Ngày 19/12, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, nhóm đối tượng liên quan đến những sai phạm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấ pcho các tập thể, cá nhân.
Sai phạm của chính quyền, doanh nghiệp phải gánh hậu quả?
Nhiều người dân cho biết, sổ đỏ của họ được chính quyền thành phố trước đây cấp thời hạn lâu dài. Đến năm 2013, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cấp đất với thời hạn như trên là vi phạm Luật Đất đai năm 2003 (quy định của luật chỉ cấp quyền sử dụng đất trong thời hạn 50 năm).
Cử tri Đinh Hữu Khanh cho biết ông mua 2 lô đất ở đường Lê Đức Thọ và được Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà chứng nhận là đất thương mại dịch vụ đóng tiền theo đất ở và sử dụng lâu dài.
Đến tháng 3/2017, ông mang đi bán, nhận đặt cọc và ra công chứng thì mới biết Văn phòng công chứng có công văn chỉ đạo của UBND Đà Nẵng và Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chuyển đổi đất của ông sang đất 50 năm. "Nếu đồng ý thì tôi mới được chuyển đổi, được công chứng. Như vậy tôi phải đền bù tiền đã nhận cọc của người ta", ông Khanh bức xúc.
Ông Trịnh Bằng Có, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết cái sai này là của chính quyền.
"Anh Thơ (ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Đà Nẵng - PV) vừa rồi họp HĐND nói cái này thuộc về chính quyền trước mà tôi nghĩ trước hay sau gì cũng là chính quyền của nước ta", ông Có nói.
Ông đề nghị TP Đà Nẵng đề xuất với Thanh tra Chính phủ theo hướng nếu người dân đúng thì phải đền bù, tính toán tiền chênh lệch giữa đất lâu dài và đất có thời hạn.
Luật sư Trương Văn Bình cũng cho rằng việc thu hồi, chuyển đổi giấy tờ đất của cá nhân, doanh nghiệp từ lâu dài sang 50 năm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp.
“Công ty luật của chúng tôi đã nhận được trên dưới 10 yêu cầu khởi kiện chính quyền. Tôi đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội tạo điều kiện nếu được thì để DN khởi kiện ra tòa”, luật sư Bình nói.
Bà Hoa thừa nhận chính quyền Đà Nẵng cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp trái luật. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Không để người dân và doanh nghiệp chịu thiệt
Bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, thừa nhận việc ghi sai thời hạn sử dụng đất này đã kéo dài hơn 10 năm nên giải quyết hậu quả rất khó.
"TP Đà Nẵng một mặt vừa phải thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, mặt khác phải làm sao đảm bảo quyền về tài sản của doanh nghiệp và cá nhân”, bà Hoa nói.
Cũng theo bà Hoa, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ không tách ra những trường hợp đã chuyển nhượng hay không mà kết luận chung. Tất cả vấn đề này sẽ được nghiên cứu, ghi nhận ý kiến, đối chiếu với quy định pháp luật.
Vị lãnh đạo này đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với Thủ tướng để tách bạch từng trường hợp. Trong quy định pháp luật về đất đai, trường hợp người có thẩm quyền cấp giấy sai thì tùy mức độ phải xử lý trách nhiệm hành chính và có thể cả hình sự. "Chúng tôi sẽ làm hết sức mình, cố gắng có tiếng nói xem xét lại những nội dung chưa hợp lý trong kết luận thanh tra”, bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cho biết chính quyền thành phố không trốn tránh trách nhiệm. "Không có chuyện trách nhiệm của chính quyền nhiệm kỳ trước khác với trách nhiệm nhiệm kỳ sau. Pháp luật quy định, bất cứ chính quyền nào nhận chuyển giao phải nhận trách nhiệm kể cả quyền và nghĩa vụ", ông Sơn nói.
"Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình để có kết quả sớm nhất, bảo vệ những quyền lợi cử tri; đeo đuổi kiến nghị đến cùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Sơn chốt lại.