Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chính trị gia tham vọng trở thành nữ tổng thống Pháp đầu tiên

Bà Valerie Pecresse, người tự miêu tả bản thân là sự kết hợp của Margaret Thatcher và Angela Merkel, sẽ đại diện đảng Cộng hòa Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4/2022.

ung vien tong thong Phap anh 1

Trong cuộc tranh luận trên truyền hình gần đây, một trong những ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm sau nói rằng nếu đắc cử, bà sẽ xóa bỏ những khu vực "không giống như là đang ở nước Pháp".

Ứng viên này muốn nói đến những khu dân cư có tỷ lệ phạm tội cao, nơi mà "người già phải ở trong nhà" vì việc mua bán ma túy diễn ra ngay bên ngoài nơi ở của họ.

Nữ chính trị gia cũng cho biết nếu trở thành tổng thống, bà sẽ nhờ đến sự trợ giúp của quân đội để "tái chinh phục" những khu dân cư như vậy, và tăng mức hình phạt cho các hành vi phạm tội.

"Chúng ta phải loại bỏ những khu vực này. Đó là điều tôi sẽ làm nếu trở thành tổng thống của nền cộng hòa", nữ ứng viên nói.

Những lời hứa có phần cực đoan như vậy lại không đến từ Marine Le Pen - lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia - mà từ Valerie Pecresse, ứng viên trung hữu của đảng Cộng hòa Pháp.

ung vien tong thong Phap anh 2

Bà Valerie Pecresse vượt qua 4 ứng viên nam giới để trở thành người phụ nữ đầu tiên ra tranh cử tổng thống Pháp cho đảng Cộng hòa. Ảnh: REX.

Ứng viên bất ngờ

Bà Pecresse mới đây đã chiến thắng trong cuộc bầu cử nội bộ để chính thức trở thành ứng viên cho đảng Cộng hòa Pháp trong cuộc tổng tuyển cử năm sau.

Kể từ thời kỳ của Jacques Chirac và Nicholas Sarkozy, đảng Cộng hòa Pháp chưa quay lại lãnh đạo chính trường gần 2 thập niên.

Giờ đây, bà Pecresse chính là niềm hy vọng lớn nhất của đảng trong cuộc bầu cử sắp tới. Nữ chính trị gia 54 tuổi khá thành công trong chiến dịch vận động ban đầu, khi sử dụng ngôn từ có phần bảo thủ - thường được sử dụng bởi các ứng viên cực hữu - để thuyết phục các cử tri.

Bà cũng cho biết sẽ áp dụng hình phạt nặng hơn cho cùng một tội danh, nếu nó xảy ra ở một khu vực có tỷ lệ phạm tội cao, so với những nơi khác trên nước Pháp.

Các chuyên gia cho rằng lời hứa này khó khả thi vì nó vi phạm nguyên tắc cơ bản của nền cộng hòa Pháp về sự bình đẳng trước pháp luật.

Mặc dù vậy, các thăm dò sơ bộ cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Pecresse chỉ đứng sau đương kim Tổng thống Emmanuel Macron.

Đối với ông Macron, thách thức đến từ bà Pecresse, một đảng viên Cộng hòa từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ thời Sarkozy, sẽ đáng gờm hơn rất nhiều so với Marine Le Pen - người mà ông dễ dàng đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2017.

Sự nổi lên của bà Pecresse trong bối cảnh nhiều thay đổi diễn ra trên chính trường Pháp. Cho đến mùa hè năm ngoái, hầu hết chuyên gia đều cho rằng cuộc bầu cử năm 2022 sẽ là sự tái hiện của màn đối đầu năm 2017 giữa ông Macron và bà Le Pen.

Nhưng giờ đây mọi thứ trở nên khó đoán hơn nhiều, đặc biệt với sự xuất hiện của Eric Zemmour - một tác giả và nhà bình luận chính trị cực hữu.

Ông Zemmour là chủ tịch Reconquete - một phong trào chính trị cực hữu do chính ông lập ra đầu tháng này, sau khi tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống Pháp vào năm sau.

Mặc dù Reconquete không được dự đoán sẽ giành thắng lợi, việc các cử tri cực hữu chuyển sang ủng hộ ông Zemmour là mất mát lớn của bà Le Pen.

Điều đó được cho là sẽ vô tình tạo lợi thế cho bà Pecresse và đảng Cộng hòa trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử năm tới, dẫn đến một cuộc đối đầu vòng 2 giữa bà Pecresse và ông Macron.

Cũng giống như ông Macron, bà Pecresse tốt nghiệp ENA - lò đào tạo danh tiếng cho những chính trị gia tương lai của nước Pháp. Bà cũng học luật ở HEC Paris - một trường đại học hàng đầu khác. Bên cạnh việc thành thạo tiếng Anh, bà cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Nga và tiếng Nhật.

Và cũng giống như đương kim tổng thống, bà Pecresse có lập trường ủng hộ sự ổn định của Liên minh châu Âu và việc làm ăn của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, trong các vấn đề xã hội, quan điểm của ứng viên đảng Cộng hòa có phần bảo thủ hơn so với ông Macron. Bà từng không ủng hộ việc chính phủ Pháp hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2013, dù đến nay đã thay đổi quan điểm.

ung vien tong thong Phap anh 3

Bà Pecresse và Tổng thống Macron trong một sự kiện hồi năm 2018. Nữ chính trị gia 54 tuổi được dự đoán sẽ là người có đủ khả năng thách thức ông Macron trong cuộc bầu cử năm sau. Ảnh: New York Times.

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là những lời lẽ rất cứng rắn của bà Pecresse trong vấn đề người nhập cư. Cũng giống như các ứng viên trung hữu và cực hữu, bà Pecresse cho rằng những gì đang diễn ra ở Pháp là "ngoài tầm kiểm soát", mặc dù dòng người nhập cư vào quốc gia này đã giảm đều trong một thập kỷ qua.

Ứng viên đảng Cộng hòa còn cho rằng có mối liên hệ giữa việc mở cửa cho người nhập cư và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo, chủ nghĩa khủng bố và tỷ lệ tội phạm.

Bà Pecresse cũng đề xuất việc áp đặt hạn ngạch dành cho người nhập cư dựa trên từng quốc gia, cùng với đó là việc cắt giảm phúc lợi cho nhóm này trong xã hội Pháp.

"Một phần ba Thatcher, hai phần ba Merkel"

Là người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống cho đảng Cộng hòa Pháp, bà Pecresse đã nhắc tới cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Thủ tướng Anh Magaret Thatcher như nguồn cảm hứng cho phong cách lãnh đạo của mình.

Alexandra Dublance, Phó chủ tịch hội đồng của vùng hành chính Ile-de-France (vùng đông dân nhất của Pháp và bao gồm thủ đô Paris), là người đã có một thập kỷ làm việc với bà Pecresse.

Theo người đồng nghiệp lâu năm, bà Pecresse ấn tượng với cựu Thủ tướng Thatcher vì những chính sách cải cách và lòng can đảm của "bà đầm thép".

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Đức Merkel được bà Pecresse mến mộ vì tầm nhìn và khả năng tìm kiếm sự ủng hộ của các thành phần chính trị khác nhau.

Chiến thắng của bà Pecresse trong cuộc tranh cử nội bộ của đảng Cộng hòa Pháp cách đây 2 tuần được coi là một điều bất ngờ, không chỉ với các chuyên gia phân tích mà còn với các đối thủ của bà, bao gồm cả phe của ông Macron.

Bà Pecresse đã đánh bại 4 ứng viên còn lại, đều là nam giới, trong đó có những cái tên đáng gờm như Michel Barnier và Eric Ciotti.

Trong những ngày đầu tiên sau chiến thắng bất ngờ của bà Pecresse, các đồng minh của ông Macron đã họp khẩn để tìm ra chiến lược đối phó với ứng viên này.

"Về các vấn đề nhập cư, bà ấy đứng về phe thiên hữu hoặc gần như là cực hữu", ông Sacha Houlie, một nhà lập pháp thuộc đảng En Marche của ông Macron, nhận định.

Ông Houlie cho rằng đề xuất cắt giảm 200.000 việc làm trong lĩnh vực công của bà Pecresse là một ví dụ về kiểu thắt lưng buộc bụng sẽ gây hại cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Nhưng vào lúc này, thách thức lớn nhất của bà Pecresse là làm sao để thu hút một lượng cử tri đủ lớn, từ cả phe trung dung và phe cánh hữu, để giúp đảng Cộng hòa Pháp giành chiến thắng, ít nhất là trong cuộc bầu cử vòng một.

ung vien tong thong Phap anh 4

Người nhập cư tụ tập tại một khu vực ở thủ đô Paris. Bà Pecresse kêu gọi chính sách cứng rắn với người nhập cư, cho rằng vấn đề này đang "vượt ngoài tầm kiểm soát". Ảnh: AFP.

Cũng giống như phần còn lại của chính trường Pháp, đảng Cộng hòa của bà Pecresse đã dịch chuyển sang bên phải (thiên hữu) nhiều hơn trong những năm gần đây. Đó là nhận định của ông Emilien Houard-Vial, một chuyên gia nghiên cứu về đảng Cộng hòa Pháp tại Đại học Science Po Paris.

"Bà ấy đang chịu nhiều sức ép từ phe cánh hữu", ông Houard-Vial nhận định, nói thêm rằng bà Pecresse sẽ phải đưa ra những cam kết rõ ràng trong các vấn đề như nhập cư, tội phạm, danh tính quốc gia và văn hóa tẩy chay (cancel culture).

Anh tức giận khi Tổng thống Macron gọi Thủ tướng Johnson là 'gã hề'

Bộ trưởng chính phủ Anh cho biết việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi Thủ tướng Anh Boris Johnson là “gã hề” hay “kẻ khờ” không thể giúp ích cho quan hệ song phương.

Tham vọng thay đổi cán cân quyền lực ở EU

Trước sự ra đi của Thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh đạo Pháp cùng Italy là Emmanuel Macron và Mario Draghi sẽ ký một thỏa thuận với hy vọng thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu.

Quốc Thăng

theo New York Times

Bạn có thể quan tâm