Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợ cóc

Ở Hà Nội dường như nơi đâu đông người là sẽ sinh ra chợ, để tiện mua bán. Cuộc sống hiện đại, nhiều thứ đã thay đổi, nhưng chợ cóc vẫn còn đó như một phần linh hồn của phố phường.

Ky uc Ha Noi anh 1

Người dân mua hoa ở một góc chợ trên đường Hoàng Hoa Thám. Ảnh: L.Đ.

Chẳng biết cụm từ “chợ cóc” có từ bao giờ. Tuyệt không thấy trong bất kỳ cuốn từ điển nào. Có thể nó sinh ra sau thời thuộc Pháp. Chợ cóc chỉ những cái chợ luôn bị cảnh sát đuổi vì tụ họp sai quy định. Sau hòa bình đã thấy cụm từ này lưu hành ở Hà Nội. Trước đó, Hà Nội có phố Chợ Đuổi là phố Tuệ Tĩnh bây giờ. Đại khái dân họp chợ ở đây suốt ngày bị đuổi đến mức gọi thành tên phố.

Chợ cóc biến hóa khôn lường. Bất cứ nơi đâu trong thành phố cũng có thể thành ngay một cái chợ cóc. Từ đường to, phố lớn cho đến ngõ ngách đông vui. Từ cổng trường, nhà máy, công sở cho đến khu chung cư thấp tầng và cao tầng.

Người Hà Nội nhiều năm nay quen với việc bước chân ra cửa gặp ngay một cái chợ cóc mới toanh. Đầu tiên là một bà bán rau với thập cẩm hàng hóa bày trên vỉa hè. Ngày hôm sau có thêm bà bán đậu phụ chở đôi thùng đến góp chiếu. Hôm sau nữa là mẹt thịt lợn với vài chậu cá sống.

Sau nữa đến mẹt thịt gà và mấy sọt hoa quả dỡ ra xanh chín tưng bừng. Cuối cùng là những chiếc xe đạp chở hoa dừng chân ngay dưới lòng đường sặc sỡ góp mặt. Vậy là thành cái chợ cóc đủ món.

Chợ cóc mang tính cơ động rất cao. Buổi sáng họp trên vỉa hè chỉ được đến bảy giờ là cùng. Hàng hóa gọn nhẹ xếp trước lên xe máy chỉ chờ chiếc xe bán tải của lực lượng tự quản phường đến là nổ máy rút lui. Ngày nào cũng họp chợ và ngày nào cũng đuổi. Chậm chân bị thu mất đồ nghề lại về phường nộp phạt để mai còn có cái đi chợ.

[…]

Không phải chợ cóc nào cũng đáng chán như thế. Hà Nội có cái hợ cóc vĩ đại nhất là chợ sinh vật cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám. Nó tự phát ra đời đã vài chục năm. Và người Hà Nội đã rất đỗi thân quen với nó. Chợ ban đầu họp vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Vài người bán cây cảnh, chó mèo dạo tụ tập ở đấy. Nó duy trì họp phiên vào ngày mùng bốn và ngày mùng chín như chợ Bưởi phía cuối đường.

Đến tận bây giờ dù rằng ngày nào cũng đông vui tấp nập nhưng dân Hà Nội vẫn nhớ ngày phiên. Thật ngạc nhiên là chính cái chợ Bưởi có tuổi đời vài thế kỷ giờ đây vắng hoe kể cả đúng phiên.

Ngày thường chỉ có cửa hàng cố định trên phố mở cửa. Những cửa hàng này cũng đều mới ra đời theo sự phát triển của cái chợ cóc ngay cửa nhà mình. Ngày phiên dân bán dạo tập trung kín đường. Giá rẻ hơn hẳn và chủng loại cây cảnh cũng phong phú hơn nhiều. Thế nhưng nó vẫn chỉ là chợ cóc thôi. Đuổi đâu chạy đấy.

[…]

Người Hà Nội cả mới lẫn cũ vẫn chưa thể quen được với một cái chợ không có chuyện mặc cả như siêu thị. Công đoạn mặc cả không chỉ liên quan đến chuyện đắt rẻ mà còn là chỗ giao lưu tìm hiểu chính thứ mình quan tâm. Con cá mớ rau, cây cảnh, vật nuôi sẽ được cả bên bán lẫn bên mua định ra giá trị gần với sự thật nhất.

Đỗ Phấn/ NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY