Ngay cả sau nhiều năm dự các buổi tiệc mai mối, một nhân viên văn phòng ở Tokyo vẫn chưa tìm được người chồng lý tưởng. “Tôi đã mệt mỏi vì đi nhiều mà không gặp được ai”, cô nói với Economist.
Vì vậy cô quyết định mở rộng “tầm ngắm” ra ngoài thủ đô. Cô điền một hồ sơ bao gồm tên, nghề nghiệp, sở thích, thậm chí cân nặng lên một trang web chuyên ghép cặp các nam thanh nữ tú độc thân ở thành phố và ở nông thôn.
Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản trì hoãn hoặc quyết định không sinh con tăng cao. Ảnh: CNN. |
Hôn nhân thành thị - nông thôn được khuyến khích
Đó là cả một khái niệm ở Nhật, “iju konkatsu”, tức tìm kiếm vợ chồng ở nơi khác. Những dịch vụ như vậy ngày càng phổ biến, và ông mai, bà mai lại thường là các chính quyền địa phương, theo Economist.
Ở Akita, tỉnh phía bắc của hòn đảo chính ở Nhật, chính quyền địa phương từ lâu đã có trang web mai mối các trái tim độc thân tại địa phương, một “Tinder” của riêng họ. Chính quyền nói rằng họ đạt nhiều thành công trong việc ghép cặp 1.350 người trong 9 năm hoạt động.
Không dừng lại ở đó, gần đây, tỉnh này bắt đầu có dịch vụ tương tự nhắm đến những người bên ngoài tỉnh. “Bằng cách dùng trang konkatsu, chúng tôi hy vọng nhiều người từ bên ngoài sẽ cưới người ở Akita, rồi chuyển đến ở đây”, Rumiko Saito từ Trung tâm Hỗ trợ Hôn nhân Akita cho biết.
Ngoài các trang web ghép đôi, các địa phương ở Nhật còn tổ chức các bữa tiệc để giúp những người độc thân tìm thêm bạn. Họ cũng tổ chức các tour du lịch nhóm giá rẻ đến các tỉnh nông thôn, trong đó một nửa là người địa phương, còn một nửa là người từ các thành phố, để khuyến khích người dân thành phố cưới và chuyển đến vùng nông thôn. Hàng trăm người độc thân tham gia các tour này mỗi năm.
Họ làm vậy để giảm số người chuyển đi nơi khác. Dân số ở 40 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản đang giảm, do người trẻ chuyển lên thành phố để học đại học hoặc tìm việc. Vì vậy, với những người ở lại, số đối tượng hẹn hò phù hợp ngày càng thấp hơn - càng khiến họ chuyển đi.
Sự mất cân bằng giới khiến các cặp đôi càng khó tìm đến nhau. Trong 80% các tỉnh có dân số giảm, phụ nữ chuyển đến thành phố nhiều hơn nam giới, có nghĩa các thành phố lớn như Tokyo có nhiều phụ nữ độc thân hơn, còn ở vùng nông thôn có nhiều nam giới độc thân. Một quan chức ở Akita phàn nàn rằng nhiều đàn ông ở nông thôn bị coi là “ế”.
Ngày càng nhiều người Nhật lựa chọn kết hôn và sinh con muộn hơn. Tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Nhật là 31,1 cho người chồng và 29,4 cho người vợ, theo Nikkei Asian Review.
Một phụ nữ Nhật chuẩn bị chụp bộ ảnh cô dâu đơn thân. Ảnh: New York Times. |
Trang web mai mối ở Akita khá mới, và mới chỉ vài cặp đôi thành thị - nông thôn thật sự kết hôn qua đó, vì vậy cho đến giờ vẫn khó xác định sự hiệu quả, theo Economist.
Theo một khảo sát năm 2017 của hãng tin Kyodo của Nhật, hơn 50% chính quyền các địa phương ở Nhật đang hỗ trợ nam nữ độc thân tìm nửa kia thông qua các chương trình mai mối và lớp học về hôn nhân.
Theo khảo sát, trên 1.741 địa phương, có 932 địa phương, chiếm 53,5% tổng số, là có các chương trình hỗ trợ hôn nhân. Một số địa phương nói chương trình của họ thành công và giúp ích cho kinh tế địa phương, một số khác lại cho biết chương trình của họ ít được hưởng ứng.
Tỷ lệ sinh giảm, các biện pháp chưa tác dụng
Tỷ lệ sinh ở Nhật giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2018, trong khi các cải cách về chế độ lao động cho các bà mẹ đi làm vẫn chưa phát huy tác dụng, theo Nikkei Asian Review.
Năm 2018, Nhật có 918.397 trẻ mới sinh, giảm 27.668 so với năm 2017, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Tỷ lệ sinh - tức số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sinh ra - giảm ba năm liên tiếp, xuống còn 1,42. Chính phủ muốn tăng tỷ lệ này lên 1,8, nhưng thường bị chỉ trích vì không cải thiện điều kiện làm việc để phụ nữ cân bằng sự nghiệp với con cái, dù ngày càng nhiều phụ nữ đi làm.
“Phải công nhận chính phủ đã có những biện pháp, chẳng hạn thay đổi chế độ lao động và miễn phí giáo dục, chăm sóc trẻ nhỏ”, Masakazu Yamauchi, giáo sư ở Đại học Waseda, nói với Nikkei Asian Review.
Các nỗ lực mở rộng hệ thống nhà trẻ đã giảm danh sách chờ ở nhiều thành phố. Chính phủ cũng thành công trong các biện pháp giảm giờ làm, bao gồm giới hạn thời gian làm overtime (ngoài giờ).
Nhưng nhiều biện pháp đang chú trọng vào phụ nữ đã có con. Hỗ trợ cho cho người chưa có con hiện dừng lại ở các buổi tiệc mai mối do các địa phương tổ chức.
“Khó có thể nói rằng chính phủ đã xua tan được lo ngại mà người trẻ đang có về tương lai”, Yamauchi nói.
Tỷ lệ lao động nữ ở Nhật Bản hiện cao hơn bao giờ hết. Ảnh: New York Times. |
Nhiều phụ nữ lo rằng nghỉ đẻ sẽ làm giảm cơ hội thăng tiến của họ. “Tôi cảm thấy nếu tôi lập gia đình, tôi sẽ bị giới hạn thời gian, và tôi sẽ không thể thăng tiến trong sự nghiệp”, một phụ nữ 28 tuổi làm cho một công ty IT nói với Nikkei Asian Review.
Chính phủ cũng thừa nhận cấu trúc công việc ở Nhật khiến mọi người khó chọn được lịch làm việc phù hợp với các giai đoạn trong cuộc đời đi làm.
Ở Pháp, nơi có tỷ lệ sinh cao nhất Liên minh châu Âu (EU) năm 2017, đạt mức 1,9, tuổi trung bình mà phụ nữ sinh con đầu lòng là 28,7, trước người Nhật hai tuổi.
Chính phủ Pháp đã thông qua các luật vào năm ngoái yêu cầu các công ty giảm cách biệt lương giữa hai giới, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn về lương, chế độ nghỉ đẻ, thăng chức và tăng lương, và phạt những công ty không đạt các tiêu chuẩn.
Các công ty cũng phải tạo môi trường công việc phù hợp với việc nuôi con nhỏ. Một lựa chọn là làm sao để những ai mới có con linh hoạt hơn, làm ít việc hơn và ít giờ hơn, đợi tới khi họ ổn định mới quay lại lịch làm như cũ.
Mika Ikemoto từ Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết môi trường nuôi dạy con ở Nhật vẫn không cải thiện, chẳng hạn các nhân viên trông trẻ phải làm việc nhiều giờ và có những vụ xâm hại trẻ em.
“Tỷ lệ sinh giảm một phần vì mọi người ngày càng không thấy kết hôn và có con sẽ làm họ hạnh phúc”.
“Nếu chúng ta không theo đuổi chính sách ‘ưu tiên trẻ em’, tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, thì tỷ lệ sinh sẽ không tăng”, bà Ikemoto nói thêm.