanan anh 3

Khu chợ này có thể bị đóng cửa vĩnh viễn. Ảnh: AFP.

Sau hơn hai tháng sống dưới lệnh phong tỏa để ngăn virus lây lan trong cộng đồng, người dân thành phố Vũ Hán và phần còn lại của tỉnh Hồ Bắc đang dần trở lại cuộc sống bình thường.

Các lệnh kiểm soát biên giới đang được nới lỏng, cho phép người dân Hồ Bắc bị mắc kẹt bên ngoài tỉnh và các nhà báo nước ngoài quay lại khu vực này.

Đóng cửa vĩnh viễn

Tuy nhiên, số phận của khu chợ hải sản trên dường như đã khép lại.

Trong nhiều tuần, các nhóm công nhân đã cẩn thận khử trùng và sau đó loại bỏ tất cả hàng hóa và các vật dụng khác tại khu chợ. Sau đó, họ cũng tiến hành các đợt khử trùng toàn bộ khu chợ này, theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Khu chợ này được dự định sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, theo các báo cáo, mặc dù vẫn chưa có kế hoạch phá hủy khu chợ nào được công bố.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã công bố kế hoạch cấm "toàn bộ" hoạt động buôn bán động vật hoang dã phát triển mạnh ở đây.

Vào cuối tháng 2, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm tạm thời đối với nuôi và tiêu thụ "động vật hoang dã trên cạn có giá trị sinh thái, khoa học và xã hội quan trọng". Lệnh cấm này dự kiến sẽ được đưa thành luật vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã là việc vô cùng khó khăn. Người Trung Quốc có thói quen sử dụng động vật hoang dã từ lâu và điều này đã ăn sâu vào văn hóa của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Trung Quốc cố gắng kiềm chế tiêu thụ động vật hoang dã. Năm 2003, cầy hương đã bị cấm và tiêu hủy với số lượng lớn sau khi người ta phát hiện ra chúng có khả năng truyền virus SARS sang người.

Việc bán rắn cũng bị cấm một thời gian ngắn tại Quảng Châu sau khi dịch SARS bùng phát. Nhưng ngày nay các món ăn sử dụng động vật vẫn được phục vụ ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

cho hai san Huanan anh 4

Trung Quốc đã công bố kế hoạch cấm "toàn bộ" hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng lệnh cấm này là bước đầu tiên. Họ cũng kêu gọi Bắc Kinh nắm bắt cơ hội quan trọng này để thu hẹp các lỗ hổng trong luật như việc sử dụng động vật hoang dã trong y học cổ truyền Trung Quốc và bắt đầu thay đổi thái độ ở Trung Quốc về việc tiêu thụ động vật hoang dã.

Vẫn chưa rõ người dân địa phương trong khu vực nghĩ gì về việc khu chợ hải sản nằm giữa các khu dân cư cao và hiện đại này có thể ngưng hoạt động.

Những con phố sát nhau gần khu chợ vẫn vắng vẻ vào hôm 30/3 do các biện pháp kiểm soát giao thông và các hạn chế khác đối với việc di chuyển vẫn được áp dụng trên toàn thành phố.

Tuy nhiên, một quan chức địa phương, người phủ nhận câu chuyện về nguồn gốc virus tại khu chợ, đã nói với AFP: "Tôi không nghĩ người dân địa phương có bất kỳ nỗi sợ hãi nào khi họ đến gần khu chợ này".

Cuộc sống tại Vũ Hán trở lại bình thường sau 2 tháng bị phong tỏa Các công nhân dần đi làm trở lại, nhiều chuyến xe buýt xuất hiện trên phố xá để đưa đón người dân. Có thể nói, cuộc sống tại Vũ Hán đã trở lại sau 2 tháng chống chọi với Covid-19.

Nới hay không nới cách ly - nan đề của Hàn Quốc khi đỉnh dịch đi qua

Hàn Quốc, quốc gia đầu tiên đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai tiếp sau Trung Quốc, chuẩn bị quay lại cuộc sống bình thường trong bối cảnh số ca nhiễm mới được kiểm soát.

Đổi cách tính, Trung Quốc có thêm 1.300 ca nhiễm không triệu chứng

Sau khi thay đổi cách tính, Trung Quốc có khoảng 1.300 ca nhiễm virus không triệu chứng. Ước tính từ 18-31% bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại đây không biểu hiện triệu chứng bệnh.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm