Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chính sách lãi vay thấp, hoãn trả nợ cứu người Mỹ khỏi cảnh kiệt quệ

Ảnh hưởng của đại dịch khiến nhiều người Mỹ không thể trả lãi vay. Ngoài trao tiền trực tiếp, chính phủ hạ lãi suất, trợ cấp thất nghiệp và hoãn trả nợ vay cho người tiêu dùng.

Ho tro tai chinh anh 1

Theo Wall Street Journal, ông Joseph Doyle, 41 tuổi, đã mất việc làm vào tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Mỹ, đẩy hàng loạt công ty trượt đến bờ vực phá sản, người lao động không còn thu nhập.

Sau đó, ông không thể trả khoản vay mua xe 479 USD/tháng cho công ty cho vay dưới chuẩn Credit Acceptance Corp. Ông Doyle đã hỏi công ty về việc tạm hoãn các khoản thanh toán. Tuy nhiên, Credit Acceptance cho biết không có lựa chọn này.

Sau đó, ông Doyle đã tìm được công việc mới tại một nhà sản xuất ôtô. Tuy nhiên, ông kiếm được ít hơn so với trước đây. Do trả tiền muộn, ông Doyle bị Credit Acceptance hạ điểm tín dụng từ hơn 600 điểm xuống còn khoảng 500 điểm vào đầu tháng 3/2021. Ông đang xem xét nộp đơn phá sản.

Trong những tháng qua, số lượng lớn khách hàng tại Mỹ không thể trả khoản vay mua xe. Điều đó phơi bày ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với tài chính của người tiêu dùng, nhất là những lao động thu nhập thấp.

Ho tro tai chinh anh 2

Ngày càng nhiều người Mỹ không thể trả lãi vay do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài. Ảnh: Wall Street Journal.

Căng thẳng tài chính

Theo công ty báo cáo tín dụng TransUnion, vào tháng 2, khoảng 10,9% trong số những người vay mua xe dưới chuẩn đã quá hạn trả tiền 60 ngày. Tỷ lệ tăng từ 10,7% hồi tháng 1 và 8,7% một năm trước đó. Đây là mức cao nhất tính từ tháng 1/2019, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng so với tháng liền trước.

Trong quý IV/2020, hơn 9% người vay mua xe dưới chuẩn đã quá hạn trả lãi 60 ngày. Ngày càng nhiều người Mỹ không thể trả lãi vay bất chấp các gói kích thích kinh tế, trợ cấp thất nghiệp và những khoản hỗ trợ khác của chính quyền liên bang.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Nick Goodwin đang trong quá trình học lái xe tải và không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Anh đã yêu cầu sự hỗ trợ từ bên cho vay, Westlake Services LLC. Tuy nhiên, công ty cho biết anh Goodwin không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Kể từ tháng 5/2020, anh Goodwin không thể chi trả khoản vay 560 USD/tháng cho chiếc Dodge Ram của mình. "Mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn. Tôi đang làm một số công việc phụ để kiếm tiền chăm sóc cho các con mình", anh than thở.

Ho tro tai chinh anh 3

Theo công ty báo cáo tín dụng TransUnion, vào tháng 2, hơn một năm sau khi đại dịch bùng phát, khoảng 10,9% trong số những người vay mua xe dưới chuẩn tại Mỹ đã quá hạn trả tiền 60 ngày. Ảnh: Wall Street Journal.

Đến tháng 10, chiếc xe tải của anh bị tịch thu do không thể thanh toán khoản vay. Anh buộc phải vay 900 USD từ một người bạn để lấy lại.

Để đối phó với tác động chưa từng có của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất xuống gần 0 và vẫn duy trì lãi suất thấp cho đến nay. Washington cũng tung ra các gói kích thích khổng lồ, trao tiền trực tiếp cho người dân, trợ cấp thất nghiệp và hoãn trả nợ vay hàng tháng đối với những người có thu nhập thấp.

Cụ thể, chính phủ liên bang đã cho phép người vay tạm dừng thanh toán những khoản vay sinh viên và vay thế chấp mua nhà. Chính sách này giúp ích cho các chủ nhà và sinh viên tốt nghiệp đại học.

Một số nhà băng cũng cho phép hoãn trả các khoản vay mua xe, vay thông qua thẻ tín dụng hoặc vay cá nhân trong vòng 3 tháng.

Lãi suất thấp, hoãn trả nợ

"Để đối phó với dịch Covid-19, chúng tôi đã cung cấp một loạt biện pháp bảo vệ cho những khách hàng thông báo với chúng tôi rằng họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch", Wall Street Journal dẫn lời một phát ngôn viên của Credit Acceptance.

Bà Tracy Van Buren, sống tại Gardena (quận Los Angeles, bang California) đã mất việc làm hồi mùa xuân năm ngoái. Tuy nhiên, bà vẫn phải trả 286 USD mỗi tháng cho khoản vay mua chiếc Nissan Altima.

Bà Van Buren thừa nhận tình hình tài chính của bản thân từng "rất căng thẳng". "Tôi vẫn gắng gượng và cố gắng ép bản thân hy vọng", bà chia sẻ. Sau đó, bà đã được JPMorgan Chase & Co. cho phép hoãn thanh toán 3 tháng đối với khoản vay mua chiếc Nissan Altima.

Theo CNBC, hồi cuối năm 2020, chính quyền liên bang Mỹ cũng phân bổ gần 300 tỷ USD cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) đối với các doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ. Để nhận được khoản hỗ trợ, doanh nghiệp phải có ít hơn 300 nhân viên và chứng minh được doanh thu sụt giảm 25%.

Tôi không chắc liệu chúng ta có còn ở đây nếu thiếu khoản vay cứu trợ PPP hay không

Bà Amanda Cohen, chủ nhà hàng chay Dirt Candy ở Manhattan

Hồi tháng 3 năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, bà Amanda Cohen - chủ nhà hàng chay Dirt Candy ở Manhattan - phải đóng cửa nhà hàng và sa thải toàn bộ 35 nhân viên.

Sau đó, bà đã nhận được khoản vay cứu trợ PPP 6 chữ số, tuyển lại 7 nhân viên vào mùa hè và cứu vãn hoạt động của nhà hàng.

Cửa hàng của bà từng có đến 100 khách hàng mỗi tối. Nhưng đại dịch khiến số khách hàng giảm chỉ còn khoảng 4-20 người. Tuy nhiên, điều quan trọng là cửa hàng của bà Cohen vẫn có thể duy trì hoạt động. "Tôi không chắc liệu chúng ta có còn ở đây nếu thiếu nó (khoản vay PPP) hay không", bà chia sẻ.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng ban hành lệnh cấm trục xuất người thuê nhà chưa trả tiền trọ vì cuộc khủng hoảng khiến nhiều người mất nguồn thu nhập. Hôm 3/8 vừa qua, CDC đã công bố gia hạn lệnh cấm trục xuất đến ngày 3/10 năm nay, sau khi lệnh này hết hạn vào hôm 1/8.

Tương tự Mỹ, hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, tung ra các gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có để đối phó với tác động của đại dịch.

Singapore cũng công bố các chương trình cứu trợ, trong đó có giảm lãi suất, hoãn trả tiền thế chấp đối với những cá nhân và doanh nghiệp nhỏ do tác động kéo dài của đại dịch.

Ho tro tai chinh anh 4

Lãi suất thấp và các chính sách giãn nợ, hoãn trả khoản vay đã thúc đẩy nhu cầu mua nhà và xe tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Lãi suất thấp và các biện pháp hỗ trợ như giãn nợ, hoãn thanh toán khoản vay đã thúc đẩy nhu cầu mua nhà ở và xe trên nhiều thị trường. Tiền tiết kiệm của người Mỹ tăng cao lên mức kỷ lục. Theo Wall Street Journal, nhu cầu mua ôtô tại Mỹ cũng sắp đạt đỉnh.

Theo công ty nghiên cứu J.D. Power, nhu cầu tăng cao đã đẩy giá trung bình của một chiếc xe mới lên 37.572 USD vào tháng 4, tăng gần 7% so với một năm trước đó.

Theo CNN, vào tháng 6, giá trung bình của một căn nhà có sẵn tại Mỹ cũng đạt mức cao kỷ lục 363.300 USD, tăng 23% so với năm ngoái. Con số này đánh dấu tháng thứ 112 tăng liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi đang chứng kiến nhiều người tiêu dùng trở lại, nhưng một số người khác thì không

- Ông Satyan Merchant, Trưởng bộ phận Kinh doanh Tài chính Ôtô tại công ty báo cáo tín dụng TransUnion

Mua một ngôi nhà cho riêng mình trở thành ưu tiên hàng đầu của cô Kelly Robinson trong thời kỳ đại dịch. "Vào mùa thu năm 2020, sau khi phải ở nhà quá nhiều, tôi quyết định rằng đã đến lúc mua một căn nhà", cô kể lại.

Khi lãi suất rơi xuống mức thấp kỷ lục, cô Robinson đặt mục tiêu mua nhà vào mùa xuân để đợi nguồn cung tăng lên và lo liệu tiền.

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận các biện pháp hỗ trợ. Chẳng hạn, tại Mỹ, những khoản vay mua xe không nằm trong danh sách cho phép tạm dừng thanh toán của chính quyền liên bang.

Đại dịch cũng khiến nhiều khách hàng có sức khỏe tài chính tương đối tốt trở thành người vay dưới chuẩn.

Dịch Covid-19 kéo dài và tình trạng mất thu nhập do đại dịch cũng đẩy nhiều người vào cảnh kiệt quệ tài chính, bất chấp các gói kích thích kinh tế và những biện pháp cứu trợ khác của chính quyền liên bang.

"Chúng tôi đang chứng kiến nhiều người tiêu dùng trở lại, nhưng một số người khác thì không", ông Satyan Merchant, Trưởng bộ phận Kinh doanh Tài chính Ôtô tại công ty báo cáo tín dụng TransUnion, bình luận.

Những ổ dịch Covid-19 mới đe dọa các nền kinh tế châu Á

Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở châu Á đã làm trầm trọng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng của nguồn hàng hóa sản xuất lớn nhất thế giới. 

Giá nhà tăng kỷ lục tại thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới

Nhu cầu tăng vọt, nguồn cung hạn chế và lãi suất thấp đã khiến thị trường nhà ở Hong Kong - vốn nổi tiếng đắt đỏ - tăng lên mức kỷ lục mới.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm