Phượng sẽ ra sân dưới màu áo một đội bóng có Chủ tịch, đội trưởng là người Nghệ An, HLV trưởng mang quốc tịch Hàn Quốc còn thủ môn số một và số hai lần lượt tới từ Đồng Nai và Thanh Hóa.
Dàn trụ cột CLB TP.HCM gồm Ngô Hoàng Thịnh (lò SLNA), Nguyễn Xuân Nam, Hồ Văn Thuận (lò Hà Nội) và Công Phượng (lò HAGL JMG). Ảnh: Quang Thịnh. |
Đối thủ của Phượng bên kia chiến tuyến là một đội bóng mang tên Sài Gòn nhưng xuất xứ từ Hà Nội. Đội trưởng của Sài Gòn là một người trưởng thành từ Thể Công, phần lớn trụ cột là người Hà Nội.
Những biểu hiện địa phương hiếm hoi trong đội hình CLB TP.HCM và Sài Gòn nằm ở vị trí Chủ tịch kiêm HLV của ông Vũ Tiến Thành, người cũng mới về đội bóng được chưa lâu, hay vị trí trợ lý của Phùng Thanh Phương ở phía đối diện.
“Derby TP.HCM” hôm nay sẽ giống như những lần đối đầu đã diễn ra vài năm gần đây. Tên gọi của hai CLB là những dấu hiệu địa phương hiếm hoi hiện diện dưới đôi mắt khó tính của người hâm mộ. Nhìn hai đội bóng này, những bậc cao niên của TP.HCM hẳn sẽ buồn khi nghĩ về quá khứ oai hùng, thời mà Cảng Sài Gòn hay Công an TP.HCM từng tung hoành ngang dọc.
Chục năm trước, bóng đá Hà Nội cũng từng rơi vào tình trạng tương tự. Sự sụp đổ của Thể Công, hàng loạt CLB ra đời rồi biến mất đẩy bóng đá thủ đô vào thời kỳ tăm tối nhất. Đó cũng là lúc CLB Hà Nội T&T xuất hiện và xây dựng hệ thống đào tạo trẻ của riêng họ. Hơn 10 năm, trải qua nhiều biến động, đã có lúc mất niềm tin ghê gớm, hệ thống đào tạo trẻ ấy cuối cùng cũng mang về trái ngọt.
Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành khoác tay đội trưởng Nguyễn Ngọc Duy, người Hà Nội và trưởng thành từ Thể Công. Ảnh: Quang Thịnh. |
Thành công của CLB Hà Nội là bằng chứng cho thấy sự đầu tư nghiêm túc trên nền tảng bóng đá địa phương cuối cùng sẽ mang lại tình yêu nơi người hâm mộ. Đội bóng càng trân trọng địa phương, CĐV, phần thưởng cuối cùng họ nhận được sẽ càng lớn, dù thời gian chờ đợi có khi sẽ rất dài.
Tình yêu của người hâm mộ có lẽ giá trị hơn hết thảy, là thứ mà không danh hiệu nào có thể mua nổi. Bài học từ bóng đá Hà Nội hay Nam Định, SLNA là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.
Những điều ấy chưa được nhìn thấy ở bóng đá miền Nam. Cả hai CLB ra sân chiều nay đều chưa sở hữu một hệ thống đào tạo trẻ có chiều sâu và mang tính địa phương. CLB TP.HCM mới chập chững những bước đầu tiên bằng việc mượn cầu thủ từ các trung tâm bóng đá và học viện ở TP.HCM. Đội bóng đầu tư Học viện Juventus ở Bà Rịa Vũng Tàu chỉ cách đây 2 năm. Trong khi đó, năm ngoái, CLB Sài Gòn là nhân vật chính trong lùm xùm lấy đội U15 khiến đội Hà Nội bị cấm dự cúp châu Á.
Bao giờ bóng đá TP.HCM không phải trông ngóng những Công Phượng? Khi nào họ lại có những Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến như quá khứ? Ngày ấy, bóng đá TP.HCM mới thực sự trở lại.