Theo đó, quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành và địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để đạt được định hướng này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.
Đồng thời, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hay tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai phải được xử lý nghiêm.
Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng được giao, thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đất đai và các quy định liên quan cần được tập trung hoàn thiện theo hướng đồng bộ và rút gọn thủ tục hành chính, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch.
"Nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội", Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch. Tuy nhiên, riêng với đất trồng lúa, cần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng, đặc biệt khi chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, nhất là đất khu công nghiệp.
Cũng trong Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh khoa học, công nghệ, trong đó đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, gồm có dữ liệu về quy hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất.
Điều này nhằm hướng đến công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch đất đai, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Song song đó, để tận dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.