Gần 10 triệu người dân Hà Nội đang đếm ngược từng ngày, chờ đến mốc 23/8 để biết UBND Hà Nội có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội.
Với số ca nhiễm có chiều hướng đi xuống, cộng với số F0 phát hiện cộng đồng những ngày gần đây thấp, người dân đang hy vọng TP sẽ không cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Tuy nhiên, chuyên gia về dịch tễ nhận định mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Số liệu giảm nhưng vẫn ở mức nghiêm trọng
Theo số liệu từ CDC Hà Nội, từ đầu tháng 8, các ổ dịch lớn với nhiều ca nhiễm mới tập trung tại Đông Anh, Thanh Trì, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai. Đáng chú ý, Thanh Trì và Đông Anh đang dẫn đầu về số ca dương tính phát hiện qua sàng lọc ho, sốt thứ phát với lần lượt 178 và 173 trường hợp (tính từ 1/8).
Dịch bệnh có xu hướng lan rộng với chu kỳ lây ngắn hơn, bằng chứng là 30/30 quận, huyện đều đã phát hiện trường hợp nhiễm nCoV ở đợt dịch thứ 4. Một số ổ dịch như Nhà thuốc Đức Tâm (Đống Đa), Công ty SEI (Đông Anh) bắt đầu tạo chuỗi lây nhiễm rải rác khiến tình hình ở 2 địa phương này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã giãn cách xã hội hơn 3 tuần.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, quyết định có giãn cách tiếp hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dựa vào các số liệu, diễn biến tại thời điểm này, ông cho rằng khả năng TP bỏ giãn cách xã hội là rất thấp.
Chuyên gia nhận định khả năng Hà Nội nới lỏng sau ngày 23/8 là rất thấp. Ảnh: Việt Linh. |
"Số ca nhiễm mới giảm, nhưng điều đáng lo là ngày nào cũng phát hiện F0 ngoài cộng đồng. Chúng ta rất tích cực bóc tách nhưng rõ ràng vẫn không thể hết được. F0 cộng đồng đồng nghĩa với vài chục F1, F2 kèm theo và vẫn có thể kéo dài chuỗi lây nhiễm", ông Tuấn nói với Zing.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng thừa nhận qua đánh giá hơn 3 tuần giãn cách vừa qua, có thể nói dịch đã "ngấm" tương đối sâu trong cộng đồng, việc quét sạch F0 ngay lúc này là rất khó. Bên cạnh đó, số ca nhiễm hàng ngày giảm nhưng ở mức rất nhẹ, không thể khẳng định đây là thành quả bền vững.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết TP sẽ căn cứ vào 2 yếu tố chính để quyết định có kéo dài thời gian giãn cách hay không. Thứ nhất là kết quả xét nghiệm 800.000 mẫu RT-PCR ở đợt sàng lọc thứ 2 (kết thúc ngày 20/8). Và thứ hai, TP sẽ căn cứ vào xu hướng tổng số ca bệnh và số ca cộng đồng của Hà Nội trong những ngày tới tăng hay giảm.
Nếu F0 cộng đồng ở mức rất thấp chỉ 1, 2 ca/ngày và giữ như thể trong vài ngày thì mới tương đối an toàn.
Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn
"Chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên số liệu ca nhiễm mỗi ngày. Nếu F0 cộng đồng ở mức rất thấp chỉ 1-2 ca/ngày và giữ như thể trong vài ngày thì mới tương đối an toàn. Còn trên con số đó, rất khó để nói dịch bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát", ông Tuấn thận trọng.
Bỏ giãn cách là không khả thi
Ông Tuấn cho biết CDC Hà Nội đang tham mưu một số phương án cho lãnh đạo thành phố về biện pháp tiếp theo khi đợt giãn cách xã hội hiện tại kết thúc (6h ngày 23/8). Theo đó, thành phố có thể lựa chọn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 hoặc giảm xuống Chỉ thị 15 hoặc 19 trong 1-2 tuần tiếp theo tùy mức độ và nguy cơ dịch bệnh.
Ngoài ra, thành phố có thể chia vùng nguy cơ thành các khu vực xanh, vàng và đỏ (an toàn, nguy cơ và nguy cơ cao) để áp dụng các biện pháp giãn cách cho từng khu vực.
"Nếu diễn biến dịch cải thiện thì khả quan nhất là sau ngày 23/8, chúng ta có thể hạ mức độ giãn cách từ Chỉ thị 16 xuống còn Chỉ thị 15 hoặc 19. Còn bỏ hẳn giãn cách xã hội sau ngày 23/8 thì gần như là điều không thể", ông Tuấn nói.
Số ca nhiễm mỗi ngày ở Hà Nội vẫn ở mức cao, đến 50-60 ca/ngày. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Bỏ hẳn giãn cách xã hội sau ngày 23/8 gần như là điều không thể.
Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn
"Về mặt chuyên môn, chúng tôi nhận định thành phố cần tiếp tục giãn cách và ít nhất là qua ngày 2/9 để đảm bảo an toàn cho người dân. Đây là thời điểm nguy cơ rất cao, người dân đổ ra đường đi chơi dịp lễ thì toàn bộ thành quả chống dịch có thể đổ vỡ hoàn toàn", ông Tuấn cho biết.
Một điều khác khiến Phó giám đốc CDC Hà Nội lo ngại là việc giảm mức giãn cách xuống thì người dân sẽ không bị bắt buộc ở nhà mà dựa trên tinh thần tự giác, khuyến cáo là chính. Vì vậy, thành phố cũng cần nhìn nhận khả năng nhiều người vẫn bất chấp nguy cơ để ra đường do muốn giải tỏa cho khoảng thời gian giãn cách trước đó.
"Đây là cái khó, chúng tôi sẽ cân nhắc áp dụng kèm theo các biện pháp hạn chế, siết chặt nếu Chỉ thị 16 thay bằng Chỉ thị 15 hay 19. Ví dụ như quy định hạn chế theo khu vực, tăng cường kiểm soát tại các khu vực giáp ranh giữ quận, huyện để hạn chế tiếp xúc giữa khu vực này với khu vực kia", ông Tuấn nói.