Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO lên quốc hội

Chính phủ Phần Lan ngày 5/12 đã yêu cầu quốc hội thông qua đơn gia nhập NATO, qua đó chỉ còn chờ sự đồng ý từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto. Ảnh: NATO.

"Việc trở thành thành viên NATO không chỉ quan trọng với người Phần Lan chúng ta, mà còn với các nước NATO", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói trong họp báo ngày 5/12, Reuters đưa tin.

Ông Haavisto nói thêm chính phủ đã đệ trình Quốc hội Phần Lan dự luật về việc gia nhập liên minh quân sự phương Tây.

Tài liệu đề cập đến những tác động với việc Phần Lan vào NATO, đặc biệt trong chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng.

Hồi tháng 5, 188 trong số 200 nghị sĩ quốc hội phần Lan đã thể hiện ủng hộ Helsinki gia nhập NATO. Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết đơn gia nhập sẽ dễ dàng được thông qua, khi nó không yêu cầu thay đổi lập tức luật pháp hay quyền lực liên quan đến đối ngoại và an ninh.

Đến nay, còn Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 trong số 30 quốc gia NATO chưa phê chuẩn đơn gia nhập của hai nước Bắc Âu.

Hungary cho biết sẽ thông qua đơn gia nhập vào tháng 2/2023. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cương quyết với điều kiện hai nước Phần Lan và Thụy Điển phải nỗ lực chống khủng bố, trước khi nhận được cái gật đầu từ Ankara.

Cũng trong họp báo ngày 5/12, ông Haavisto khẳng định Phần Lan không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ nước này, ngay cả khi gia nhập liên minh, theo TASS.

"Chúng tôi không yêu cầu có vũ khí hạt nhân", ông nói.

Ngoại trưởng Phần Lan khẳng định Helsinki sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong các sáng kiến quốc tế sau khi gia nhập NATO.

Bước chuyển mình của NATO

Nhiều năm qua, Mỹ gặp khó khăn khi thuyết phục NATO xoay trọng tâm chính sách đối ngoại sang châu Á để ứng phó Trung Quốc. Nhưng dần dần, các nước NATO đã thay đổi.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện phê duyệt Phần Lan, Thụy Điển vào NATO

Ankara cho biết sẽ phê duyệt hai nước Bắc Âu vào NATO nếu Phần Lan và Thụy Điển "thực sự nỗ lực" chống khủng bố.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm