Nội dung trên được thể hiện trong Công điện 19, ký ngày 21/8 của Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Lãnh đạo UBND Hà Nội yêu cầu người dân, cơ quan, đơn vị toàn TP thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội thêm 15 ngày đến 6h ngày 6/9 để phòng, chống dịch theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố.
TP kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.
"Chính quyền các cấp, ngành đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc", công điện nêu rõ.
Các đơn vị hỗ trợ điều kiện về tinh thần và vật chất cho lực lượng tuyến đầu đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị toàn TP chăm lo đầy đủ đời sống người dân những ngày giãn cách. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch và đề nghị mỗi người dân thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm… là một pháo đài chống dịch.
"Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Thành phố, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe của người dân và cộng đồng", người đứng đầu chính quyền Hà Nội gửi gắm trong công điện.
Chủ tịch TP đề nghị mọi người dân chấp hành nghiêm và tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Trung ương và TP, các tổ chức, doanh nghiệp cấp và quản lý giấy đi đường cho người lao động theo đúng quy định của TP, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đánh giá và có thể quyết định biện pháp cao hơn phù hợp thực tiễn từng địa phương để kịp thời ngăn chặn nguồn lây trong thời gian ngắn nhất.
Chính quyền các cấp và lực lượng chức năng tăng kiểm tra, kiểm soát đến từng đối tượng, từng tổ chức được phép hoạt động trên địa bàn bao gồm hoạt động tham gia giao thông, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đảm bảo an toàn, chỉ được hoạt động trong khung giờ quy định; tuân thủ việc khai báo bằng mã QR Code; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì tiếp nhận ủng hộ và điều phối hàng hóa, nhu yếu phẩm, công bố đường dây nóng để xử lý kịp thời kiến nghị của người dân, đặc biệt đối với người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp địa phương hỗ trợ người dân gặp khó khăn, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ và tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục, đề xuất bổ sung với những nhóm đối tượng vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao để tránh bị động; chỉ đạo tổ chức truy vết bảo đảm không để sót đối tượng nguy cơ cao (F1).
Các đơn vị nâng cao năng lực xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm theo kế hoạch đảm bảo an toàn, chính xác và trả mẫu trong 12 giờ với đối tượng nguy cơ cao (F1) và trong 24 giờ với các mẫu còn lại.
Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, địa phương nâng công suất, khả năng cách ly tập trung đáp ứng 70.000 chỗ cho F1; kiểm soát chặt chẽ khu cách ly tập trung, hạn chế lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng.
Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng) từ 6h ngày 24/7. Thời gian qua, bên cạnh việc xét nghiệm sàng lọc tại nơi nguy cơ cao, thành phố cũng yêu cầu ngành y tế đẩy mạnh xét nghiệm người ho, sốt; qua đó, phát hiện nhiều ổ dịch nguy hiểm như ở Đông Anh, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.