Phút 59, Rimario Gordon nhận đường chuyền dài. Anh đỡ bóng một nhịp, ngoặt qua Trương Trọng Sáng, rướn lên chạy vượt khỏi sự truy cản của Damir Memovic và sút chuẩn xác, hạ gục nốt thủ môn Trần Bửu Ngọc.
Một bàn thắng theo kiểu “tự làm, tự ăn” thường thấy ở V.League, khi các tiền đạo ngoại có thể đánh bại cả hàng thủ đối phương dù không có đồng đội nào hỗ trợ. Từ đội yếu đến đội mạnh, phần lớn đều có một tiền đạo như thế, trừ HAGL.
Memovic chưa thể hiện được giá trị ở HAGL. Anh dễ dàng để Rimario vượt qua, ghi bàn thắng thứ 3 cho CLB Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng. |
Ngoại binh HAGL kém thế nào?
3 vòng V.League và một trận đấu ở Cúp Quốc gia là thước đo chưa đủ dài để đánh giá chất lượng cầu thủ. Tuy nhiên, những màn trình diễn của Memovic, Kelly Kester hay Chevaughn Walsh cho thấy bộ ba này chưa thể hiện được nhiều.
Khi Hoàng Vũ Samson được Buriram United mang về rồi... thải loại, đội bóng Thái Lan nhận xét: nếu Samson không trội hơn cầu thủ Thái Lan, CLB này không có lý do để chiêu mộ. Đó là logic tuyển cầu thủ ngoại. Khi anh nhận mức lương cao gấp 5 đến 10 lần cầu thủ bản địa, anh phải thể hiện được đẳng cấp, trình độ cao vượt trội. Nếu cầu thủ ngoại không hơn cầu thủ nội, đó sẽ là thất bại trên cả khía cạnh kinh tế (tiền lương, phí lót tay) lẫn chuyên môn, khi CLB tự vứt bỏ lợi thế của mình.
Memovic là trung vệ hay nhất V.League mùa trước, giúp SLNA có hàng thủ chắc chắn nhất giải. HAGL mang anh về để vá khoảng trống hàng thủ, nhưng sau 3 trận V.League, đội bóng phố núi thủng 6 bàn, trung bình 2 bàn mỗi trận, cao hơn số bàn thua trung bình mỗi trận mùa trước (1,77 bàn). Memovic nhiều lần để đối thủ qua mặt, đứng chồng chéo vị trí với đồng đội, và hơn hết, là không thể hiện được khả năng bao quát, chỉ đạo hàng thủ.
Tuấn Anh bất lực khi cầu thủ ngoại không tuân thủ chiến thuật. HAGL luôn có 2 tháng trước mùa giải để thử chân, kiểm chứng ngoại binh, nhưng hầu hết hợp đồng mang về đều thất bại. Ảnh: Minh Chiến. |
Một trung vệ bản lĩnh sẽ biết xốc dậy tinh thần các hậu vệ còn lại. Trước Viettel, HAGL thủng lưới 3 bàn chóng vánh trong 10 phút. Trước CLB Hà Nội, con số là 3 bàn trong 25 phút. Thủng lưới liên tục trong thời gian ngắn không chỉ là yếu kém về chuyên môn, đó còn là vấn đề tinh thần và tổ chức. Memovic là đội phó, chỉ huy ở hàng phòng ngự, trách nhiệm phải thuộc về anh.
Kester là một thất bại khác. Cầu thủ này là tiền vệ, được kéo về đá trung vệ trong hệ thống phòng ngự 3 người của HLV Lee Tae-hoon. Khác với những trung vệ xuất thân là tiền vệ của CLB Hà Nội như Đậu Văn Toàn hay Đỗ Duy Mạnh, Kester gây thất vọng sâu sắc. Anh mắc sai lầm trực tiếp ở 2 trong số 3 bàn thua trước CLB Hà Nội. Được đẩy về đá tiền vệ, sau đó là tiền đạo, Kelly vẫn chơi lóng ngóng, chất lượng chỉ ở mức trung bình. Walsh cũng là nỗi thất vọng, dù HAGL đã chờ đợi cầu thủ này hồi phục từ mùa giải trước.
Một đội bóng mà cả ba “ông Tây” đều chơi dưới sức không thể là đội bóng chiến thắng. Nhìn sang phía đối diện, ngoại binh của CLB Hà Nội ở đẳng cấp hoàn toàn khác. Victor Moses làm chủ khu trung tuyến, Pape Omar xứng đáng với những tháng ngày từng đá UEFA Champions League còn Rimario ghi trực tiếp 2 bàn. CLB Hà Nội thắng không hoàn toàn nhờ cầu thủ ngoại, nhưng lực lượng này đóng vai trò tạo nên khác biệt.
Rimario (áo vàng) chơi dở tệ ở HAGL nhưng đá rất tốt ở Thanh Hóa và CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến. |
Dấu hỏi về công tác tuyển mộ
Nhiều CĐV thách CLB Hà Nội bỏ hết ngoại binh ra để đá với HAGL. Xét về chất lượng, nội binh đội bóng phố núi không hề kém. Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Phong Hồng Duy vẫn là những cầu thủ tốt. Dẫu vậy, HAGL không thể chờ các đối thủ bỏ ngoại binh ra để đá. Đây là cuộc chơi sòng phẳng.
Tự thân các CLB phải tìm kiếm cầu thủ ngoại giỏi. Lịch sử chỉ ra rằng các đội bóng có thành tích tốt đều phải đi cùng ngoại binh chất lượng. CLB Hải Phòng giành ngôi á quân mùa 2016 nhờ bộ đôi Errol Stevens - Diego Fagan. Bruno Cunha ghi 15 bàn lượt về giúp Viettel đi từ nửa sau đến giữa bảng xếp hạng. Thanh Hóa đứng nhì V.League trong 2 năm nhờ những Omar, Uche Iheruome...
Nhiều đội V.League có thể phụ thuộc nhiều vào ngoại binh, dẫn đến cầu thủ nội thiếu đất diễn, nhưng trong bóng đá, chiến thắng là trên hết. Nếu biết cách phát triển cân đối, ngoại binh có thể trở thành bàn đạp để nội binh bay cao, giống trường hợp của CLB Hà Nội.
Còn ở HAGL, ngoại binh giống như người thừa. Từ năm 2015, đội bóng phố núi đã mang về không dưới 20 ngoại binh, rải đều ở các vị trí thủ môn, hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo, đến từ đủ các châu lục (châu Á, châu Phi, châu Âu). Hầu hết đã thất bại. Có những cầu thủ khiến cổ động viên phải bật cười về trình độ, và không hiểu lý do gì HAGL lại mang về như Felipe Martins hay Kim Jin-seo.
Ngoại trừ Walsh, chưa ngoại binh nào của HAGL trụ lại quá một năm và đóng góp cụ thể vào thành tích chung của đội.
HLV Lee Tae-hoon có quá ít lựa chọn, hay ông không có cái nhìn đủ sắc sảo để phát hiện cầu thủ giỏi? Ảnh: Minh Chiến. |
Nhiều trường hợp ngoại binh thất bại ở HAGL rồi thành công tại CLB khác, hoặc ngược lại. Sau khi rời HAGL với cả giai đoạn lượt đi không ghi bàn, Rimario có 12 pha lập công cho Thanh Hóa, cùng với Omar hợp thành bộ đôi tấn công lợi hại giúp đội bóng xứ Thanh giành ngôi á quân mùa 2018. Sang CLB Hà Nội, dù có tới 8 tháng không thi đấu, Rimario vẫn lập cú đúp ngay ở trận ra mắt.
Màn trình diễn chói sáng của Rimario khi rời HAGL và sự lúng túng của Memovic khi đến sân Pleiku còn nói lên vấn đề khác: dường như HAGL cũng không phải đất lành để các ngoại binh thể hiện. Cầu thủ ngoại giỏi đến mấy, cũng cần một hệ thống chất lượng để phát huy hết khả năng. Hệ thống hiện tại của HAGL hình như không phù hợp.
Mà hệ thống HAGL đó là gì? Ngoài bốn đương kim tuyển thủ quốc gia, nội binh còn lại của HAGL chỉ ở mức vừa đến non kém, phần lớn thiếu kinh nghiệm, không đủ đẳng cấp chơi V.League. Ghế HLV cứ vài tháng lại đổi chủ một lần. Đó không phải hệ thống lý tưởng để các cầu thủ chứng minh năng lực.
Ngoài công tác tuyển chọn, bộ khung và cách vận hành lối chơi của HAGL cũng có vấn đề, khiến nơi đây trở thành đất dữ với ngoại binh.