“80% đội bóng ở V.League dùng ngoại binh trên hàng công, điều đó dẫn tới việc các tiền đạo nội ít có cơ hội thi đấu. Việt Nam không thiếu tiền đạo trẻ triển vọng, vấn đề là kinh nghiệm thi đấu. Họ cần được các CLB cho ra sân nhiều hơn”.
HLV Park Hang-seo không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng nói về mâu thuẫn giữa CLB và đội tuyển trong việc sử dụng tiền đạo ngoại. Từ khi ngoại binh đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, đó luôn là vấn đề dai dẳng, khó xử lý của nền bóng đá.
Mâu thuẫn trong vấn đề sử dụng tiền đạo giữa tuyển quốc gia và CLB là chuyện không có hồi kết ở bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Những “ông Tây” thống trị V.League
Khi Nguyễn Việt Phong được tung vào sân trong trận Việt Nam thắng Malaysia tại vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 10 năm ngoái, đó thực sự là khoảnh khắc đặc biệt, bởi Việt Phong khi đó 27 tuổi, mới ghi 5 bàn suốt sự nghiệp tại V.League và chưa từng lên tuyển quốc gia. Phải triệu tập, sử dụng tiền đạo như thế nghĩa là ông Park thực sự gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn bổ sung cho hàng công tuyển Việt Nam.
Trong sơ đồ 3-4-3 của ông, tiền đạo cắm là vị trí quan trọng bậc nhất. Những áp đảo về thế trận, cơ hội sẽ trở thành vô nghĩa nếu anh chàng đá cao nhất không thể chuyển hóa nó thành điểm số cụ thể trên bảng điện tử. Một đội tuyển mạnh không thể thiếu những tiền đạo giỏi. Vậy mà điều đó đang diễn ra ở tuyển Việt Nam.
Hơn 2 năm qua, ông Park quanh đi quẩn lại chỉ có 3 chân sút là Nguyễn Anh Đức, Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh. Người đầu tiên đã năm lần bảy lượt nói câu từ giã, người thứ hai chấn thương liên tục. Chỉ còn Tiến Linh đáng tin cậy.
Hơn 2 năm, bao nhiêu lần thử nghiệm, ông Park vẫn không tìm được sự bổ sung nào đủ tốt cho vị trí đá cắm. Cùng thời gian đó, những vị trí khác đều đã có nhân sự mới chất lượng như Nguyễn Tuấn Anh (tiền vệ), Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Thành Chung (hậu vệ).
Ông Park đã nhiều lần bức xúc và đề nghị các CLB tạo điều kiện cho tiền đạo nội. Ông cũng không ngại nói thẳng lỗi thuộc về V.League.
Ông Park nói không sai.
Việt Phong (áo đỏ) vào sân ở trận Việt Nam gặp Malaysia tại vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Minh Chiến. |
Mùa 2019, 5 vị trí dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới đều là tiền đạo ngoại. 16 trong 17 Vua phá lưới gần nhất là những ông “Tây”. Sở hữu ngoại binh đẳng cấp trên hàng công gần như là tấm kim bài miễn tử cho các CLB ở V.League. Cứ nhìn Samson ghi 7 bàn sau 11 trận, cứu Quảng Nam mùa trước hay Merlo một mình gánh vác Nam Định là hiểu tại sao các CLB không trao cơ hội cho tiền đạo nội.
Họ hiểu rõ vấn đề của ông Park, nhưng cũng có khó khăn của mình. Thành tích của tuyển Việt Nam không thể cứu họ được, họ cần tự cứu mình tại V.League.
HLV Lê Huỳnh Đức nói thẳng: “Áp lực từ các CLB bắt buộc HLV phải có thành tích, giành chiến thắng nhiều hơn. Các HLV ưu tiên cho cầu thủ ngoại bởi họ to, cao, khỏe mạnh còn cầu thủ nội nhỏ con, hiệu quả ghi bàn lại không bằng cầu thủ nước ngoài. Kể cả thầy Park Hang-seo, nếu ông ấy làm ở CLB, chịu áp lực, thì ông ấy cũng sẵn sàng dùng cầu thủ ngoại thôi”.
Quan điểm của Huỳnh Đức cũng được HLV Troussier chia sẻ với Zing: “Tất cả đội bóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay trên thế giới đều gặp vấn đề tương tự. Tin tôi đi, đó không phải vấn đề của riêng Việt Nam”.
Park chắc chắn hiểu điều đó. Ngày còn làm việc ở cấp CLB, ông cũng không phải ngoại lệ.
Sự vượt trội của các tiền đạo ngoại ở V.League góp phần khiến tuyển quốc gia có ít lựa chọn trên hàng công. Ảnh: Minh Chiến. |
HLV Park có dùng tiền đạo ngoại ở CLB?
Giai đoạn thành công nhất sự nghiệp của ông Park ở cấp độ CLB là 3 năm gắn bó với Chunnam Dragons tại K.League 1. Khi đó, tiền đạo cắm chủ lực của ông là Adriano Chuva. Anh đã ghi 10, 16 và 6 bàn sau 3 năm cho Chunnam. Giai đoạn này, Park cùng CLB giành á quân League Cup Hàn Quốc, tham dự AFC Champions League, đỉnh cao của bóng đá châu Á ở cấp CLB.
Adriano Chuva mang quốc tịch Brazil, cao 1,86m, to, khỏe, chơi đầu tốt. Anh giống mẫu trung phong đang khuynh đảo V.League ngày nay.
Khi Chunnam của Park gặp Gamba Osaka của HLV Akira Nishino tại Champions League 2008, tiền đạo cắm duy nhất được dùng vẫn là một người Brazil mang tên Victor Simoes.
Khác với đội tuyển quốc gia bị giới hạn bởi quốc tịch cầu thủ, các CLB không có rào cản nào. Họ được phép chiêu mộ những cầu thủ tốt nhất bất kể quốc tịch, miễn là phù hợp với năng lực tài chính. Ông Park cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó và không phải người duy nhất hay đầu tiên làm điều đó.
Khi Henrique Calisto dẫn dắt Đồng Tâm Long An trong giai đoạn 2003-2008, hai chân sút chủ lực của ông là Antonio Carlos và Kabanga Tshamala. Dù được ưu ái, Nguyễn Việt Thắng cũng chỉ luân phiên đá cắm với những ngoại binh này. Hiệu quả thi đấu sau đấy đã chứng minh Việt Thắng hay những “ông Tây” mới là người quan trọng.
Henrique Calisto hay Alfred Riedl đều từng ưu tiên ngoại binh trên hàng công trong thời gian làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
HLV Alfred Riedl cũng tương tự. Khi dẫn dắt Hải Phòng năm 2008 và 2019, hai chân sút hàng đầu của ông là Elenildo De Jesus và huyền thoại Leandro.
Giống như Park Hang-seo, Calisto và Riedl đều nhiều lần nói về những bất cập của V.League. Khi chuyển xuống làm việc ở cấp độ CLB, họ đều đã hành động vì lợi ích lớn nhất của đội bóng chủ quản, dù lợi ích ấy nhiều khi mâu thuẫn với điều tuyển Việt Nam cần.
Lựa chọn của Calisto, Riedl hay Park Hang-seo ngày còn ở Hàn Quốc nói rằng mâu thuẫn giữa quyền lợi của CLB và đội tuyển quốc gia là câu chuyện muôn thuở. Các HLV tuyển quốc gia không sai, nhưng CLB cũng có cái lý của riêng họ. Ông Park cần nội binh đá cắm để tuyển quốc gia mạnh hơn nhưng điều đó đồng nghĩa với “án tử” dành cho CLB trên hàng công. Đôi bên đều hành động vì lợi ích lớn nhất của mình. Tiền đạo nội - tiền đạo ngoại không phải là câu chuyện có một bên đúng và một bên sai. Nói như HLV Troussier, cả thế giới cũng gặp vấn đề tương tự chứ không chỉ tuyển Việt Nam.
Hai thập niên qua, chưa ai thay đổi được trật tự của những sát thủ ngoại binh ở V.League. Đó đơn giản là thực tại mà chúng ta phải chấp nhận. Khi không thay đổi nó, điều cần làm là chấp nhận thực tại và xoay xở với mọi thứ ta có.
Bởi nếu có tương lai Park Hang-seo ở V.League, ông chắc sẽ hành động giống Riedl hay Calisto mà thôi.