“Quan điểm của Chính phủ thế nào trước đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc áp dụng kinh nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, để cách ly Đà Nẵng?” - đây là câu hỏi báo chí đặt ra cho người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8.
Khoanh vùng đủ để dập dịch nhưng vẫn đảm bảo thông thương
Nhắc đến ổ dịch tại 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định khi phát hiện đã được khoanh vùng ngay. Khu dân cư sống gần các bệnh viện và các cửa hàng kinh doanh xung quanh cùng những người thăm thân, chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế… đều được khoanh vùng và kiểm soát rất chặt chẽ.
“Quan điểm chung là các vùng dịch chúng ta phải khoanh, dập. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và dập tắt”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khoanh vùng dập dịch nhưng phải tính toán kỹ để đảm bảo hoạt động kinh tế. Ảnh: Xuân Trung. |
Dẫn chứng khi có ca nhiễm ở thôn Bùi thuộc tỉnh Thái Bình, ông Dũng cho biết việc giãn cách xã hội chỉ được thực hiện trong phạm vi thôn, tức là chỉ khoanh vùng với bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch nhưng vẫn bảo đảm vấn đề kinh doanh, thông thương của nền kinh tế.
Theo ông, kinh nghiệm các nước cũng đều thực hiện chiến lược “mục tiêu kép” như chỉ đạo mà Thủ tướng đã nhiều lần quán triệt.
“Hiện phần lớn các địa phương chưa có dịch, chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19, có địa phương có ca nhiễm nhưng do xuất phát từ ổ dịch Đà Nẵng. Vì vậy, phải tính toán làm sao phản ứng vừa đủ chứ không đưa ra trạng thái cứng quá”, người phát ngôn Chính phủ nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại bài học của Singapore, khi dịch bùng phát ở khu ký túc xá công nhân, nước này đã đóng cửa toàn quốc khiến sau đó phải chi trả hơn 100 tỷ đôla Singapore để giải cứu nền kinh tế, trong khi 99% số lây nhiễm Covid-19 ở Singapore thời điểm đó là trong khu ký túc xá công nhân. Nhiều chuyên gia của Singapore cho rằng chỉ cần cách ly khu ký túc xá đó là giải quyết được vấn đề, không cần đóng cửa toàn quốc vì nó gây ra hậu quả vô cùng lớn.
Nhấn mạnh quyết định thực hiện giãn cách, phong toả thế nào là vấn đề rất quan trọng, người phát ngôn Chính phủ cho biết Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, làm sao để hợp lý, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.
Ông cho biết thêm Văn phòng Chính phủ sẽ cùng các cơ quan chức năng, Bộ Y tế sớm soạn thảo chỉ thị mới của Thủ tướng theo tinh thần đưa ra giải pháp mạnh nhất, tốt nhất, kịp thời để chủ động ứng phó và dập tắt dịch trong tình hình mới.
Sẵn sàng phương án cách ly tại nhà
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhắc lại quan điểm của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã âm thầm lây nhiễm trong vòng 1 tháng và diễn ra 2 đến 2,5 chu kỳ. Vì thế, phải chuẩn bị tinh thần áp dụng biện pháp cao nhất.
“Chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu phương án của Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra để áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh”, ông Cường nói.
Về việc khống chế dịch ở Đà Nẵng, ông cho biết Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng đoàn. Thứ trưởng Sơn sẽ ở lại Đà Nẵng đến khi nào hết dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ Y tế đã sẵn sàng phương án cách ly tại nhà. Ảnh: Xuân Trung. |
Trong đoàn cũng có đội điều trị, đội dập dịch rất nhiều kinh nghiệm, gồm cả các bác sĩ từng tham gia dập dịch ở Bạch Mai. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng trực tiếp vào Đà Nẵng.
“Tất cả đội quân có kinh nghiệm nhất ở đợt phòng chống dịch đầu tiên đều được đưa vào chiến dịch này. Chúng tôi khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch ở 3 bệnh viện ở Đà Nẵng và một số điểm ghi nhận có ca mắc cộng đồng. Sau đó phong tỏa những nơi nguy cơ lây nhiễm cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Ông cho biết Bộ đã triển khai truy vết những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh để tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu và giám sát tình hình sức khỏe với các ca nghi ngờ.
"Hiện chúng tôi huy động hơn 1.000 người gồm sinh viên trường y, quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch ở Đà Nẵng với tinh thần hết sức quyết liệt. Tình hình đang trong tầm kiểm soát”, ông Cường nhận định.
Về câu hỏi liên quan đến đề xuất cách ly tại nhà trong trường hợp quá tải được Chủ tịch Đà Nẵng đưa ra, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định hiện khu cách ly tập trung tương đối đông, một số khu đã quá tải nên Bộ Y tế cũng sẵn sàng phương án cách ly tại nhà.
“Bộ đã chuẩn bị phương án này từ lâu và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban chỉ đạo”, ông Cường nói.