Chính quyền Trump đang bí mật trao đổi với các trợ lý hàng đầu của ông Nicolás Maduro trong nỗ lực dọn đường cho các cuộc bầu cử ở nước này.
Các quan chức ở Caracas và Washington cho biết các cuộc đàm phán có sự tham gia của Trung úy Diosdado Cabello, người đứng đầu Quốc hội Lập hiến Quốc gia và bị Washington ra lệnh trừng phạt vì cáo buộc liên quan đến buôn bán ma túy.
Các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn đầu với sự tham dự của những người ủng hộ quan trọng khác của tổng thống Venezuela trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng của đất nước.
Theo Wall Street Journal, Mỹ đang thúc đẩy các cuộc bầu cử dân chủ sẽ trao cho các chính trị gia đối lập, bao gồm cả Juan Guaidó, người mà Washington coi là người lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, cơ hội để nắm quyền.
Thời điểm đàm phán quan trọng
Những nỗ lực mang lại sự thay đổi ở Venezuela đến vào thời điểm quan trọng: Hơn bốn triệu người đã rời khỏi đất nước kể từ năm 2015 trong cuộc di cư gây căng thẳng cho nguồn lực của các nước láng giềng. Ở Venezuela, nạn đói đang gia tăng, nền kinh tế đang tan rã và các công ty đang đóng cửa.
Đối với ông Cabello, một mục tiêu quan trọng là nhận được sự đảm bảo từ Mỹ rằng ông và những người khác có thể duy trì quyền lực chính trị ở Venezuela và không phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu chế độ sụp đổ, theo một người Venezuela có mối liên hệ cấp cao với cả hai bên đàm phán.
|
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) cùng giám đốc hội đồng quốc gia Diosdado Cabello, người được cho là đang đàm phán với các cố vấn của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.
|
"Điều mà Diosdado muốn là có thể ở lại Venezuela, một cách hòa bình", người này nói. Ông cho biết đã gặp ông Cabello tháng trước và nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong vai trò trung gian.
"Mục tiêu chính của nỗ lực này là xây dựng niềm tin và nhận được sự bảo đảm quốc tế", ông nói. Nhân vật này cho biết điều đó sẽ giúp các nhân vật của chính phủ Maduro tin rằng cam kết an toàn của họ sẽ được thực hiện bởi bất kỳ chính phủ mới nào.
Các nhân vật của chế độ muốn tránh "trả thù, đàn áp, bạo lực". Ông Cabello cũng muốn phong trào của mình, được gọi là Chavísmo sau khi cố Tổng thống Hugo Chavez qua đời, được phép cạnh tranh trong các cuộc bầu cử, ông nói thêm.
Các quan chức chính quyền Trump công khai nói rằng vấn đề duy nhất để đàm phán là ngày ông Maduro rời đi. Các nguồn tin thân cận cho biết các quan chức Mỹ cũng muốn sử dụng các cuộc đàm phán để chia rẽ các nhân vật trong chế độ Maduro, trong nỗ lực làm suy yếu tổng thống.
Phát biểu với các phóng viên hôm 20/8, Tổng thống Trump xác nhận các quan chức đang "nói chuyện với các đại diện ở các cấp độ khác nhau của Venezuela". Ông không nêu danh tính những người này nhưng nói rằng "họ đang đàm phán ở cấp rất cao".
Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 20/8, ông Maduro khẳng định rằng các cuộc thảo luận đã thực sự diễn ra. "Chúng tôi có những cuộc họp bí mật ở những nơi bí mật với những người bí mật mà không ai biết", ông cho biết và nói thêm rằng Venezuela sẽ "tiếp tục liên lạc" với Mỹ.
|
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ ở Caracas vào ngày 10/8. Ảnh: AFP/Getty.
|
Ông Cabello, một cựu đội trưởng quân đội 56 tuổi, đứng đầu nghị viện ủng hộ ông Maduro được tạo ra để loại bỏ Quốc hội do phe đối lập dẫn đầu khỏi quyền lực.
Manuel Cristopher Figuera, người từng là giám đốc tình báo của ông Maduro trước khi đào tẩu sau cuộc đảo chính thất bại hồi đầu năm nay, mô tả ông Cabello là nhà lãnh đạo hiếu chiến và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong các đơn vị quân đội. Dù không ưa ông Maduro, ông Cabello chưa bao giờ âm mưu chống lại tổng thống như các quan chức khác.
"Điều đó mang lại cho ông ấy nhiều sự tín nhiệm cho vị trí của mình", ông Cristopher Figuera nói. Ông lưu ý rằng vị thế của ông Cabello khiến cho sự tham gia của ông là nền tảng cho thành công của bất kỳ dàn xếp chuyển giao quyền lực nào.
Kỳ vọng đạt thỏa thuận trước năm 2020
Các cuộc đàm phán đang diễn ra khi các đại diện khác của ông Maduro, do Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodríguez và em gái của ông, Phó chủ tịch Delcy Rodríguez, dẫn đầu, đề nghị các nhà đàm phán đối lập khả năng tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong những tháng tới.
Được đưa ra vài tuần trước trong các cuộc đàm phán riêng ở Barbados, đề nghị này được coi là bước đột phá quan trọng kể từ khi các quan chức Venezuela tuyên bố sẽ không bị áp lực để tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới.
Phe đối lập yêu cầu bầu cử vì ông Maduro được bầu lại vào năm 2018 trong cuộc bỏ phiếu bị coi là gian lận, khiến Mỹ và một số chính phủ khác tuyên bố chức tổng thống của ông là bất hợp pháp.
Thay vào đó, những chính phủ này coi ông Guaidó, chủ tịch Quốc hội, là tổng thống lâm thời của Venezuela.
|
Tổng thống lâm thời Venezuela tự xưng, Juan Guaidó, tại một cuộc tuần hành chống lại chính phủ nhân kỷ niệm ngày độc lập của Venezuela. Ảnh: AFP/Getty.
|
Các cuộc đàm phán ở Barbados giữa chính quyền và phe đối lập trong nước gần đây đã bị Venezuela đình chỉ nhưng dự kiến được nối lại vào cuối tháng này.
Những người quen thuộc với các cuộc đàm phán nói rằng chúng không thể thành công trừ khi các cuộc đàm phán song song giữa các quan chức Mỹ và các nhân vật chủ chốt trong chế độ tiến triển trước.
Trong hậu trường, các quan chức trong chính quyền Trump nói rằng họ nhận ra những nỗ lực của họ trong tám tháng qua để lật đổ ông Maduro và đưa ông Guaidó lên thay thế đã bị đình trệ. Điều đó giúp họ khám phá các trung tâm quyền lực khác nhau của Venezuela và những người lãnh đạo chúng.
"Người Mỹ hiểu rằng họ phải đóng một vai trò trong bất kỳ cuộc đàm phán thành công nào", một người quen thuộc với các cuộc đàm phán ở Barbados, nói.
Trong khi đó, tại Venezuela, một lãnh đạo đảng gần gũi với tổng thống cho biết ông Maduro đã nói với các nhà lãnh đạo Đảng Xã hội cầm quyền của mình thảo luận về việc khôi phục quyền lực cho quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Cũng có cuộc thảo luận về thỏa thuận tiềm năng với phe đối lập, trong đó cả hai sẽ chỉ định các đại diện cho một hội đồng bầu cử mới và tòa án tối cao, mặc dù kế hoạch chưa tiến triển.
"Tổng thống Maduro cởi mở với mọi khả năng, ông ấy đón nhận bất kỳ lựa chọn nào", quan chức này nói.
Tất cả các bên vẫn chia rẽ về những gì họ muốn đạt được. Các nhà lãnh đạo cánh hữu trong phe đối lập không công khai ủng hộ các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, các quan chức chính phủ muốn phong trào của họ có thể có một ứng viên trong bất kỳ cuộc bầu cử nào trong tương lai. Các nhà đàm phán đối lập muốn ông Maduro bị cấm tham gia.
Một nguồn tin nói rằng các cuộc đàm phán cần được tiến hành nhanh chóng và dẫn đến một thỏa thuận trong những tháng tới. Nếu kéo dài sang năm 2020, mùa chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Trump sẽ gặp khó khăn và có thể sẽ nhượng bộ.
"Đồng hồ đang điểm với tất cả. Họ cần dàn xếp việc này trong vài tháng tới, nếu không phải vài tuần. Nếu không, nó sẽ là một mớ hỗn độn", người này nói.