Việc dự đoán đường lối chính sách của Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Giờ đây, sự trở lại của ông Donald Trump ở vị trí tổng thống Mỹ đã khiến mọi thứ mơ hồ thêm gấp bội, New York Times nhận định.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã đề xuất và úp mở về một loạt chính sách, bao gồm áp mức thuế quan cao hơn, trục xuất hàng loạt, cắt giảm bớt các quy định và tác động đến mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Những đề xuất kể trên đều có thể tác động đến nền kinh tế theo một cách tương đối phức tạp.
"Tồn tại hai nguồn cơn dẫn đến sự mơ hồ: đầu tiên, chắc chắn là nằm ở những động thái mà họ (Nhà Trắng) có thể sẽ đưa ra", nhà kinh tế Michael Feroli thuộc J.P. Morgan nhận định. "Nhân tố còn lại là ngay cả khi chúng ta biết họ sẽ làm gì, điều đó sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế?".
Sự thay đổi của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là khía cạnh lạm phát, sẽ rất khó đoán trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Điều mà các nhà phân tích hiện nay có thể biết là nền kinh tế Mỹ đang tiến vào năm 2025 với tỷ lệ thất nghiệp thấp, lương cơ bản trên đà tăng, lãi suất của Fed giảm dần và tình trạng lạm phát đang từ từ trở lại mức bình thường sau nhiều năm tăng nhanh ở mức phi mã.
Nhiều cơ sở hạ tầng đã được tiến hành xây dựng dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và sẽ bắt đầu mở cửa hoạt động trong vài năm tới.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát và mức độ tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Bởi lẽ, khi đối mặt với những vấn đề lớn, đơn cử như việc Nhà Trắng có nên cố gắng kiểm soát Fed hay không, ông Trump thường nhận được nhiều lời khuyên từ những cố vấn khác nhau, khiến công tác dự đoán về tương lai nền kinh tế Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Đề xuất tăng thuế quan
Phần lớn các nhà kinh tế đồng tình rằng đề xuất tăng mức thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng giá thành hàng hóa, từ đó nâng mức lạm phát lên. Dẫu vậy, ước tính về mức độ và phạm vi ảnh hưởng của việc tăng thuế có biên độ dao động khá lớn.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, việc tăng thuế đã khiến giá tiêu dùng tăng nhẹ.
Tuy nhiên, các đề xuất lần này của tổng thống đắc cử có thể gây ra tác động mạnh mẽ hơn. Một trong những điểm nhấn trong đường lối chính sách kinh tế của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng là lời cam kết sẽ áp mức thuế quan từ 60% trở lên đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Hiện chưa rõ mọi thứ có giống với nhiệm kỳ đầu của ông Trump hay không", Omair Sharif, nhà sáng lập tổ chức Tầm nhìn Lạm phát, nhận định.
Cũng theo ông Sharif, mức thuế quan được áp vào năm 2018 đã không tạo ra tiền lệ tốt. Mức thuế cao tác động mạnh đến các mặt hàng nhập khẩu như nhôm, thép và những loại nguyên liệu khác thay vì thành phẩm đầu ra.
"Đây không phải các mặt hàng chúng ta sẽ đi mua ở Home Depot vào cuối tuần", ông Sharif nói.
Tình trạng lạm phát đã tăng mạnh tại Mỹ trong vài năm qua. Ảnh: Unsplash. |
Trái lại, chính sách áp thuế mới dự kiến ảnh hưởng đến những mặt hàng tiêu dùng như áo thun và giày tennis, do đó sẽ tác động trực tiếp đến tình trạng lạm phát.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều biến số xoay quanh việc tăng thuế nhập khẩu, bao gồm cách phản ứng của các nền kinh tế nước ngoài, sự điều chỉnh tiền tệ và sự tăng giảm lãi suất cho vay của Fed. Các yếu tố này đều sẽ ít nhiều tác động đến mối quan hệ giữa thuế quan và tỷ lệ lạm phát.
"Câu trả lời sẽ chưa được xác định cho đến khi chúng ta thấy được mức giá thực tế. Thậm chí, kể cả lúc đó, mọi thứ vẫn có thể mơ hồ", Jerome H. Powell, Chủ tịch Fed, nói.
Chính sách nhập cư
Bên cạnh việc áp thuế, các chính sách về vấn đề nhập cư cũng được cho là sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Trump.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử. Ông cũng đã úp mở về ý định cải tổ lực lượng lao động nhập cư trình độ cao, theo New York Times.
"Khi một người tốt nghiệp đại học, tôi nghĩ người đó nên mặc định bản thân phải lấy được thẻ xanh để tiếp tục ở lại nước Mỹ", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với podcast "All In".
Tuy nhiên, việc cải cách hệ thống nhập cư hợp pháp cho những người lao động có trình độ học vấn cao sẽ đòi hỏi sự tham gia của Quốc hội song chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa đả động gì đến kế hoạch ấy.
Đối với bộ phận lao động nhập cư trình độ thấp, chính quyền mới có thể tiến hành nhiều biện pháp để đơn phương khởi động quá trình trục xuất. Dẫu vậy, việc bao nhiêu người có thể bị buộc phải rời khỏi Mỹ vẫn là một con số khó ước đoán.
Sau khi đắc cử, ông Trump đã bổ nhiệm ông Tom Homan làm người quản lý vấn đề biên giới và nhập cư. Ảnh: NBC. |
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã ước tính rằng chính quyền "Trump 2.0" có thể trục xuất khoảng từ 300.000 đến 2,1 triệu người vào năm 2025.
Kent Smetters, chuyên gia đo lường tác động tài chính của các chính sách công, nhận định rằng việc chính quyền Trump trục xuất khoảng vài trăm nghìn người nhập cư trong năm đầu tiên nắm quyền trở lại sẽ tác động không nhiều đến tình trạng lạm phát và sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
"Mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn như chúng ta hình dung", ông Smetters nói. "Việc trục xuất vài trăm nghìn người sẽ không giống với chuyện loại bỏ toàn bộ người lao động không giấy tờ và gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn lao động".
Điều chỉnh giá nhiên liệu
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ giảm giá xăng xuống còn một nửa thông qua sự kết hợp giữa việc cắt giảm các quy định và điều chỉnh những yếu tố địa chính trị.
Các nhà phân tích trong ngành năng lượng nhận xét rằng tổng thống đắc cử có thể tác động đôi chút đến giá xăng. Tuy nhiên, vì nhiên liệu là một thị trường toàn cầu, mức độ tác động đến giá xăng dầu từ các đề xuất chính sách của ông Trump vẫn chưa thể xác định chính xác được.
Theo nhà phân tích Patrick De Haan của công ty theo dõi giá nhiên liệu GasBuddy, trong trường hợp ông Trump bãi bỏ hàng loạt quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), giá xăng có thể giảm 15-25%.
Ông Haan dự đoán rằng giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ có "nằm trong ngưỡng 3 USD" vào mùa hè năm 2025.
"Tổng thống đắc cử không sở hữu đũa phép", ông Haan nói. "Ông ấy không thể buộc các nhà sản xuất dầu khí Mỹ đi ngược lại quy luật kinh tế và chịu lỗ khi kinh doanh được".
Tác động đến Fed
Mặc dù viễn cảnh tương lai còn mờ nhạt song nhiều nhà đầu tư và người tiêu dùng tin rằng các đề xuất chính sách của tổng thống đắc cử sẽ thúc đẩy nền kinh tế đi lên, theo New York Times.
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống đã thắp lên hy vọng về việc giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định, tạo sức bật lớn cho thị trường tài chính. Tinh thần của người tiêu dùng ủng hộ phe Cộng hoà cũng đuộc đẩy lên cao.
Những dấu hiệu về tinh thần tích cực này có thể thúc đẩy nhiều người đầu tư hoặc tiêu xài nhiều hơn, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu thị trường có dấu hiệu nóng trở lại, Fed có thể phản ứng để kìm hãm sự dao động quá lớn. Nhà Trắng hiện không có quyền kiểm soát trực tiếp đối với mức điều chỉnh lãi suất của Fed.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã giữ mức lãi suất cho vay ở mức tương đối cao trong 2 năm qua, hướng tới mục tiêu kiểm soát sự dao động của thị trường Mỹ nhằm kìm hãm mức lạm phát, vốn đã tăng phi mã trong vài năm gần đây.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: Reuters. |
Kể từ khi tình hình lạm phát có dấu hiệu giảm dần đều, các quan chức Fed đã bắt đầu cắt giảm lãi suất cho vay, song họ vẫn chưa quyết định sẽ giảm sâu đến đâu, theo New York Times.
Tổng thống đắc cử nhiều khả năng sẽ không muốn lãi suất được giữ ở mức quá cao. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Fed vì không cắt giảm lãi suất cho vay. Chính trị gia gốc New York cũng đã hứa hẹn rằng khi quay lại Nhà Trắng, ông sẽ tác động để đưa lãi suất về mức thấp hơn.
Điều này làm dấy lên câu hỏi rằng liệu ông Trump có cố gắng tìm cách kiểm soát ngân hàng trung ương Mỹ, vốn là một tổ chức hoạt động theo tôn chỉ trung lập phi đảng phái, hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với Businessweek vào tháng 11, ông Trump nói rằng bản thân sẽ để Chủ tịch Fed Powell tiếp tục đảm nhận vị trí này "nếu tôi thấy ông ấy đang làm việc mà ông ấy cần phải làm". Trên thực tế, tổng thống Mỹ không đủ quyền hạn hợp pháp để sa thải chủ tịch Fed.
New York Times dẫn nguồn tin nội bộ trong đội ngũ ông Trump cho biết một số cố vấn thân cận đã khuyên tổng thống đắc cử không nên tìm cách sa thải hoặc truất quyền chủ tịch Fed vì có thể khiến thị trường rối loạn.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng nếu ông Trump thành công trong việc tác động trực tiếp đến quyết định của Fed, tình hình lạm phát có thể trở nên mất kiểm soát.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.