Tỷ lệ mất cân bằng giới tính là nỗi nhức nhối ở Ấn Độ. Ảnh: CNN |
Trong xã hội bảo thủ, trọng nam khinh nữ ở Ấn Độ, những cô dâu tốt nghiệp đại học không phải lựa chọn của gia đình các chú rể. Phần lớn các gia đình đều muốn những cô dâu sống lủi thủi, ít học. Họ chỉ cần cô dâu sạch sẽ, biết chăm lo cho gia đình, sinh con và sẵn sàng sống cùng nhà với những người anh, em độc thân của chồng, CNN đưa tin.
Tuy nhiên, hủ tục này gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng trong xã hội Ấn Độ. Các cặp vợ chồng tìm tới các cơ sở y tế để kiểm tra giới tính thai nhi trước khi tiến hành thủ thuật bỏ thai gái. Việc lựa chọn giới tính thai nhi khiến nhiều người không thể tìm được vợ vì số cô dâu ít ỏi ở nơi họ sống. Họ tới những bang khác để tìm vợ thông qua những người môi giới.
Narinder, một giáo viên, là nạn nhân bất đắc dĩ của hủ tục trọng nam khinh nữ. Anh sẵn sàng bỏ tiền để tìm một người vợ từ chợ cô dâu. Những người như Narinder khiến nhiều cô gái sống ở những khu vực xa xôi hẻo lánh bị dụ dỗ hoặc bắt cóc để mang bán. Nó gây ra những tình cảnh ngang trái trên khắp đất nước đông dân thứ hai thế giới.
Một cặp vợ chồng gia ở bang Assam không cầm được nước mắt khi nhìn tấm ảnh nhỏ xíu của cô con gái. Bức ảnh hoen ố vì thấm nước là tất cả những gì gợi nhớ tới gương mặt của Jaida, cô con gái 16 tuổi, của họ. Cô bé biến mất hai năm trước khi nói chuyện cùng người lạ bên bờ sông Brahmaputra, nơi gia đình họ sống vật vờ sau một trận lũ lớn.
Họ hoàn toàn không hay tin gì về con gái kể từ thời điểm đó. Hi vọng cuối cùng của họ tắt hẳn khi Shafiq Khan, một nhà hoạt động nhân quyền, tới khu vực để tìm hiểu nguyên nhân hơn 3.000 phụ nữ mất tích tại bang Assam trong năm 2012. Trung bình, mỗi ngày có 10 phụ nữ ở bang này biến mất. Một số người được tìm thấy nhưng phần lớn đều biệt tăm mãi mãi.
Hai cô dâu bị bán Tasleema và Akhleema. Ảnh: CNN |
Các bang miền đông Ấn Độ như Assam, Jharkhand, Tây Bengal và Odisha là điểm nóng của nạn buôn bán cô dâu vì tỷ lệ mất cân bằng giới tính quá lớn. Người dân sống ở khu vực này bảo thủ và giàu có hơn nhiều so với các bang ở tây bắc Ấn Độ. Điều kiện sống tốt kéo theo số lượng lớn ca lựa chọn giới tính thai nhi có chọn lọc.
Bên cạnh những trường hợp bị bắt cóc, nhiều cô gái bị chính bố mẹ ruột bán đi vì quá nghèo. Tasleema và em gái của cô là Akhleema sống ở Kolkata. Gia đình nghèo túng khiến bố mẹ nhẫn tâm bán các cô cho bọn buôn người. Sau nhiều lần bị buôn qua, bán lại, họ được hai anh em trong một gia đình mua lại làm vợ.
Những cô dâu được mua về như Tasleema và Akhleema thường phải làm mọi việc trong gia đình từ sáng tới tối. Nhiều lúc, họ bị đánh đập và lạm dụng. "Ngay cả trẻ con trong làng cũng đối xử với chúng tôi như những con chó", Tasleema kể lại cuộc sống ở nhà chồng. Đó là cái giá mà các cô phải trả khi người mua chị em cô về làm vợ phải trả 2.000 USD cho bọn buôn người, số tiền không nhỏ ở các làng quê Ấn Độ. Tuy nhiên, chồng các cô cũng bị coi thường vì phải đi mua vợ thay vì tìm được một cô gái ở quê nhà để kết hôn.