Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bún cá Hà Nội

Bún cá là món ăn được những người xa xứ mưu sinh mang tới mảnh đất này. Người Hà Nội đã chào đón và yêu thích nó sau cái buổi ban đầu có chút ngại ngùng.

Ky uc Ha Noi anh 1

Bún cá là món ăn sáng ưa thích của nhiều người, bởi vị thanh nhẹ. Ảnh: T.Q.

Khoảng hai chục năm trở lại đây, món bún cá đã chính thức du nhập vào làng ẩm thực Hà Nội. Nói như thế không có nghĩa ngày trước ở Hà Nội không có món này. Nó đã từng được các bà nội trợ Hà Nội nấu ở quy mô gia đình từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, để mang được món ăn ra phố phục vụ những cái miệng sành ăn nhất nước là chuyện không dễ.

Đã thế, Hà Nội từ xa xưa đã có đến hàng chục món ăn nổi tiếng chế biến từ bún. Bún thang, bún chả, bún đậu mắm tôm, bún bung, bún ngan, bún mọc, nem cuốn bún tôm, bún riêu, bún ốc…

Quãng hơn hai chục năm trước Hà Nội chỉ có vài hàng bún cá loanh quanh ở phố Hồng Phúc gần đầu cầu Long Biên. Bán hàng là những người Hải Phòng nhập cư chưa lâu. Món ăn này lúc ấy không đắt hàng lắm, bởi thói quen ăn sáng lót dạ của người Hà Nội.

Sáng dậy ăn món đồ tanh như cá đúng là chuyện đáng nghĩ ngợi. Thực ra cái kỹ tính trong chuyện ăn uống này đã làm người Hà Nội chậm nhiều nhịp khi tiếp cận với những món ăn từ các vùng khác mang đến.

Nhưng rồi khách khứa đông dần. Người Hà Nội cũ ăn sáng bằng bún cá cũng đông dần. Đơn giản vì người nấu cũng dần dà điều chỉnh từ nồi nước dùng, cho đến lựa chọn con cá, mớ rau để hợp với khẩu vị đất này.

Vài người đàn ông là dân nhậu chính cống dĩ nhiên không ngần ngại ăn món tanh vào lúc sáng sớm. Họ đã có vài chén rượu trắng đệm vào. Rau sống cũng cẩn thận chan giấm, rắc muối đảo đều như rau trộn. Chiếc đầu cá trắm bổ đôi rán giòn, chần qua nước dùng đến mức tan biến gần như toàn bộ xương trong miệng.

Rau kinh giới, tía tô, rau mùi, hoa chuối tím, ngổ thơm chát đưa cay. Hết miếng đầu cá mới đến bát bún chan nóng hổi đưa ra. Chả cá mỏng tang xếp lẫn với những miếng cá ướp nghệ rán vàng ươm bên cạnh vài miếng cà chua chín đỏ và hành, thìa là. Mùa đông rau cần, mùa hè dọc mùng chần xanh mướt mát. Nước dùng ninh xương ống lợn và xương cá dìu dịu chua. Trông bát bún rất đầy đặn nhưng lại nhẹ nhàng cho một bữa sáng.

Đàn ông mà đã có mặt ở những quán bún cá như thế, tất nhiên làm cho đàn bà hết mọi ngại ngần. Dù rằng cánh đàn ông Hà Nội đi ăn sáng cùng đàn bà không nhiều, nhưng ở quán bún cá thường gặp được cả đôi. Cọc cạch hay chính chuyên cũng là. Hình như đàn bà Hà Nội vui vẻ tin tưởng đức lang quân của mình nhất là vào bữa sáng? Có mặt nặng mày nhẹ gì cũng đợi đến bữa trưa.

Tiếng đồn lan nhanh. Chỉ trong vài năm con phố ngắn Hồng Phúc đã mở ra đến năm, sáu hàng bún cá. Và cũng bởi món ăn này không quá cầu kỳ phức tạp trong khâu chế biến. Không có nhiều hàng bún cá như ở Hải Phòng, đến mức gần như phố nào cũng có vài quán, Hà Nội cũng đua nhau mở hàng bún cá khoảng hơn chục năm trước.

Nhưng lạ thế, số hàng tồn tại được cho đến hôm nay cũng không nhiều. Ngay tại phố Hồng Phúc thì cũng chỉ còn lại hai hàng. Và hàng đông khách nhất lại nằm tít sâu trong ngõ. Hàng quán phải đóng cửa dĩ nhiên cũng chỉ có một lý do mà thôi, vắng khách.

[…]

Đã có khá nhiều món ngon từ các miền khác mang về Hà Nội. Lươn “trui” ống nứa xứ Nghệ mở quán trên đường Nghi Tàm. Canh bánh đa cá rô Thái Bình mở dưới phố Tuệ Tĩnh. Bún cá rô đồng Hưng Yên ở mạn Gò Đống Đa. Gỏi nhệch Ninh Bình mở trên đường Âu Cơ… Nhưng có lẽ những hàng quán ấy cũng không thể mở thêm nhiều địa chỉ. Gần như những thứ quá đặc biệt ấy chỉ đủ sức cung cấp và hợp khẩu vị của chính những người con quê hương nhập cư Hà Nội.

Dù rằng bún cá Hà Nội ban đầu do người Hải Phòng đưa lên đây nhưng giờ đã mang hẳn phong vị đất này và trở thành món quà sáng phổ thông. Giờ muốn ăn bún cá thật sự Hải Phòng phải xuống dưới Xã Đàn mới có. Không ngon hơn bún cá Hà Nội nhưng trông sức vóc bát bún đầy đặn quê mình cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ.

Đỗ Phấn/ NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY