Tại một cuộc họp của Ủy ban Nội vụ hồi đầu tháng này, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Joaquin Castro của Texas hỏi đi hỏi lại Ngoại trưởng Mike Pompeo về kế hoạch của chính quyền Trump đối với Triều Tiên. "Làm thế nào để xác định sự phi hạt nhân hóa của bán đảo Triều Tiên?", Castro hỏi.
"Chà, chúng ta vừa nói 'hoàn toàn'", Pompeo trả lời. Bị thúc ép dồn dập hơn, Pompeo nêu vài phần trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà theo ông Bình Nhưỡng sẽ phải bỏ, bao gồm khả năng phát triển tên lửa và sản xuất vật liệu phân hạch.
"Các ông sẽ bỏ qua nếu đó là chương trình hạt nhân dân sự?", Castro hỏi. Sau một khoảng lặng dài, Pompeo đáp "chúng tôi đã nói rằng sẽ không thích hợp nếu họ có khả năng phát triển thêm". Nhưng ông nhanh chóng sửa câu trả lời của mình.
"Tôi không thể trả lời câu hỏi đó", Pompeo thừa nhận. "Tôi không ở vị trí có thể trả lời câu hỏi đó cho các vị ngày hôm nay".
Cuộc trao đổi hôm 23/5 ngắn nhưng đáng nói, minh họa một thách thức lớn đối với Mỹ khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un: Trump và các cố vấn hàng đầu của ông dường như không biết điều họ muốn.
Tổng thống Donald Trump (phải) và Phó tổng thống Mike Pence. Ảnh: AP. |
Những câu trả lời mông lung
Mục tiêu của hội nghị là một thỏa thuận với Bình Nhưỡng nhằm kiểm soát vũ khí, nhưng chỉ bao gồm vũ khí hạt nhân, hay cũng liên quan đến vũ khí hóa học và sinh học? Đó có phải thỏa thuận lớn bao trùm mọi khía cạnh của mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên? Quá trình giải giáp diễn ra nhanh chóng hay kéo dài nhiều năm? Liệu các cuộc đàm phán có đề cập đến tất cả tên lửa đạn đạo, bao gồm cả những tên lửa có thể tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng không tấn công Mỹ?
Những câu trả lời chẳng hề rõ ràng. Một đánh giá của Politico về những tuyên bố công khai từ chính quyền Mỹ trong những tuần gần đây cho thấy Trump và các trợ lý cấp cao của ông đã nêu ra các mục tiêu khác nhau vào những thời điểm khác nhau, ngay cả khi đề cập một vấn đề cơ bản như ý nghĩa của việc phi hạt nhân hóa. Các quan chức như Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Phó tổng thống Mike Pence và chính Trump đã mâu thuẫn với nhau, đôi khi liên tục nâng và giảm những kỳ vọng chỉ trong vài giờ.
Tuần trước, Trump đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 12/6, nhưng sau đó lại nói rằng nó "vẫn có thể xảy ra" và công tác chuẩn bị đang diễn ra ở cả hai quốc gia.
Sự bối rối của chính quyền Trump là điều không thể tránh khỏi, do sự phức tạp của vấn đề, thời gian ngắn để lập kế hoạch kể từ khi Trump đồng ý gặp Kim Jong Un vào tháng 3, sự lạ lẫm của Bolton và Pompeo trong cương vị mới của họ - cả hai đều bắt đầu từ vài tuần trước.
Thế nhưng sự không thống nhất này đã khiến các nghị sĩ cũng như các đồng minh châu Á của Mỹ hoang mang. Họ lo lắng rằng không có mục tiêu rõ ràng, các cuộc đàm phán sẽ sụp đổ và kích thích những mối nguy tiềm ẩn từ Triều Tiên. Các thông điệp lộn xộn cũng làm Bình Nhưỡng "phát cáu". Tuần qua họ đã tức giận trước "những nhận xét không kiềm chế và liều lĩnh" từ các quan chức của Trump như Bolton hay Pence.
"Dù sao thì bạn cũng cần phải có lập trường cốt lõi", Castro nói trong một cuộc phỏng vấn với Politico hôm 30/5. "Tôi sợ rằng họ không biết chính xác cốt lõi nằm đâu và lập trường của họ là gì."
Trump có thể coi "không thể đoán trước" là một chiến lược thông minh, nhưng các nhà phê bình nói rằng tổng thống đang gieo rắc sự không chắc chắn có thể dẫn tới những tổn hại.
"Thế giới cần phải dựa vào tổng thống Mỹ và lời nói của ông", Christopher Hill, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ từng tham gia đàm phán hạt nhân với Triều Tiên nói. "Rõ ràng chúng ta không có điều đó. Chúng ta chẳng có gì gần với điều đó".
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh rằng toàn bộ chính quyền đều "hết mình vì sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược của bán đảo Triều Tiên", một khái niệm mơ hồ thường xuyên được Trump và cộng sự sử dụng. "Khi chúng tôi làm việc trên lộ trình, điểm đến vẫn giữ nguyên," Nauert nói.
Cố vấn an ninh John Bolton (giữa) có nhiều bình luận khiến Triều Tiên tức giận. Ảnh: AP. |
Quan điểm không nhất quán
Một câu hỏi quan trọng là Trump sẵn sàng cho Triều Tiên bao nhiêu thời gian để đáp ứng định nghĩa của ông về "phi hạt nhân hóa". Bolton và Pompeo đều cho biết họ không muốn một quá trình kéo dài nhiều năm, bao gồm việc giảm dần các vũ khí của Triều Tiên để đổi lấy những nhượng bộ từ Mỹ. Họ chỉ ra rằng các thỏa thuận hạt nhân trong quá khứ của Washington với Bình Nhưỡng đã sụp đổ theo thời gian, cho rằng Mỹ quá tin tưởng còn Triều Tiên thì nuốt lời.
Tuần trước, Pompeo nói với các nhà lập pháp rằng Trump nóng lòng chờ đợi kết quả. "Chúng tôi sẽ không để điều này kéo dài", ông nói. "Chúng tôi sẽ không cung cấp cứu trợ kinh tế cho đến khi một hành động chắc chắn - không phải lời nói, không phải cam kết - được thực hiện bởi chính quyền Bình Nhưỡng".
Nhưng chỉ một ngày trước đó, chính Trump dường như đã để ngỏ khả năng tiếp cận từ từ. "Chắc chắn sẽ tốt hơn nếu có tất cả trong một", tổng thống cho biết khi được hỏi về phương pháp tiếp cận từng giai đoạn đi kèm những khích lệ cho Triều Tiên từ Mỹ.
Câu hỏi liệu Bình Nhưỡng có thể giữ chương trình hạt nhân dân sự mà Pompeo né tránh cũng rất quan trọng. Đầu tháng này, Trump đã kéo Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cho rằng nó quá hạn chế. Vài ngày sau, Pompeo phát biểu rằng bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai với Iran phải bao gồm những hạn chế nghiêm ngặt hơn về khả năng sản xuất năng lượng hạt nhân của Tehran, có thể được khai thác vì mục đích quân sự. Chính quyền Trump sẽ gặp khó trong việc giải thích tại sao Triều Tiên không được đánh giá theo cùng tiêu chuẩn đó.
"Mô hình Libya" cũng là yếu tố cần đề cập. Vào cuối tháng 4, Bolton trích dẫn ví dụ về thỏa thuận 2003-2004 mà Mỹ đã đạt được với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi. Ông này đã từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với phương Tây.
Triều Tiên lại nhìn "mô hình Libya" bằng một góc nhìn khác. Bình Nhưỡng nhớ rằng Mỹ cuối cùng cũng đã ủng hộ phiến quân Libya, lật đổ và giết chết Gaddafi vào năm 2011. Trong một tuyên bố ngày 16/5, Bình Nhưỡng chỉ trích Bolton và cảnh báo Trump không được nghe theo lời khuyên của Bolton, khẳng định "không che giấu cảm xúc thù hận đối với ông ta".
Tuy nhiên, Trump có vẻ thực sự đã đồng ý với định nghĩa của Triều Tiên về "mô hình Libya". Ngày 17/5, trước các phóng viên, Trump tuyên bố rằng "mô hình Libya không phải là một mô hình mà chúng ta nghĩ đến khi đề cập Triều Tiên... Libya đã bị tàn phá. Không có thỏa thuận nào để giữ Gaddafi".
Sau đó, Trump lại cho rằng mô hình Libya có thể hoạt động, "nếu chúng ta không thực hiện thỏa thuận, mà rất có thể là sẽ như vậy".
Bốn ngày sau, Pence giải thích lời đe dọa của Trump, nói với Fox News rằng "sẽ chỉ giống mô hình Libya nếu Kim Jong Un không thỏa thuận". Điều này đã tạo ra một phản ứng giận dữ khác từ Triều Tiên: một thứ trưởng ngoại giao gọi Pence là "chính trị gia ngu ngốc" và nhắc đến viễn cảnh đối đầu hạt nhân. Những bình luận này khiến Trump ra quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh giờ đây đã trở lại đúng hướng.
Cả Pompeo và Bolton đều đảm nhiệm cương vị mới được vài tuần. Ảnh: Getty. |
Hành động mâu thuẫn
Vấn đề trầm trọng hơn khi các quan chức của Trump đôi khi sử dụng lời nói có thể không phản ánh quan điểm thực tế của họ. Một số người đã đề cập mục tiêu "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Bình Nhưỡng thường khẳng định mong muốn điều tương tự. Nhưng định nghĩa của Triều Tiên về cụm từ này bao gồm cả việc Mỹ rút các lực lượng quân đội trong khu vực.
Hôm 30/5, khi mô tả chủ đề của hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng đó là "phi hạt nhân hóa bán đảo". Nhưng khi được hỏi liệu có phải bà chỉ đề cập Triều Tiên, chứ không phải hệ thống vũ khí của Mỹ, Sanders khẳng định "chính xác".
Về phạm vi của các cuộc đàm phán, Kim Jong Un có thể muốn thảo luận về giải trừ vũ khí chỉ tập trung vào vũ khí hạt nhân. Nhưng trong một số tuyên bố của mình, Trump lại chỉ ra rằng ông muốn Bình Nhưỡng từ bỏ cả những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Vào cuối tháng 4, nói với Fox News, Bolton cho rằng vũ khí hóa học và sinh học cũng sẽ là một phần của mọi cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Cùng vào tháng 4, Pompeo gây ngạc nhiên khi nói "mục đích của cuộc gặp là giải quyết mối đe dọa hạt nhân này đối với Mỹ". Điều này khiến Nhật Bản và Hàn Quốc lo lắng. Họ sợ Washington sẽ hài lòng với một thỏa thuận chỉ giải quyết các tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ, chứ không liên quan đến tên lửa có thể nhắm đến lãnh thổ của họ.
Hơn một tháng sau, xuất hiện trước Hạ viện Mỹ, Pompeo một lần nữa nhấn mạnh: "Chúng tôi đang rất nỗ lực để đảm bảo lợi ích của Mỹ được an toàn".
Nhưng Pompeo cũng gợi ý các cuộc đàm phán có thể bao trùm nhiều lĩnh vực hơn bom hạt nhân hoặc tên lửa, thậm chí có khả năng nói đến cả nhân quyền.
Tuy vậy, Soo Kim, nhà cựu phân tích của CIA chuyên về Triều Tiên, cho biết những phản ứng không thể dự trước của chính quyền Trump có thể trở thành một "công cụ hữu ích" nếu tổng thống Mỹ mặt đối mặt với Kim Jong Un.
"Theo một cách nào đó, ông ấy sẽ trả lại cho Triều Tiên một trong những chiến thuật đàm phán quan trọng của họ: nói một điều hôm trước, để rồi hoàn toàn vô hiệu hóa nó vào ngày hôm sau", bà nói. "Điều này có thể gây hoang mang cho Bình Nhưỡng, vốn quen đối phó với đối tác nhất quán, có thể đoán trước dễ dàng hơn".