“Chúng tôi luôn tìm kiếm những võ sĩ cho ONE và Việt Nam là một trong những nơi chúng tôi muốn hướng tới”, Chủ tịch Chatri Sityodtong của ONE từng chia sẻ hồi tháng 9/2019.
“Tôi biết Việt Nam là nơi có rất nhiều tài năng về võ thuật, không chỉ về võ thuật tổng hợp mà còn ở rất nhiều môn võ khác như kickboxing…”, người sáng lập một trong những giải võ thuật lớn nhất châu Á nhấn mạnh.
Sự kiện MMA diễn ra tối 19/12 hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn. Ảnh: Lê Nguyễn. |
Ngày 19/12, sự kiện MMA đầu tiên tại Việt Nam sẽ được diễn ra tại TP.HCM, với 8 cặp đấu ở nhiều hạng cân khác nhau. Đây là giải chính thức đầu tiên được Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) tổ chức kể từ khi thành lập năm 2020.
Sân chơi lần này mang mục đích đánh giá trình độ tập luyện, thi đấu của lực lượng võ sĩ tham gia trên toàn quốc, bên cạnh mục tiêu phát triển phong trào MMA. Song, câu hỏi được đặt ra là tại sao tới hiện tại Việt Nam mới có giải võ thuật tự do được "hợp thức hóa"?
Tại Philippines, Indonesia hay những quốc gia lân cận trong khu vực, phong trào MMA của họ phát triển rất mạnh. Khán giả dễ tìm thấy những võ sĩ đến từ Indonesia, Malaysia hay Philippines tranh tài ở ONE.
Và để trả lời câu hỏi trên, đó là vì trước đây thì VMMAF chưa được thành lập. Còn hiện tại, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động.
Nhờ vậy, các võ sĩ MMA trong thời gian tới sẽ được tham gia vào nhiều giải đấu chính thức, từ đó có thể nâng cao chất lượng chuyên môn. Xa hơn, giấc mơ tiến ra những sân chơi thi đấu đối kháng đẳng cấp thế giới sẽ không còn xa xỉ.
Tuy nhiên, mọi thứ đều cần sự bắt đầu. Và "Sự kiện Tranh cúp Võ thuật Tổng hợp Việt Nam 2021" được cho là bước đi rất cần thiết tiếp theo để MMA Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển.
Ở giải lần này, các võ sĩ thi đấu theo điều lệ riêng (của ban tổ chức - PV) dựa trên luật MMA chuyên nghiệp và bán chuyên trên thế giới. Đây là điểm nhấn và khác biệt của sự kiện.
Nói cho dễ hiểu, mọi thứ từ luật thi đấu, trọng tài... đều theo chính thống. Thậm chí, trước ngày diễn ra giải, lớp tập huấn trọng tài cũng được tổ chức nhằm phục vụ cho công tác giám sát, chấm điểm, đánh giá chất lượng chuyên môn trận đấu.
Sự kiện MMA lần này sẽ có sự xuất hiện của võ sĩ nước ngoài. Ảnh: Lê Nguyễn. |
Hôm 18/12, ban tổ chức thực hiện buổi cân ký chính thức cuối cùng cho các võ sĩ, động thái để đảm bảo tính cân bằng khi thi đấu. Theo tìm hiểu của Zing, các võ sĩ, trọng tài, thành viên trong ban tổ chức đều phải test Covid-19 trước khi lên đài. Họ cũng không được tự do đi lại trong thời gian trước và trong sự kiện. Mọi thứ đều được kiểm soát chặt.
Tại sự kiện, trận đấu giữa Nguyễn Cát Tùng và Aleksey Filonenko (Nga) được cho là tâm điểm. Trình độ của hai võ sĩ khá tương đồng khi đều dày dặn kinh nghiệm và đạt được những thành tích ấn tượng gần đây.
Còn Nguyễn Thị Hương, một trong những nữ võ sĩ thi đấu hạng 56 kg, chia sẻ với Zing: "Tôi đã chuẩn bị mọi thứ. Tôi rất háo hức cho ngày bước lên sàn đấu. Về đối thủ (Dương Thị Thanh Bình - PV), tôi tìm hiểu về cô ấy qua các băng hình thi đấu trước đây. Hiện tôi rất tự tin cho trận đấu".
Cũng qua sự kiện lần, VMMAF muốn tìm kiếm thêm những võ sĩ MMA tiềm năng đồng thời thúc đẩy phong trào. Trong tương lai gần, Liên đoàn cũng vạch ra lộ trình rất tỉ mỉ để thể loại võ thuật thi đấu đối kháng hấp dẫn phát triển. Cụ thể, trong năm 2022, sẽ có nhiều hơn những sân chơi võ tổng hợp ra đời.
Ông Mai Thanh Ba, cựu HLV đội tuyển Tán thủ Việt Nam và là Tổng thư ký Liên đoàn MMA Việt Nam, chia sẻ: "Phong trào MMA tại Việt Nam còn non trẻ, cần thời gian để hòa nhập. Những giải đấu thế này sẽ là khởi điểm cho các võ sĩ, để họ tự đánh giá năng lực. Sau thời gian phát triển, nếu Liên đoàn nhận thấy có sự tương đồng về chuyên môn giữa võ sĩ trong nước và quốc tế, chúng tôi mới tính đến chuyện vươn mình ra thế giới".