Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khi nào Hà Nội có thể dừng giãn cách xã hội?

Có nhiều tín hiệu tích cực sau 3 tuần giãn cách, song chuyên gia khẳng định vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể yên tâm trong lúc này.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 1

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong một tuần qua (từ ngày 13/8), số ca dương tính với SARS-CoV-2 của Hà Nội duy trì ở mức 40-60 ca mỗi ngày.

Điều tích cực là số ca nhiễm cộng đồng tại Hà Nội đã giảm đi rõ rệt, từ việc chiếm tỷ lệ 50-60% tổng số ca mỗi ngày xuống còn khoảng 30%. Đặc biệt ngày 18/8, trong 51 ca nhiễm nCoV chỉ có 1 trường hợp CDC Hà Nội ghi nhận tại cộng đồng.

"Số ca nhiễm không tăng mạnh sau khi TP xét nghiệm diện rộng có thể coi là một thành công, nhưng chưa đủ để ta yên tâm. Với 50-60 ca nhiễm mới mỗi ngày, nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội vẫn rất phức tạp và dễ dàng chuyển biến xấu nếu chúng ta chủ quan", GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) nhận xét.

3 lý do khiến số ca nhiễm chưa giảm

Theo ông Nguyễn Anh Trí, mức độ dịch bệnh tại Hà Nội được giữ ổn định và có xu hướng giảm trong tuần qua. Song, số liệu giảm nhưng chưa thực sự như mong đợi của TP và điều này do 3 yếu tố.

Chỉ cần một chút lơ là lúc này, thành quả Hà Nội đạt được trong 3 tuần qua có nguy cơ bị xóa sổ

GS.TS Nguyễn Anh Trí

Thứ nhất, F0 phát hiện trong cộng đồng còn khá nhiều sau 3 tuần giãn cách cho thấy TP vẫn chưa tìm hết để cách ly triệt để. Thứ hai, các ổ dịch rải rác ở rất nhiều nơi, gần như quận, huyện nào cũng có ca nhiễm. Và thứ ba, dịch bệnh thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, siêu thị, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển khiến nguy cơ tái bùng phát trong thời gian tới vẫn rất cao.

"Nếu chúng ta hài lòng với kết quả này và tự thỏa mãn thì vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một chút lơ là lúc này, thành quả Hà Nội đạt được trong 3 tuần qua có nguy cơ bị xóa sổ", vị giáo sư nói với Zing.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 2

Đến ngày 23/8, Hà Nội sẽ trải qua một tháng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà.

Chia sẻ quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) cho rằng dịch bệnh tại Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Một tuần qua, Hà Nội xét nghiệm diện rộng hơn 300.000 mẫu nhưng số ca mắc không nhiều (29 ca), không xuất hiện các ổ dịch mới và số liệu người dương tính hàng ngày có xu hướng giảm.

Song, ông nhấn mạnh đây là giai đoạn nhạy cảm đối với Hà Nội và TP dễ bị tổn thương về dịch bệnh nếu làm không chặt việc giãn cách xã hội. Nhiều F0 xuất hiện trong khối y tế, công an, nhân viên giao hàng, siêu thị, tiểu thương và cán bộ chốt kiểm soát. Đây đều là những nhóm di chuyển, tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ đối với Hà Nội rất khó lường.

"Nếu F0 nằm trong những nhóm đối tượng này thì khả năng lây lan rất rộng, khó truy vết, khó tìm ổ dịch để phong tỏa triệt để", ông Phu cho hay.

Truy tìm F0 theo nhóm đối tượng thay vì theo địa bàn

CDC Hà Nội công bố kế hoạch đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR 13 nhóm đối tượng nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu trong vòng 3 ngày từ 18/8.

Nhiều F0 xuất hiện trong khối y tế, công an, nhân viên giao hàng, siêu thị, tiểu thương và cán bộ chốt kiểm soát

PGS.TS Trần Đắc Phu

13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu là người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Theo ông Trí, việc thay đổi hướng xét nghiệm diện rộng cho thấy TP đã có điều chỉnh kịp thời trước tình huống mới. Ngay khi nhìn nhận việc 313.000 mẫu chỉ có 29 ca dương tính, Hà Nội đã chuyển sang xét nghiệm sàng lọc theo nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19.

"Đây là những nhóm lao động thực sự đáng lo ngại. Thực tế đã cho thấy rất nhiều ổ dịch phức tạp bắt nguồn từ người trong 13 nhóm này. Như ổ dịch công ty thực phẩm Thanh Nga, Nhà thuốc Đức Tâm, nhân viên giao hàng Viettel Post", ông Trí nói.

Bên cạnh đó, ông nhìn nhận nhóm đối tượng lao động này đang đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội. Họ vẫn làm việc, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.

"Tôi nghĩ họ không chỉ cần được xét nghiệm mà cần ưu tiên tiêm vaccine, để giữ an toàn chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm thiết yếu, dược phẩm, thiết bị y tế để chống dịch", ông Trí kiến nghị.

Cần cảnh giác cho đợt bùng phát mới

Với khả năng kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 23/8 tới, ông Trí cho rằng hiện còn sớm để nói về việc này. Kết quả chống dịch chưa thực sự bền vững, số F0 ngoài cộng đồng còn nhiều, có thể chưa tìm được hết.

"Thành phố đang sàng lọc để bóc tách F0, nên cần thêm thời gian để có thể đánh giá chính xác mức độ hiệu quả của một tháng giãn cách vừa qua, xem có cần thiết thêm hay dừng lại", ông Trí nói.

Hà Nội sẽ có biện pháp, kế hoạch gì để đối phó với khả năng dịch bệnh lây lan trong ngày 2/9 nếu dừng giãn cách?

GS.TS Nguyễn Anh Trí

Vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại nếu Hà Nội dừng giãn cách vào ngày 23/8 tới bởi chỉ sau một tuần, người dân thủ đô sẽ đón đợt nghỉ lễ 2/9. Với tâm lý chung là muốn giải tỏa sau một tháng giãn cách, có thể người dân sẽ đổ ra đường, tụ tập đông người ở các điểm vui chơi, đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao.

"Bài học từ đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đã rất rõ ràng. Hà Nội sẽ có biện pháp, kế hoạch gì để đối phó với khả năng dịch bệnh lây lan trong dịp 2/9 nếu dừng giãn cách?", vị chuyên gia đặt vấn đề.

Còn theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách xã hội bởi cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

"Trước mắt cần làm chặt việc giãn cách trong những ngày còn lại, tranh thủ thời gian xác định nguồn dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Trong 1 triệu xét nghiệm mà TP sắp làm, nếu số liệu không đột biến, số F0 cộng đồng thấp thì tình hình cơ bản đã ổn định, có thể nghĩ đến dừng giãn cách xã hội", ông Phu nói.

Hà Nội tìm người từng đến cơ sở giết mổ Minh Hiền

CDC Hà Nội tìm người từng đến cơ sở giết mổ gia súc Minh Hiền (cụm công nghiệp Bích Hòa, huyện Thanh Oai) từ ngày 31/7 đến 13/8 do liên quan 2 ca mắc Covid-19.

Hơn 600 người ở gần Bệnh viện Hà Đông âm tính lần 1 với SARS-CoV-2

Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết mẫu xét nghiệm của 121 y, bác sĩ làm việc tại bệnh viện và hơn 600 người cư trú gần đó đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Sơn Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm