Thông tư 13 của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ 1/6. Theo đó, các hãng hàng không có thể từ chối chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.
Với các trường hợp hành khách bị bệnh tâm thần, việc chấp nhận chở hay không do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định. Hành khách bị bệnh tâm thần được chấp nhận lên tàu bay phải đáp ứng các yêu cầu như có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được hành vi bất thường của khách.
Cũng theo thông tư này, hành khách được mang tối đa 1 lít chất lỏng lên các chuyến bay quốc tế, dung tích mỗi bình chứa 100 ml và phải được đóng kín hoàn toàn.
Năm 2016, Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên áp dụng khoán kinh phí xe công. Trong ảnh là Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí dùng taxi đến nơi làm việc. Ảnh: Anh Tuấn. |
Sẽ khoán kinh phí dùng xe công
Để hướng dẫn Nghị định 04 của Chính phủ về định mức sử dụng ôtô trong các cơ quan Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 24. Văn bản này sẽ có hiệu lực từ 6/6.
Theo hướng dẫn của thông tư này, mức khoán kinh phí sử dụng xe đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định hình thức khoán theo km thực tế và khoán gọn.
Khoán theo km thực tế sẽ được tính bằng số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại nhân với số ngày làm việc thực tế trong tháng, và nhân với đơn giá khoán.
Nếu khoán gọn sẽ được tính bằng số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại nhân với số ngày đưa đón bình quân hàng tháng, nhân đơn giá khoán.
Hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực HĐND cấp tỉnh), chủ tịch hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế quyết định phân cấp thẩm quyền trong việc áp dụng mức khoán gọn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế.
Mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước phải đặt cọc 10-20%
Thông tư 21 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn Nhà nước theo phương thức dựng sổ có hiệu lực từ 3/6. Theo đó, nhà đầu tư công chúng có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đặt mua tính theo giá mở sổ.
Nhà đầu tư chiến lược có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với giá trị bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua, tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa.
Tiền đặt cọc được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần. Trường hợp số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền phải thanh toán, nhà đầu tư được hoàn trả lại phần chênh lệch.
Cán bộ hải quan kiểm tra máy móc nhập khẩu. Ảnh: Báo Hải Quan. |
Không nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ trên 10 năm tuổi
Quy định này không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong trường hợp: Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã
Từ ngày 25/6, Nghị định 34 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố chính thức có hiệu lực.
Theo Nghị định mới này, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giảm xuống chỉ còn tối đa 23 người với xã loại 1 (trước đây 25 người). Xã loại 2 trước đây có 23 người nay giảm còn tối đa 21 người. Xã loại 3 cũng giảm 2 người từ 21 xuống còn 19 người.
Đối với xã, thị trấn bố trí trưởng công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức nêu trên giảm 1 người.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Cụ thể, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người).
Vi phạm trong lâm nghiệp bị phạt đến 1 tỷ đồng
Nghị định 35 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ 10/6.
Theo đó quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng. Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm. Như vậy, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.