Trong tháng 4, Shopee điều chỉnh chính sách trả hàng, hoàn tiền cho người mua trên nền tảng. Điều này giúp khách hàng sớm nhận được tiền, đơn giản hơn trong thủ tục sau mua sắm.
Tuy nhiên, chính sách mới khiến nhiều chủ cửa hàng khổ sở khi tạo điều kiện để những đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.
Nới lỏng chính sách hoàn tiền
Cụ thể, theo thông tin được chia sẻ trên cộng đồng người bán hàng Shopee, từ ngày 18/4, nền tảng áp dụng chính sách hoàn tiền tự động, không cần trả hàng khi người mua khiếu nại.
Shopee cho biết từ ngày 18/4, nền tảng trực tiếp ghi nhận và xử lý yêu cầu hoàn tiền, trả hàng, hỗ trợ giải quyết tình huống khó xử. Bộ chính sách mới của Shopee được bổ sung thêm điều khoản nếu khách không có lịch sử vi phạm quy định sẽ được hoàn tiền ngay lập tức, không cần trả hàng và sự đồng ý của phía người bán.
Nhiều đơn hàng được Shopee hoàn tiền mà không cần trả hàng. Ảnh: NTT. |
Trao đổi với Zing, đại diện Shopee cho biết các chính sách hoàn tiền, trả hàng giúp đem đến trải nghiệm mua sắm bảo mật, an toàn trên nền tảng. Tuy nhiên, Shopee không nêu rõ các tài khoản dạng nào, hàng hóa ở mức tiền bao nhiêu sẽ được áp dụng chính sách hoàn tiền ngay lập tức.
“Chính sách trả hàng, hoàn tiền này từng được áp dụng cho tất cả đơn hàng của Shopee Mall trước đó và đã hỗ trợ khách hàng, người bán rất lớn trong việc xử lý các trường hợp khiếu nại có nhiều tình tiết phức tạp, khó khăn”, đại diện Shopee nói với Zing.
Cụ thể, số tiền được dùng để trả cho khách hàng trong các trường hợp này được Shopee chi trả. Chi phí sẽ được bồi hoàn bởi người bán hàng sau khi hàng được trả lại. Shopee cũng cho thời gian để chủ gian hàng khiếu nại, cung cấp bằng chứng về lý do trả hàng, hoàn tiền.
Chính sách có lỗ hổng để bị lợi dụng
Tuy giúp nâng trải nghiệm mua sắm của khách hàng, chính sách mới của Shopee lại bị phản ứng tiêu cực bởi nhiều người bán trên nền tảng. Theo các chủ shop, người mua có thể lợi dụng chính sách này để đưa ra các phản hồi sai lệch về món hàng nhằm giữ lại sản phẩm và được hoàn tiền.
“Hôm 18/4, Shopee thông báo tôi có một đơn hàng được áp dụng hoàn tiền, không cần trả hàng. Người mua chụp ảnh và cho biết cáp sạc bị vỡ. Nhưng cáp sạc điện thoại dẻo như thế làm sao mà vỡ được”, ông Nguyễn Thanh Tùng, người bán hàng trên Shopee với doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng nói với Zing.
Có nhiều cách để khách hàng lợi dụng chính sách hoàn tiền của Shopee, chiếm đoạt sản phẩm. Ảnh: L.H.S. |
Người bán này cho rằng chính sách mới tuy tốt cho chất lượng dịch vụ nhưng không công bằng cho chủ shop, cần chỉnh sửa để hoạt động minh bạch hơn. “Shopee yêu cầu người bán quay video từ lúc đóng gói đến khi gửi shipper để làm bằng chứng là không khả thi. Mỗi ngày tôi đóng cả nghìn đơn, sao mà quay video cho hết”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, bà Thủy Tiên, một người kinh doanh điện thoại di động trên Shopee cho biết đã nghe nhiều chủ shop khác nhắc về việc bị mất hàng nhưng bản thân chưa gặp.
“Trên hội người bán hàng Shopee, rất nhiều người báo bị dính hoàn tiền, không trả hàng. Họ nói những sản phẩm giá dưới 700.000 đồng sẽ được áp dụng chính sách này. Nhưng tôi bán điện thoại, giá trị cao hơn nên không lo lắm”, bà Tiên nói.
Ngoài ra, bà Thủy Tiên cũng cho biết nhiều mẹo lợi dụng chính sách đang được chia sẻ, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng.
“Gần đây tôi xem TikTok, có nhiều người hướng dẫn các mẹo lợi dụng chính sách để lấy hàng, sử dụng món đồ trong vài ngày rồi báo sản phẩm bị lỗi, yêu cầu trả hàng hoàn tiền”, người bán này nói thêm.
Tài khoản kêu gọi người tham gia lợi dụng chính sách để "bom hàng" Shopee. |
Trên Google Play Store, ứng dụng Shopee nhận thêm hàng trăm lượt đánh giá 1 sao từ người bán hàng từ sau ngày 18/4. "Chính sách ngày càng tệ, ép người bán quá đáng. Hoàn tiền mà không cần trả hàng, không có bằng chứng cụ thể, dễ dàng tạo cơ hội cho nhiều người lừa đảo, tráo hàng của bên bán", người dùng Trần Phương Hà chia sẻ.
"Shopee là nền tảng bán hàng tệ nhất. Với chính sách khách nhận hàng thấy không ưng, không thích là được hoàn tiền giúp nhiều đối tượng lừa đảo, dùng chùa rồi trả hoặc lấy luôn. Hiện có nhiều hội nhóm lập ra để tận dụng lỗ hổng kiếm lời", tài khoản Ngô Đức Trung đánh giá 1 sao và nhận xét.
Bên cạnh đó, lượng hàng bị hoàn của mỗi gian hàng cũng không giống nhau. Trên hội nhóm người bán hàng Shopee, có người bán bị hoàn trả tới 50% số lượng sản phẩm gửi đi. Cũng có những chủ shop chỉ bị trả lại 1-2 đơn trên cả nghìn sản phẩm bán ra.
Người bán thích nghi với thay đổi
Do mức độ ảnh hưởng khác nhau, mỗi người bán lại có cách ứng phó riêng cho chính sách mới. Ông Nguyễn Thanh Tùng chuyên kinh doanh mặt hàng phụ kiện điện thoại, có giá trị thấp nên lo ngại vấn nạn trả hàng. Người bán này cho biết phải đóng gian hàng trong vài ngày để xem xét tình hình trước khi mở lại gần đây.
Chủ gian hàng phải đóng cửa sau khi chính sách mới của Shopee được áp dụng. Ảnh: S.L.G. |
“Nền tảng này là của họ, sân chơi của họ. Mình kinh doanh trên đó thì việc này phải xem như một xác suất xảy ra rủi ro vậy”, ông Tùng nói. Người bán này cho biết sẽ vẫn duy trì kinh doanh trên Shopee và mở rộng lên các kênh bán hàng khác.
Đồng quan điểm, bà Uyên Nhi, một người kinh doanh mặt hàng thời trang trên Shopee cho biết việc chính sách bị lợi dụng trên nền tảng như một rủi ro trong việc kinh doanh. Do đó, người muốn bán hàng online buộc phải chấp nhận nếu không muốn đóng cửa.
"Bây giờ người bán cố gắng chịu khó quay lại video lúc đóng gói, giao hàng đi. Dù không chắc chắn thắng khi tranh chấp nhưng đó là cách duy nhất", bà Nhi nói.
Trong khi đó, bà Thủy Tiên cho biết mức độ ảnh hưởng đến việc bán hàng của mình không nhiều, Shopee vẫn là nền tảng có lượng truy cập cao nên chọn tiếp tục hoạt động trên nền tảng này. Ngoài ra, một số người bán chọn cách đóng cửa gian hàng trên Shopee, chờ đợi sự thay đổi chính sách từ trang thương mại điện tử.