Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính sách thời chiến của Nhật Bản và sự thoái trào của Shina soba

Các chính sách kiểm soát thực phẩm của Nhật Bản trong thời chiến, đã dẫn đến sự thoái trào của Shina soba.

Giống như hầu hết sản phẩm và thú tiêu khiển báo hiệu cho sự đổ bộ của phong cách sống hiện đại vào những năm 1920 và 1930, Shina soba bị coi là tàn tích của một thời đã qua được ghi khắc bằng ít nhiều tính xa hoa phù phiếm khi Nhật Bản chuyển sang giai đoạn cần huy động mọi nguồn lực cho chiến tranh.

Cơ chế phân chia nhu yếu phẩm của đất nước trong những năm 1940 đã hình thành nên một quan niệm, đó là việc ăn uống ở ngoài tiệm là lãng phí và buông thả. Quan niệm này được tạo dựng bởi những cá nhân đang mang trong mình tư tưởng rằng cuộc tranh đấu mà họ đang trải qua là một cuộc chiến sống còn của toàn bộ quốc gia.

Bên cạnh việc tự sản xuất lương thực tại nhà, cơ chế chia khẩu phần lương thực đã nổi lên vào năm 1938 như một cách chính để kiếm cái ăn, nhưng đến năm 1942, các chủ thể nhà nước đã thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát kinh tế đến mức tất cả những nguồn nhân lực và vật chất sẵn có đều được khai thác để phục vụ cho nhu cầu của quân đội.

Từ năm 1944, tổn thất chiến tranh ngày càng tăng đồng nghĩa với việc hệ thống sản xuất và nhập khẩu thực phẩm được kiểm soát không thể theo kịp mức phân phối khẩu phần mà chính phủ đã cam kết. Hậu quả là, trong nhiều trường hợp, cư dân thành thị buộc phải tự nuôi sống mình bằng cách trao đổi hàng hóa với người nông dân, tổ chức canh tác theo tập thể, và tìm đến những loại thực phẩm trước đây chưa từng được dùng làm đồ ăn như côn trùng, lá cây đun sôi và rễ cây.

Ramen lich su chua ke anh 1

Shina soba - Ramen từng có một thời rơi vào thoái trào. Ảnh: livejapan.

Các biện pháp kiểm soát kinh tế đã dẫn đến việc cấm đoán Shina soba nhằm mục đích tối đa hóa sản xuất và kiểm thử áp lực lạm phát gây ra do nhu cầu cấp thiết đối với nguyên liệu thô trong tiến trình chuẩn bị cho chiến tranh.

Mặc dù gần như mọi quy định của chính phủ được đưa ra chỉ như những biện pháp tạm thời, hầu hết đã được duy trì xuyên suốt khoảng thời gian chiếm đóng thời hậu chiến của Mỹ (1945 - 1952), và còn sau đấy nữa.

Nhà sử học kinh tế Nakamura Takafusa từng lập luận: “Phần đa cơ cấu hệ thống được tạo ra trong thời chiến sẽ được kế thừa để trở thành hệ thống kinh tế thời hậu chiến. Các ngành công nghiệp phát triển trong chiến tranh trở thành những ngành công nghiệp mũi nhọn sau chiến tranh; công nghệ quân sự được ‘tái sinh’ trong các ngành xuất khẩu thời kỳ hậu chiến; và lối sống của toàn dân tộc thời hậu chiến cũng khởi nguồn từ những thay đổi đã manh nha trong giai đoạn xung đột”.

Rất nhiều yếu tố chuyển biến trong thời chiến - sự chuyển dịch từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng, sự xuất hiện của hệ thống giao khoán thầu phụ sản xuất các công cụ và linh kiện, sự phát triển của các tổ hợp công nghiệp lấy ngân hàng làm trung tâm, xu hướng áp dụng bộ quy tắc của giới quan chức trong việc chỉ đạo các vấn đề kinh tế, và sự chuyển đổi từ các tổ chức công đoàn sang các hội nhóm công đoàn trong doanh nghiệp - đã tạo nền tảng cho hệ thống kinh tế thời hậu chiến.

Từ đó mà sự kiểm soát ngày càng tăng xuyên suốt thời chiến của các quan chức lên nền kinh tế vẫn tồn tại trong thời kỳ hậu chiến, và đã biến đổi thành thứ mà người Mỹ quan niệm là “phong cách Nhật Bản” trong cách thức quản lý kinh tế vào những năm 1970.

Chính sách cấm đoán nhiều thú vui, như thói quen thưởng thức Shina soba tại các nhà hàng Trung Quốc hay tụ tập tại các quán cà phê, đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhà hoạt động vì cộng đồng thuộc tầng lớp trung lưu.

Những người này coi các hoạt động nói trên là biểu hiện của sự suy đồi và lãng phí khi tình trạng thiếu lương thực trong thời chiến đang có dấu hiệu xảy ra. Động lực của chính phủ nhằm tăng năng lực sản xuất và thắt chặt tiêu dùng là mấu chốt đối với sự thành công của hệ thống chia khẩu phần lương thực, do đó, các quan chức nhà nước đã nỗ lực để thúc đẩy các chiến dịch cấp cơ sở kêu gọi mọi người làm việc nhiều hơn và tiêu dùng ít đi.

Có hai ví dụ về những nỗ lực nhằm hạn chế tiêu thụ thực phẩm này: một là khuyến khích những ngày không ăn thịt (hai tháng một lần vào các ngày 8 và 28), và hai là sự nở rộ của hộp cơm trưa “Mặt trời Mọc” (Hinomaru bentō).

Lấy cảm hứng từ lá quốc kỳ, hộp cơm Hinomaru - suất ăn gồm cơm trắng và một quả mơ ngâm đặt chính giữa hộp cơm - đã trở thành biểu tượng nổi tiếng cho phong trào hạn chế tiêu thụ thực phẩm và đẩy mạnh hỗ trợ dân sự cho binh lính chiến đấu vào cuối những năm 1930.

George Solt / Book Hunter - NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY